Ông Nguyễn Minh Tiến, Cục trưởng, Chánh văn phòng Nông thôn mới Trung ương trao đổi với Báo Nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: Nguyên Huân.
Thưa ông Nguyễn Minh Tiến, ông đánh giá thế nào về thành quả chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” OCOP đạt được trong 2 năm qua?
Chúng ta triển khai chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM được 10 năm, từ năm 2011 - 2020. Một trong những trọng tâm của chương trình là tập trung vào cốt lõi, nội dung, mục tiêu để làm sao nâng cao được thu nhập cho người dân.
Trên cơ sở đó, chúng tôi đã tập kết, đánh giá kinh nghiệm của thế giới cũng như các địa phương, đề xuất Thủ tướng Chính phủ vào ngày 7/5/2018 đã ban hành quyết định 490 về phê duyệt chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” gọi tắt là OCOP.
Đến nay đã được hơn 2 năm, có thể nói trong một thời gian ngắn, chương trình OCOP đã thực sự đi vào cuộc sống, được cả hệ thống chính trị và nhất là người dân nông thôn cũng như rất nhiều chủ thể lớn, đến nay cả 63 tỉnh thành đều phê duyệt đề án OCOP của từng địa phương, 40 địa phương đã triển khai phân hạng đánh giá sản phẩm OCOP, từng sản phẩm khi tham gia sẽ được phân hạng theo tiêu chí đánh giá và xếp hạng từ 1 sao đến 5 sao và chúng ta đã phân hạng, đánh giá được 1.882 sản phẩm.
Như vậy, có thể nói trong một thời gian ngắn, chúng ta đã đẩy mạnh được đồng loạt trên cả 63 tỉnh thành. Mặc dù chúng ta đặt mục tiêu đến hết năm 2020 sẽ có 2.400 sản phẩm OCOP được đánh giá phân hạng, nhưng đến nay đã có 1.882 sản phẩm, đạt 75%. Chúng tôi tin tưởng rằng về mặt mục tiêu số lượng chúng ta hoàn toàn đạt được.
Vấn đề quan tâm hiện nay của các địa phương cũng như Ban chỉ đạo TW là làm thế nào tập trung được vào chất lượng để thực sự sản phẩm OCOP đó không chỉ là đánh giá sao theo hệ thống quản lý Nhà nước mà quan trọng hơn là lấy được sao trong lòng của người tiêu dùng.
Trong định hướng phát triển nông nghiệp hiện nay chúng ta chia ra 3 nhóm sản phẩm. Thứ nhất là nhóm sản phẩm chủ lực cấp Quốc gia, ví dụ như gạo, cà phê ta đã xây dựng thương hiệu chung cho cả Quốc gia.
Nhóm sản phẩm thứ 2 là sản phẩm chủ lực của từng tỉnh ví dụ như vải Bắc Giang, nhãn Hưng Yên, xoài Đồng Tháp.
Nhóm sản phẩm thứ 3 có dư địa tiềm năng rất lớn đó là nhóm sản phẩm đặc sản mà chúng ta hiện nay bắt đầu dùng khái niệm là sản phẩm OCOP.
Tại sao đi vào nhóm sản phẩm này bởi chúng ta biết đối với Viêt Nam, truyền thống của 54 dân tộc anh em khác nhau, nhiều vùng khí hậu, địa lý khác nhau, có dư địa phát triển sản phẩm đặc sản, truyền thống của từng miền, đặc biệt hơn nữa khi mà chương trình OCOP được Thủ tướng chính phủ phê duyệt và tổ chức triển khai đã đáp ứng được đúng nhu cầu của rất nhiều địa phương, nhất là ở những vùng khó khăn.
Chương trình OCOP góp phần nâng tầm thương hiệu, chất lượng các sản phẩm làng nghề truyền thống và sản phẩm nông nghiệp. Ảnh: Nguyên Huân.
Theo ông, chúng ta học hỏi được gì từ tỉnh Quảng Ninh, nơi đầu tiên triển khai chương trình OCOP của cả nước?
Quảng Ninh là tỉnh đầu tiên triển khai chương trình OCOP một cách bài bản, hình thành bộ máy, cơ chế chính sách và trên cơ sở đánh giá kinh nghiệm của Quảng Ninh năm 2018.
Bài học rút ra từ Quảng Ninh, thứ nhất, là chúng ta phải có hệ thống bộ máy tổ chức triển khai đồng bộ chuyên trách, có cán bộ tâm huyết, kinh nghiệm và có năng lực. Phù hợp nhất là đưa vào bộ máy điều hành của nông thôn mới (NTM), như vậy phát huy luôn lợi thế của chương trình NTM, là thương hiệu, là tính nhận diện của nó.
Thứ hai, Quảng Ninh xác định ngay từ đầu sản phẩm OCOP là sản phẩm đặc sản truyền thống với số lượng nhỏ bán cho người tiêu dùng. Tỉnh phát huy lợi thế là địa phương có nhiều khách du lịch đến trải nghiệm, mua sản phẩm OCOP về để làm quà, từ đó tạo ra sự lan tỏa, ví dụ như chả mực Hạ Long, rượu Ba kích, gà Tân Yên.
Một điều nữa, địa phương khi bắt tay làm OCOP phải xác định ngay thị trường của mình là gì, du khách trong nước hay chuỗi siêu thị. Ngoài ra, từng địa phương phải có cơ chế chính sách riêng, hướng tới làm sao hỗ trợ chủ thể cho đến khi bán ra được sản phẩm. Khi chúng ta phát triển các ý tưởng sản phẩm OCOP phải dựa vào những sản phẩm có lợi thế truyền thống.
Qua kinh nghiệm của Quảng Ninh, chúng tôi đã đề xuất được một số giải pháp, trên cơ sở đó nhiều địa phương hiện nay cũng đã chia sẻ, học tập kinh nghiệm, thậm chí nhiều địa phương đi sau nhưng đã có những bước sáng tạo mới đối với chương trình OCOP.
Triển lãm, trưng bày, giới thiệu các sản phẩm OCOP trở thành hoạt động thường niên của nhiều địa phương. Ảnh: Nguyên Huân.
Thưa ông, qua hơn hai năm triển khai chương trình, từ những kết quả và khó khăn phải đối diện, trong thời gian tới chương trình OCOP cần được nâng cấp, nâng tầm theo hướng nào?
Đối với chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, bước đầu thực hiện từ 2018-2020, chúng tôi coi giai đoạn này là giai đoạn triển khai đại trà, cũng mang tính thí điểm để chúng ta rút ra những bài học kinh nghiệm trong cách điều hành, tổ chức triển khai, đặc biệt là những giải pháp hỗ trợ được những chủ thể.
Hiện nay theo khuôn khổ thời gian chúng tôi đang xây dựng chương trình mục tiêu Quốc gia NTM giai đoạn 2021-2025 đã trình Thủ tướng Chính phủ, trình hội đồng thẩm định Trung ương trước khi báo cáo Quốc hội. Một trong những nội dung trọng tâm chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, chúng tôi xây dựng đề án của chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025.
Ở giai đoạn tới, tập trung vào hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ, để sản phẩm đặc sản truyền thống đáp ứng được yêu cầu tiêu dùng, trước hết là vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn chất lượng và thị hiếu tiêu dùng hiện đại.
Việc hỗ trợ cho chủ thể sản phẩm sản xuất OCOP đó, có thể DN, chủ cơ sở, HTX phải có giải pháp cho khoa học công nghệ để thu hẹp khoảng cách và kết nối đặc sản đó với xu hướng tiêu dùng hiện đại.
Thứ hai là hỗ trợ giải pháp kênh tiêu thụ, kết nối cung cầu, đẩy mạnh hơn nữa kênh tiêu dùng kết nối hiện đại thông qua mạng internet, kênh tiêu dùng hạn chế tiếp xúc.
Trong giai đoạn 2021-2025, chúng tôi đưa nội dung về ứng dụng công nghệ số, kỹ thuật số thành nội dung giải pháp trọng tâm trong cả chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM cũng như chương trình OCOP để làm sao ứng dụng CNTT, công nghệ số; không chỉ là hỗ trợ cho công tác quản lý mà còn là nội hàm, tạo giá trị gia tăng cho sản phẩm OCOP;
Đẩy mạnh tổ chức kiểm tra giám sát, đánh giá đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng và đẩy mạnh kế hoạch truyền thông cụ thể để không chỉ các chủ thể, cơ quan quản lý Nhà nước hiểu biết về chương trình OCOP mà kể cả người tiêu dùng có thể hiểu hơn về sản phẩm OCOP và từ đó tạo ra được lực hút để thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn, trong đó có phát triển nhóm sản phẩm đặc sản truyền thống của mỗi vùng miền;
Không chỉ dừng ở mức nâng cao thu nhập cho người dân mà góp phần bảo tồn những giá trị văn hóa, câu chuyện về văn hóa của mỗi vùng miền để hiểu hơn về hồn cốt của người Việt Nam.
Nguyên Huân (Nguồn: nongnghiep.vn)