Ngày 30.12 tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tổ chức hội nghị “Sơ kết 2 năm thực hiện các đề án thí điểm xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu”.
Toàn cảnh hội nghị
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo, trong 2 năm (2019 - 2020), Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã triển khai Đề án thí điểm xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu của 4 huyện Nam Đàn (tỉnh Nghệ An), Hải Hậu (tỉnh Nam Định), Đơn Dương (tỉnh Lâm Đồng) và Xuân Lộc (tỉnh Đồng Nai).
Sau 2 năm thực hiện Đề án, các huyện đã xây dựng và tự đề xuất được Bộ tiêu chí về huyện nông thôn mới kiểu mẫu, gắn với điều kiện, đặc điểm nổi trội của từng địa phương. Đặc biệt, chất lượng các tiêu chí nông thôn mới đã được nâng cao. Đến nay, huyện Nam Đàn đã đạt 29/42 chỉ tiêu (chiếm 69%), Xuân Lộc đạt 19/29 chỉ tiêu (chiếm 65,5%), Hải Hậu đạt 6/14 chỉ tiêu (chiếm 42,9%) và Đơn Dương đạt 10/29 tiêu chí (chiếm 34,5%).
Thực hiện đề án đã giúp các huyện nâng cao thu nhập cho người dân, giảm nghèo bền vững. Năm 2019, thu nhập bình quân đầu người của huyện Nam Đàn đạt 46 triệu đồng/người, huyện Hải Hậu đạt 58,3 triệu đồng/người, huyện Đơn Dương đạt 66,7 triệu đồng/người, huyện Xuân Lộc đạt 61,6 triệu đồng/người; cao hơn đáng kể so với thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn cả nước (khoảng 40,5 triệu đồng/người.
Về giảm nghèo, năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo tại 4 huyện tiếp tục giảm nhanh, thấp hơn khá nhiều so với bình quân của cả nước, cụ thể: huyện Nam Đàn còn 1,46% (năm 2018 là 3,15%); huyện Hải Hậu còn 0,05% (năm 2018 là 0,56%); huyện Đơn Dương còn 0,99% (năm 2018 là 1,87%); huyện Xuân Lộc không còn hộ nghèo.
Đáng chú ý, sau 2 năm thực hiện Đề án, các huyện đã bước đầu hình thành được các mô hình cụ thể gắn với lĩnh vực kiểu mẫu, cụ thể như: các mô hình du lịch trải nghiệm, du lịch văn hóa ở huyện Nam Đàn; các tuyến đường kiểu mẫu cấp thôn, xã, huyện của huyện Hải Hậu; mô hình liên kết chuỗi giá trị gắn với sản xuất theo chứng nhận và vùng sản xuất tập trung ở huyện Xuân Lộc; mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao theo hướng thông minh ở huyện Đơn Dương...
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, các mô hình còn mang tính đơn lẻ, chưa phổ biến, nhân rộng trên quy mô cấp huyện, chất lượng của các mô hình còn hạn chế, thiếu chiều sâu. Các hoạt động mới tập trung nhiều về cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng nông thôn mới, nội dung về nông thôn mới kiểu mẫu mới chỉ hình thành ở một số mô hình, chưa thể hiện rõ sự nổi trội gắn với quy mô cấp huyện, kết quả chỉ là phép cộng cơ học ở cấp độ xã. Chất lượng các mô hình chưa đi vào chiều sâu, chưa mang tính phổ quát và nhân rộng trên phạm vi cấp huyện.
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đánh giá, qua 2 năm thực hiện, mặc dù thời gian thực hiện còn ngắn nhưng các huyện đã đạt được kết quả nền tảng, giá trị sản xuất tăng nhanh, thu nhập nông dân tăng cao.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, việc thực hiện thí điểm các huyện ở các vùng nhằm định dạng từng vùng với những nét đặc trưng thế mạnh để tổ chức sản xuất theo hướng khai thác đúng lợi thế địa phương nhằm phát triển sản xuất, kinh tế nông thôn, xây dựng thiết chế hạ tầng đồng bộ và bảo đảm môi trường, an sinh, nâng cao thu nhập cho nông dân. Các huyện đã tập trung khai thác lợi thế, thế mạnh của mình gắn với du lịch để chương trình lan tỏa đến các địa phương khác.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, trên nền tảng kết quả của 2 năm qua cùng với việc khảo sát thêm một số địa phương, thời gian tới Ban chỉ đạo có hướng dẫn để đi đôi với việc tăng số xã đạt chuẩn nông thôn mới thì có những tiêu chí khung mang tính chất hướng dẫn để các huyện dựa trên lợi thế của mình có bước bứt phá mới. Từ đó góp phần xây dựng vùng nông thôn văn minh, giàu bản sắc dân tộc, một nền nông nghiệp hiện đại với chuỗi giá trị, khai thác lợi thế từng vùng và đời sống nông dân khá, tiến tới giàu có, văn minh.
Minh Hương