Chị Nguyễn Thị Hương (bên phải) đang trao đổi về quy trình trồng chè hữu cơ nhằm đảm bảo chất lượng nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất bột trà xanh matcha
Năm 2001, sau khi tốt nghiệp Khoa Sinh của Trường Cao đẳng sư phạm Phú Thọ (nay là ĐH Hùng Vương) về dạy học gần nhà, niềm đam mê ấy lại trỗi dậy khi chị thấy nhiều vùng đất ở Thanh Thủy có tiềm năng phát triển cây chè. Để biến khát vọng nâng tầm giá trị nông sản Việt thành hiện thực, ngoài giờ lên lớp chị Hương tìm đọc tài liệu nghiên cứu về cây chè, các sản phẩm được chế biến từ chè phục vụ cho ngành chế biến thực phẩm, chăm sóc sức khỏe, sắc đẹp; còn ngày nghỉ thì tìm đến những gia đình địa phương chuyên canh trồng chè để tìm hiểu quy trình canh tác. Nhận thấy cách sản xuất chè truyền thống hiệu quả kinh tế thấp, thị trường tiêu thụ không ổn định lại chưa có thương hiệu, chị Hương mày mò nghiên cứu sản xuất bột trà xanh matcha vốn được nhiều bạn trẻ ưa chuộng. Chị Hương cho biết: Giai đoạn đầu nghiên cứu sản xuất bột trà xanh matcha, tôi thấy thị trường Nhật rất chuộng sản phẩm này, còn tại Việt Nam cũng đã xuất hiện một số loại matcha, song nguồn gốc xuất xứ chưa rõ ràng. Do đó tôi đã bàn với chồng vay vốn đầu tư đầu tư sản xuất, ký kết với các nông hộ trồng chè để hợp tác sản xuất chè xanh hữu cơ, tạo nguồn nguyên liệu ổn định”.
Sản xuất sản phẩm Trà Matcha sữa theo quy trình công nghệ hiện đại
Từ mong muốn nâng cao giá trị sản phẩm chè cho quê hương, tháng 12/2019 chị Nguyễn Thị Hương chính thức đăng ký thành lập Công ty TNHH Maika Food và cho ra mắt sản phẩm bột trà xanh mátcha 100% tự nhiên thân thiện với môi trường. Để có sản phẩm tốt nhất đến tay người tiêu dùng, công ty của chị đã đặt ra những yêu cầu đặc biệt khắt khe trong kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch búp trà, khác biệt hẳn so với kỹ thuật chăm sóc chè bình thường. Đó là trước khi thu hoạch 20-25 ngày, cây chè sẽ được che bớt ánh nắng mặt trời để tăng hàm lượng chất diệp lục, aminoaxit, chất chống oxy hóa và các dưỡng chất khác, búp và lá trà giữ nguyên màu xanh bắt mắt. Sau khi thu hái, trà được làm sạch, đưa vào sản xuất theo công nghệ sấy lạnh- một công nghệ tiên tiến trong chế biến nông sản sau thu hoạch; sử dụng nhiệt độ thấp, hệ thống làm lạnh để tách ẩm, tách hơi nước ra khỏi buồng sấy, giúp trà giữ được trên 95% dưỡng chất tự nhiên đồng thời giữ được màu sắc và hương vị gốc của trà.
Trong quá trình sản xuất, Công ty TNHH Maika Food đã bám sát chủ trương của tỉnh, huyện trong thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP nên đã sớm chủ động lập hồ sơ đăng ký, đến tháng 9/2021 hai sản phẩm: Trà Matcha sữa, Trà Matcha Maika của chị Hương chính thức được UBND tỉnh công nhận sản phẩm OCOP 4 sao. Chị Hương chia sẻ: Để được công nhận là sản phẩm OCOP, Trà Matcha sữa và Trà Matcha Maika đã trải qua rất nhiều công đoạn, quy trình phân loại, đánh giá, phân hạng sản phẩm như các tiêu chí đánh giá về sản phẩm và sức mạnh cộng đồng; khả năng tiếp thị; chất lượng và tính độc đáo của sản phẩm; tiêu chuẩn sản phẩm; khả năng xuất khẩu, phân phối tại thị trường quốc tế…
Ngoài 2 sản phẩm OCOP 4 sao, công ty còn sản xuất các sản phẩm sấy lạnh như: dứa, mít, chuối, cam, trà xanh Sencha. Trước tình hình dịch bệnh COVID- 19 diễn biến phức tạp, việc sản xuất và đưa sản phẩm ra thị trường gặp không ít khó khăn, để đảm bảo an toàn sản xuất và phòng, chống dịch chị Hương chủ yếu giao dịch hàng hoá trên các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội, khâu nối qua điện thoại và tiến hành giao hàng trực tiếp tại nhà cho khách hàng, bên cạnh đó thiết lập thống đại lý phân phối sản phẩm tại ba 3 miền: Bắc, Trung, Nam. Nhờ đó sản xuất ổn định, tạo việc làm cho 4 - 8 lao động với thu nhập từ 4 -7 triệu đồng/người/tháng. Năm 2021, doanh nghiệp của chị Hương đã cung cấp cho thị trường khoảng 5 tấn sản phẩm, lợi nhuận đạt hơn 300 triệu đồng.
Mặc dù mới khởi nghiệp từ chè, vẫn còn nhiều khó khăn, thử thách phía trước, nhưng với sự đam mê sản xuất nông sản sạch, tin tưởng rằng người phụ nữ sở hữu hai sản phẩm OCOP 4 sao Nguyễn Thị Hương sẽ gặt hái được nhiều thành công và có thêm các sản phẩm OCOP 4 sao trong thời gian tới, góp phần nâng cao giá trị nông sản cho vùng đất bên sông Đà.
Mai Phương (Nguồn: baophutho.vn)