Đột phá về NTM
Dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều khó khăn bủa vây nhưng TP Hải Phòng vẫn đạt được nhiều thành tựu đột phá trong xây dựng nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu.
Chỉ tính trong 2 năm, người dân tại 8 xã được thí điểm xây dựng NTM kiểu mẫu ở Hải Phòng đã hiến tặng 125.724m2 đất để đầu tư xây dựng công trình với giá trị tiền đất khoảng 583,85 tỷ đồng.
Xây dựng đường giao thông NTM kiểu mẫu ở xã Đặng Cương, huyện An Dương. Ảnh: Đinh Mười.
Trong quá trình xây dựng NTM kiểu mẫu tại 8 xã, các địa phương đã huy động được tổng nguồn lực để triển khai xây dựng các công trình trên địa bàn các xã là 1.721,56 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn ngân sách là 1.137,71 tỷ đồng, trung bình mỗi xã là 135,5 tỷ đồng, nguồn huy động trong nhân dân là 584 tỷ đồng (bình quân 73 tỷ đồng/xã), chiếm 34%.
Các địa phương đã vận động 4.730 hộ dân hiến tặng 125.724m2 đất để đầu tư xây dựng công trình NTM với giá trị tiền đất khoảng 583,85 tỷ đồng, tiết kiệm cho ngân sách nhà nước 160,438 tỷ đồng so với các công trình đầu tư xây dựng thông thường.
Theo Sở NNPTNT Hải Phòng, chương trình xây dựng NTM kiểu mẫu đã từng bước định hình nên diện mạo mới cho khu vực nông thôn Hải Phòng theo hướng đô thị, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, chỉnh trang, xây dựng cảnh quan nông thôn, đặc biệt là cơ sở hạ tầng nhà ở dân cư.
Các tuyến đường giao thông được đầu tư phục vụ cộng đồng, tạo cảnh quan sáng - xanh - sạch - đẹp, nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường, nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân.
Việc hoàn thiện các kết cấu hạ tầng để tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội bước đầu đã đạt được những kết quả khá vững chắc và tương đối toàn diện về nhiều mặt, góp phần giúp địa phương phát huy các lợi thế về sản xuất nông nghiệp gắn với phát triển thương mại, dịch vụ.
Về mặt kinh tế, việc đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông tại các xã đã góp phần tăng giá trị đất trên địa bàn, giá trị 1m2 đất trên một số tuyến đường giao thông trước và sau đầu tư tại các xã tăng từ 1 - 3 lần. Về thu nhập người dân tại 8 xã thí điểm đạt từ 54 triệu đến 60 triệu đồng.
Quá trình triển khai thực hiện, các cấp ủy Đảng, chính quyền và cả hệ thống chính trị của huyện đã tích cực vào cuộc, chủ động, sáng tạo trong quá trình triển khai tổ chức thực hiện.
NTM ở huyện Thủy Nguyên. Ảnh: Đức Mạnh.
Các địa phương đã huy động và phát huy tối đa vai trò của cả hệ thống chính trị của huyện tham gia chương trình xây dựng NTM kiểu mẫu, đặc biệt là vai trò của cấp ủy chi bộ thôn và hộ gia đình trong xây dựng NTM kiểu mẫu.
Còn người dân là chủ thể thực hiện và giám sát việc thực hiện xây dựng NTM ở cơ sở; chủ trương xây dựng NTM kiểu mẫu phù hợp với lòng dân, được Nhân dân đồng tình hưởng ứng, tự nguyện hiến đất để mở rộng làm đường giao thông, điện chiếu sáng ngõ xóm.
Qua đó, đã tạo ra được sự đồng thuận cao, người dân vui vẻ, phấn khởi chung tay cùng Nhà nước xây dựng NTM, đưa diện mạo nông thôn lên tầm cao mới, khang trang, văn minh, sạch đẹp, phát triển.
“Năm 2022, Hải Phòng sẽ tập trung nguồn lực thực hiện Chương trình xây dựng NTM, phấn đấu hoàn thành 14 xã lựa chọn năm 2021 và nối tiếp 35 xã năm 2022 và đẩy mạnh phong trào xây dựng NTM kiểu mẫu.
Đồng thời, tăng cường các giải pháp huy động nguồn lực thực hiện Chương trình, trong đó sẽ thực hiện có hiệu quả nguồn ngân sách của TP Hải Phòng cũng như lồng ghép hiệu quả các chương trình, dự án, nguồn tín dụng của Ngân hàng Chính sách xã hội và vận động người dân tiếp tục tham gia đóng góp xây dựng NTM kiểu mẫu”, ông Đỗ Gia Khánh – Giám đốc Sở NN-PTNT Hải Phòng cho biết.
Năm 2021, thực hiện đầu tư xây dựng xã NTM kiểu mẫu tại 07 xã (chuyển tiếp từ năm 2020 sang), đến nay đã có 161/163 công trình cơ bản hoàn thành, đạt tỷ lệ 98,78%, có 1/163 công trình đang triển khai thi công, 01/163 công trình về môi trường chưa triển khai thi công và vận động 4.730 hộ dân hiến tặng 125.724m2 đất và giải toả vật kiến trúc của 4.322 hộ để đầu tư các công trình NTM kiểu mẫu.
Công tác xây dựng 14 xã NTM kiểu mẫu trong năm 2021, hiện tại đang được các địa phương tích cực triển khai các thủ tục cần thiết và thi công các công trình đường giao thông.
Tính đến hết năm 2021, đã có 49/49 công trình triển khai thi công, đạt 100% kế hoạch, khối lượng thi công chung toàn thành phố đạt trung bình khoảng 40%.
Về xây dựng huyện NTM, có 4 huyện gồm: Kiến Thuỵ, An Dương, Tiên Lãng, Thủy Nguyên đã hoàn thiện hồ sơ trình Bộ NN-PTNT xét, công nhận huyện đạt chuẩn NTM, đoàn công tác liên ngành do Văn phòng Điều phối Trung ương đã hoàn thành kiểm tra, khảo sát thực địa. Huyện Vĩnh Bảo và An Lão đang lập hồ sơ đề nghị xét công nhận huyện đạt chuẩn NTM trình Bộ NN-PTNT.
Gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp
Cùng với xây dựng NTM kiểu mẫu, năm 2021, ngành nông nghiệp Hải Phòng đã đẩy mạnh cơ cấu lại ngành và đạt được những kết quả bất ngờ.
Theo thống kê, năm 2021, toàn TP Hải Phòng đã hỗ trợ thực hiện các mô hình trồng cây ăn quả tại 6 huyện: Vĩnh Bảo, Tiên Lãng, Kiến Thụy, An Dương, An Lão, Thủy Nguyên với tổng kinh phí 4.727 triệu đồng.
Tái cơ cấu ngành nông nghiệp đang phát huy tốt hiệu quả, gắn với chương trình xây dựng NTM. Ảnh: Đinh Mười.
Trong đó, huyện Vĩnh Bảo được hỗ trợ 1.140 triệu đồng, huyện Tiên Lãng được hỗ trợ 1.050 triệu, huyện Thủy Nguyên được hỗ trợ 525 triệu đồng, huyện An Dương được hỗ trợ 840 triệu đồng, huyện An Lão được hỗ trợ 452 triệu đồng, huyện Kiến Thụy được hỗ trợ 720 triệu đồng.
Bên cạnh đó, đã phát triển được các khu, vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cũng như các hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển sản xuất nông sản chủ lực an toàn và xây dựng thương hiệu, nhãn mác sản phẩm gắn với truy xuất nguồn gốc.
Đồng thời duy trì sản xuất tại 1 khu và 3 vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã có, tiếp tục thu hút đầu tư của các tổ chức, doanh nghiệp vào sản xuất nông nghiệp, nông thôn.
Với chương trình OCOP, có 9 huyện, quận đã tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp huyện cho 23 tổ chức, cá nhân với tổng số 81 sản phẩm.
Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP thành phố đã thực hiện đánh giá 2 đợt cho 81 sản phẩm, kết quả có 5 sản phẩm đạt 5 sao đủ điều kiện để tham dự đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp quốc gia, 21 sản phẩm đạt 4 sao, 55 sản phẩm đạt 3 sao.
Sản phẩm OCOP Hải Phòng ngày cang phong phú và chất lượng. Ảnh: Đinh Mười.
Theo Sở NN-PTNT Hải Phòng, năm 2022, toàn ngành sẽ tập trung thực hiện mạnh mẽ tái cơ cấu ngành gắn với xây dựng NTM kiểu mẫu cũng như xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện, bền vững, sản xuất hàng hóa gắn kết tiêu thụ sản phẩm.
Nâng cao thu nhập và đời sống cho dân cư nông thôn; phòng chống thiên tai, thích ứng điều kiện biến đổi khí hậu; bảo vệ rừng, nguồn nước ngọt và môi trường; tăng cường kỷ luật, kỷ cương công vụ, tiếp tục sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động của công tác tổ chức bộ máy trong ngành.
Tiếp tục ưu tiên phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, quản lý dịch hại tổng hợp và sản xuất nông nghiệp quy mô tập trung các loại sản phẩm chủ lực, thực hiện chương trình OCOP.
Đồng thời tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, ứng dụng công nghệ cao tại các vùng sản xuất, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, chuyển đổi số và triển khai tốt chương trình mỗi xã một sản phẩm.
Toàn TP Hải Phòng đã xây dựng được 251 HTX, bộ máy quản lý hợp tác xã đã tinh giản, gọn nhẹ. Hiện có 40 HTX nông nghiệp thực hiện liên kết tiêu thụ sản phẩm và cung ứng các dịch vụ về giống, mạ khay, máy cấy, thu hoạch, chăm sóc...
Các hợp tác xã từng bước đáp ứng được yêu cầu sản xuất và tiêu thụ nông sản của thành viên và các nông hộ, khắc phục tình trạng thua lỗ; hoạt động có lãi, phân phối theo cổ phần và tích luỹ để đầu tư phát triển sản xuất.
Đinh Mười (Nguồn: nongnghiep.vn)