Tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới gắn với tăng trưởng "xanh"

Nông nghiệp xanh tăng trưởng bền vững là mục tiêu quan trọng trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Ảnh minh họa: Vũ Long

Mục tiêu xây dựng nông thôn mới có nền nông nghiệp hiện đại

Trong giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, ngành nông nghiệp đặt mục tiêu hàng đầu là phát triển nền nông nghiệp sinh thái, hội nhập quốc tế và thích ứng biến đổi khí hậu; xây dựng nông thôn hiện đại, nông dân văn minh nên rất cần có một chiến lược phát triển mang tính hệ thống, định hướng bao quát, dài hạn trong 10 năm và hơn nữa để đạt mục tiêu: Đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng GDP nông lâm thủy sản đạt bình quân từ 2,5-3%/năm, tốc độ tăng năng suất lao động nông lâm thủy sản đạt bình quân từ 5,5-6%/năm giai đoạn 2021-2030. Đến năm 2050, phấn đấu Việt Nam trở thành một trong 10 nước có nền nông nghiệp phát triển nhất thế giới.

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) Lê Minh Hoan, xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn mới, ngoài các giá trị về vật chất, như cơ sở hạ tầng nông thôn, an ninh trật tự xã hội, văn hóa đa dạng..., thì giá trị cốt lõi của tri thức nhân loại phải xuyên suốt trong quá trình thực hiện, không có điểm dừng để ngành nông nghiệp liên tục tái cơ cấu và có sự chuyển mình mạnh mẽ.

Để thực hiện các mục tiêu này, mới đây, ngày 8.12, Bộ trưởng Lê Minh Hoan và Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn đã đại diện 2 đơn vị ký kết chương trình phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền, xây dựng nông thôn mới, gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025.

Đẩy mạnh chăn nuôi an toàn sinh học để xây dựng nông thôn mới bền vững . Ảnh minh họa: Vũ Long

Thực hiện chương trình phối hợp, hai bên chú trọng đẩy mạnh hỗ trợ nông dân ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp theo hướng đảm bảo an toàn thực phẩm và phát triển bền vững; hỗ trợ chuyển đổi số trong nông nghiệp, các mô hình kinh tế tuần hoàn, kết nối thị trường, tiêu thụ nông sản. Đồng thời, hợp tác phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã theo hướng sản xuất sinh thái, hữu cơ, gắn với phát triển du lịch cộng đồng ở địa bàn nông thôn.

Theo ông Nguyễn Minh Tiến – Cục trưởng, Chánh văn phòng – Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương, chuyển đổi mạnh mẽ từ nhận thức tới hành động về phát triển nền nông nghiệp bền vững theo hướng nông nghiệp xanh, nông nghiệp sinh thái, tức là phải chuyển đổi tư duy của nông dân về phát triển kinh tế nông nghiệp, tập trung nâng cao giá trị, chất lượng, hiệu quả sản xuất. Trong đó, đẩy mạnh việc chuyên nghiệp hóa và "doanh nhân hóa nông dân", gắn với thu hút đầu tư doanh nghiệp và khởi nghiệp nông thôn để tạo lập và phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp bền vững dựa trên nền tảng của kinh tế tri thức.

Sản xuất xanh cho giá trị tăng trưởng "xanh", bền vững

Phát triển nông nghiệp theo hướng sinh thái, bền vững trên cả 3 khía cạnh kinh tế - xã hội - môi trường, dựa trên động lực là khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số... là chìa khóa để phát triển những giá trị "xanh" trong sản xuất, chế biến, kinh doanh.

Theo Trung tâm Khuyến nông Hà Nội, trong thời gian qua, Trung tâm đã triển khai được một số mô hình kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi và đạt được nhiều kết quả nổi bật. Cụ thể, năm 2020 và năm 2021, đã triển khai dự án xây dựng mô hình vỗ béo bò thịt và xử lý môi trường bằng chế phẩm sinh học với tổng quy mô 335 con bò vỗ béo tại 4 xã của huyện Ba Vì. Mô hình đã sử dụng chế phẩm sinh học làm đệm lót sinh học (nguyên liệu làm đệm là hỗn hợp trấu, mùn cưa) là một giải pháp hữu hiệu trong việc hạn chế mùi hôi chuồng, giảm thiểu tác động ô nhiễm môi trường, tiết kiệm nước, hạn chế dịch bệnh và đệm lót sau khi sử dụng đường dùng để làm phân bón rất tốt cho cây trồng. 

Trung tâm triển khai 5 dạng mô hình chăn nuôi gà thịt theo hướng an toàn sinh học, ứng dụng chế phẩm sinh học trong chăn nuôi gà thả vườn, sử dụng thảo dược trong chăn nuôi gà thả vườn, với tổng quy mô 300.000 con tại 63 điểm với 362 hộ tham gia tại các huyện: Ba Vì, Sơn Tây, Thường Tín, Thạch Thất, Quốc Oai, Sóc Sơn, Mỹ Đức, Chương Mỹ, Thanh Oai, Đan Phượng...

Trung tâm đã triển khai các mô hình: Chăn nuôi lợn thương phẩm sử dụng thức ăn vi sinh, chăn nuôi lợn thương phẩm sử dụng chế phẩm sinh học tại Sơn Tây, Phúc Thọ, Chương Mỹ, Thanh Oai, Mỹ Đức, Đông Anh, Gia Lâm, Sơn Tây..., sử dụng thức ăn vi sinh nhằm nâng cao sức đề kháng cho đàn lợn, hạn chế sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi, nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm chi phí chăn nuôi.

Tỉnh Thừa Thiên Huế có 385 trang trại chăn nuôi, trong đó có 10 trang trại chăn nuôi lợn quy mô lớn, 60 trang trại quy mô vừa và 315 trang trại quy mô nhỏ; 150 cơ sở chăn nuôi theo hướng hữu cơ, sử dụng đệm lót sinh học với khoảng 6.000 con lợn và 1 trang trại chăn nuôi lợn hữu cơ với quy mô 500 con/lứa, không chỉ đưa ra thị trường sản phẩm an toàn, mà còn góp phần bảo vệ môi trường.

Hiện tại, ngành chăn nuôi Thừa Thiên - Huế đang có bước chuyển dịch từ phân tán, nhỏ lẻ sang chăn nuôi theo hướng công nghiệp tập trung công nghệ cao, tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ, an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh từng bước tạo ra sản phẩm theo hướng sản xuất hàng hoá chất lượng cao, an toàn.

Là một trong những địa phương có nhiều chuyển biến trong xây dựng nông thôn mới, tình Đồng Tháp cũng xác định mục tiêu xây dựng nông thôn mới, tái cơ cấu nông nghiệp là quá trình lâu dài, thường xuyên và liên tục, có điểm bắt đầu nhưng không có điểm kết thúc. Trong giai đoạn mới , Đồng Tháp tiếp tục phát huy những kết quả tích cực đã đạt được của Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới và Đề án tái cơ cấu nông nghiệp trong giai đoạn vừa qua để tiếp tục thực hiện trong giai đoạn 2021-2025 theo hướng bền vững, đi vào chiều sâu nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và môi trường sống của người dân nông thôn.

Ông Trần Công Thắng - Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược PTNT: Trong bối cảnh mới, cần có một chiến lược phát triển NNNT mang tính hệ thống, có định hướng bao quát, dài hạn trong 10 năm và có thể có những tầm nhìn dài hạn hơn nữa. Chiến lược này hiện thực hóa định hướng của Nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ XIII; trong đó, quá trình tái cơ cấu nông nghiệp cần gắn chặt hơn với xây dựng nông thôn mới thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững gắn với những cơ hội về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, thị trường. Từ đó, hướng tới xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.

                                                                                Theo Vũ Long (Nguồn: langngheviet.com.vn)

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất

Liên kết website