Bà con giáo dân xã Hoàng Xá, huyện Thanh Thủy mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đem lại hiệu quả kinh tế cao
Trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 133 nghìn giáo dân, chiếm trên 10% dân số toàn tỉnh. Trong đó có 58 linh mục thường trú và làm mục vụ; gần 1.100 chức việc; 41 giáo xứ thuộc hai giáo phận Hưng Hóa và Bắc Ninh; 123 nhà thờ, nhà nguyện.
Với mục tiêu phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, đồng bào công giáo đã năng động, sáng tạo, mạnh dạn đổi mới cách nghĩ, cách làm, tích cực áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; tập trung phát triển kinh tế theo mô hình trang trại tổng hợp, kinh doanh, dịch vụ. Để góp phần xây dựng nông thôn mới, đồng bào công giáo, các xứ đạo, họ đạo trong tỉnh đã tích cực ủng hộ tiền, hiến đất, ngày công lao động, cây cối, tự nguyện tháo dỡ tường rào, vật kiến trúc… làm đường giao thông nông thôn, xây dựng nhà văn hóa, xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao. Nhiều hộ đã hiến hàng trăm m2 đất, cùng nhiều vật kiến trúc có trị giá như hộ các ông: Nguyễn Văn Hạ, khu 1, thị trấn Thanh Thủy hiến trên 400m2 đất; Lê Văn Thành, khu Dân Chủ, xã Tạ Xá, huyện Cẩm Khê hiến gần 350m2 đất; Nguyễn Ngọc Thân, khu 7, xã Xuân Quang, huyện Tam Nông hiến 270m2 đất…
Xã Hoàng Xá, huyện Thanh Thủy có tới 95% đồng bào theo đạo công giáo. Trong những năm qua, Đảng ủy, chính quyền xã đã tập trung huy động các nguồn lực đầu tư, nâng cấp, phát triển kết cấu hạ tầng, nâng cao chất lượng các hoạt động thương mại, dịch vụ; tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế tham gia; khuyến khích các hộ có nhà mặt đường, gần chợ, khu buôn bán đầu tư mở rộng ngành nghề kinh doanh.
Ông Đào Công Thọ - Chủ tịch UBND xã Hoàng Xá cho biết: Là địa phương giáp với thành phố Hà Nội, nên người dân nơi đây luôn biết tận dụng, phát huy lợi thế để đẩy mạnh phát triển thương mại, dịch vụ. Nhờ đó, thời gian qua các loại hình kinh doanh và các hộ kinh doanh phát triển nhanh với hơn 600 hộ kinh doanh, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động trên địa bàn. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân địa phương không ngừng được cải thiện với thu nhập bình quân đầu người đạt 38,3 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 2,1%. Trong đó, có nhiều gia đình có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Giáo dân tại xã Hoàng Xá, huyện Thanh Thủy đầu tư các cơ sở kinh doanh sản xuất, giải quyết việc làm cho lao động địa phương
Song song với phát triển kinh tế, thời gian qua, các xứ, họ đạo tích cực tuyên truyền, vận động bà con giáo dân xây dựng gia đình có cuộc sống thuận hòa, vun đắp tình làng, nghĩa xóm. Hằng năm, các hộ giáo dân đều đăng ký và thực hiện các nội dung thi đua được cụ thể hóa bằng các hương ước, quy ước ở khu dân cư. Đồng thời, nghiêm túc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, mừng thọ; đẩy mạnh các hoạt động văn hóa văn nghệ, rèn luyện thể dục thể thao. Các xứ đạo, họ đạo cũng chú trọng xây dựng quỹ khuyến học, khuyến tài để thúc đẩy phong trào xã hội học tập trong cộng đồng giáo dân. Nhiều xứ đạo, họ đạo, khu dân cư giáo dân đã phát động phong trào xứ đạo, họ đạo, khu dân cư giáo dân an toàn, không có tội phạm và các tệ nạn xã hội, góp phần đảm bảo an ninh trật tự tại các địa phương.
Xã Hương Lung, huyện Cẩm Khê là xã công giáo toàn tòng, năm 2021 để tập trung về đích chương trình xây dựng nông thôn mới nên Đảng bộ, chính quyền xã đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, sống tốt đời, đẹp đạo”. Trong nhiều năm liền, các giáo họ trên địa bàn xã không có tệ nạn xã hội, không có vụ việc vi phạm pháp luật lớn. Bà con giáo dân ở xã luôn nhất quán phương châm, lương hay giáo đều là công dân của nước Việt Nam, đều phải có trách nhiệm chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật, đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng đời sống, xây dựng quê hương trù phú, thanh bình. Đến nay, Hương Lung đã đạt 19/19 tiêu chí và đang tiến hành thẩm định xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Đường giao thông nông thôn trên địa bàn xã Hương Lung, huyện Cẩm Khê được bê tông hóa giúp người dân đi lại thuận tiện
Cùng với đẩy mạnh thi đua lao động sản xuất, xây dựng đời sống văn hóa, trong xây dựng chính quyền, đồng bào công giáo nghiêm túc tham gia học tập, quán triệt, triển khai thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước; tích cực hưởng ứng các chương trình, hoạt động của MTTQ các cấp phát động. Nhiều giáo dân có uy tín giữ những vị trí chủ chốt trong cấp ủy, chính quyền ở địa phương, cơ sở, góp phần xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền ngày càng trong sạch vững mạnh.
Trước tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp, đồng bào công giáo trong tỉnh đã nêu cao tinh thần trách nhiệm cùng với các cấp ủy, chính quyền, nhân dân trong tỉnh đồng lòng, tích cực tham gia các hoạt động phòng chống dịch COVID-19 của tỉnh. Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các giáo xứ ngừng cử hành thánh lễ với sự tham dự trực tiếp của giáo dân; tăng cường tổ chức các thánh lễ trực tuyến... Thường xuyên tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, quản lý di biến động của dân cư, nắm bắt và rà soát công dân trở về từ vùng có dịch; tích cực ủng hộ quỹ phòng, chống dịch COVID-19.
Ông Lê Kiêm Toàn - Chủ tịch Ủy ban đoàn kết Công giáo tỉnh chia sẻ: Hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, Ủy ban đoàn kết Công giáo tỉnh đã chủ động phối hợp với Ủy ban MTTQ, các ban, ngành, đoàn thể của tỉnh tuyên truyền, vận động đồng bào công giáo thực hiện tốt các phong trào, các cuộc vận động xã hội, giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa, giữ gìn vệ sinh môi trường, đảm bảo an ninh trật tự, cùng nhau đoàn kết xây dựng nông thôn mới. Qua đó, càng củng cố thêm niềm tin của đồng bào công giáo với Đảng, Nhà nước; tình đoàn kết giữa đồng bào Công giáo với các tầng lớp nhân dân ngày càng được củng cố và tăng cường. Đồng bào Công giáo phấn khởi, sống “tốt đời, đẹp đạo”, cùng góp sức xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước.
Thu Hương (Nguồn: phutho.gov.vn)