Để đảm bảo nguồn nguyên liệu ổn định, Công ty TNHH Maika Food ở khu 3, xã Xuân Lộc, huyện Thanh Thủy đã hợp tác với các hộ trồng chè nhằm tự chủ và kiểm soát vùng nguyên liệu tại chỗ.
Bước đầu phát huy hiệu quả
Sau hai năm triển khai Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” OCOP, các địa phương trong tỉnh đã chú trọng phát triển các vùng nguyên liệu gắn với các sản phẩm hàng hóa chất lượng cao mang tính đặc trưng, lợi thế của mỗi vùng miền. Trong đó, đảm bảo các tiêu chí về nguồn gốc và mang tính bền vững, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế tại khu vực nông thôn và mở ra nhiều cơ hội liên kết trong xây dựng chuỗi sản xuất, nâng cao giá trị nông sản, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp - nông thôn theo hướng bền vững.
Thành lập được hơn hai năm, HTX bưởi Xuân Thủy, xã Xuân Thủy, huyện Yên Lập hiện có 32,6ha vùng nguyên liệu với sản phẩm bưởi Diễn đạt tiêu chuẩn OCOP ba sao. Từ khi HTX hình thành được vùng nguyên liệu đã giúp thay đổi phương thức sản xuất từ quy mô nhỏ lẻ ở các hộ gia đình sang sản xuất tập trung theo hướng liên kết chuỗi giá trị khép kín, tạo điều kiện để các hội viên hợp tác nâng cao quy trình kỹ thuật, áp dụng các chương trình quản lý chất lượng tiên tiến trong sản xuất. Ông Nguyễn Văn Nên - Giám đốc HTX bưởi Xuân Thủy chia sẻ: “Việc phát triển vùng nguyên liệu, vùng trồng tập trung, chuyên canh đã giúp HTX tạo ra số lượng sản phẩm lớn hơn, chất lượng đồng đều hơn, song việc liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt thông qua các hợp đồng còn thấp. Chính vì vậy, chúng tôi rất mong muốn các cấp, ngành và địa phương quan tâm, tạo điều kiện để sản phẩm có được đầu ra ổn định. Đồng thời, phổ biến các tiêu chí, tiêu chuẩn để đưa sản phẩm bưởi Diễn vào hệ thống Siêu thị Aloha mail, Big C, Vinmart... trong và ngoài tỉnh, góp phần bảo đảm duy trì chuỗi cung ứng phục vụ người tiêu dùng”.
Được thành lập từ tháng 12 năm 2019 với mong muốn thúc đẩy giá trị của cây chè và mang đến cho khách hàng những sản phẩm hữu cơ chất lượng thông qua công nghệ sấy lạnh hiện đại trên thế giới, Công ty TNHH Maika Food ở khu 3, xã Xuân Lộc, huyện Thanh Thủy hiện có hai sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn bốn sao gồm: Trà Matcha Maika (hộp 200g) và Trà Matcha sữa (hộp 10 gói nhỏ). Để đảm bảo nguồn nguyên liệu ổn định trong quá trình sản xuất, đơn vị đã hợp tác với các hộ trồng chè trên địa bàn nhằm tự chủ và kiểm soát vùng nguyên liệu tại chỗ, góp phần nâng cao hiệu quả, giá trị sản phẩm và bước đầu giải quyết việc làm cho lao động ở địa phương.
Chị Nguyễn Thị Hương - Giám đốc Công ty TNHH Maika Food cho biết: “Các sản phẩm của chúng tôi hiện đã có mặt trên các Trung tâm mua sắm, Siêu thị và các Sàn thương mại điện tử trên cả nước. Điều đó giúp cho doanh số của sản phẩm luôn có sự tăng trưởng tốt. Thời gian tới, bên cạnh việc tập trung phát triển các sản phẩm về chè, chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng vùng nguyên liệu để đảm bảo ổn định nguồn nguyên liệu sạch và đạt tiêu chuẩn trong tất cả các khâu. Công ty sẽ tiếp tục đồng hành hỗ trợ người dân về cơ sở vật chất; các tiến bộ khoa học kỹ thuật; công nghệ hiện đại... trong quá trình chăm sóc chè để tạo ra những sản phẩm chè uy tín, đảm bảo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm khi đến tay người tiêu dùng”.
Đến nay, huyện Thanh Thủy có ba sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh gồm: Đặc sản tương làng Bợ, xã Thạch Đồng (xếp hạng ba sao) của HTX Tương Làng Bợ; Trà Matcha Maika và Trà Matcha sữa (xếp hạng bốn sao) của Công ty TNHH Maika Food. Ông Nguyễn Trọng Luyện - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: “Toàn huyện có ba vùng nguyên liệu chè ở các xã Hoàng Xá, Đào Xá, Sơn Thủy, Tu Vũ và Đồng Trung với tổng diện tích gần 300ha. Trong đó, vùng nguyên liệu của các chủ thể kinh tế có sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện còn ở mức rất nhỏ. Năng lực của một số doanh nghiệp, hợp HTX chưa thể đáp ứng được quy mô, dây chuyền sản xuất, chế biến... khi mở rộng vùng nguyên liệu”.
Việc phát triển vùng nguyên liệu, vùng trồng tập trung, chuyên canh giúp HTX bưởi Xuân Thủy, xã Xuân Thủy, huyện Yên Lập tạo ra số lượng sản phẩm lớn, chất lượng đồng đều.
Từng bước hình thành và mở rộng các vùng nguyên liệu
Toàn tỉnh hiện có 78 sản phẩm, nhóm sản phẩm OCOP cấp tỉnh, trong đó có 30 sản phẩm hạng bốn sao, 48 sản phẩm hạng ba sao. Một trong những tiêu chí hàng đầu của các sản phẩm OCOP là phải mang đậm nét đặc trưng của địa phương gắn với tổ chức sản xuất, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn gắn với xây dựng vùng nguyên liệu ổn định. Từ đó, tăng cường đầu tư công nghệ, các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chế biến và bảo quản các sản phẩm đạt chất lượng cao. Đối với những vùng chè đặc sản trên địa bàn tỉnh, việc xây dựng vùng nguyên liệu theo tiêu chuẩn hữu cơ gắn với OCOP đã được nhiều địa phương quan tâm, chú trọng. Trong đó, tư duy của nhiều chủ thể đã dần thay đổi để tự chủ trong kiểm soát vùng nguyên liệu tại chỗ, tạo nền tảng để nâng cao giá trị, thương hiệu của sản phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Tiêu biểu như: Sản phẩm Chè Ô Long gắn với vùng chè huyện Thanh Sơn; chè Đá Hen gắn với vùng chè huyện Cẩm Khê; chè Bát Tiên gắn với vùng chè huyện Tân Sơn; sản phẩm chè hữu cơ Trà Matcha gắn với vùng chè Đồng Trung, huyện Thanh Thủy; sản phẩm bưởi gắn với vùng bưởi huyện Đoan Hùng; sản phẩm mỳ Gạo Hùng Lô, Mỳ rau củ quả, gắn với vùng nguyên liệu sản lúa huyện Lâm Thao, Tam Nông; sản phẩm thịt chua Thanh Sơn gắn với vùng nguyên liệu chăn nuôi lợn huyện Yên Lập…
Toàn tỉnh hiện có khoảng 15.611ha vùng nguyên liệu cây công nghiệp (chè, sơn...); 5.991ha vùng nguyên liệu cây ăn quả (bưởi, thanh long, hồng...); 78.200ha vùng nguyên liệu cây lương thực (lúa, ngô, đậu tương...); 4.779ha vùng nguyên liệu cây lâm nghiệp (keo, bạch đàn, quế...); trên 428ha vùng nguyên liệu cây rau, củ quả tập trung ở huyện: Lâm Thao, thị xã Phú Thọ và thành phố Việt Trì...; trên 800 cơ sở chăn nuôi quy mô trang trại; 75 làng nghề và nghề truyền thống với trên 500 hợp tác xã...
Năm 2022, toàn tỉnh phấn đấu có thêm 56 sản phẩm, nhóm sản phẩm được đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP từ ba sao trở lên; đến năm 2025 tiêu chuẩn hóa, phát triển 228 sản phẩm chủ lực, đặc sản, đặc trưng, thế mạnh của từng địa phương theo hướng sản xuất hàng hóa đạt tiêu chuẩn, chất lượng được chứng nhận đạt chuẩn OCOP từ hạng ba sao trở lên. Trong đó có 11 sản phẩm OCOP đạt hạng năm sao (sản phẩm cấp Quốc gia); 75 sản phẩm đạt hạng bốn sao và 142 sản phẩm đạt hạng ba sao (sản phẩm cấp tỉnh). Để từng bước hình thành và phát triển các vùng nguyên liệu tập trung quy mô lớn và ổn định, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 22/2021/NQ-HĐND ngày 9/12/2021 về Quy định chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển nông nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh. Trong đó, hỗ trợ thúc đẩy hình thành và phát triển các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn gắn với bảo quản chế biến và tiêu thụ sản phẩm; tích tụ, tập trung đất đai phát triển sản xuất nông nghiệp; hỗ trợ cây trồng, vật nuôi chủ lực sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa; khuyến khích phát triển các sản phẩm đặc trưng, có lợi thế của địa phương sản xuất theo hướng hàng hóa... Đồng thời, tập trung chỉ đạo các địa phương phát triển các sản phẩm mới trên cơ sở lợi thế vùng nguyên liệu và khôi phục, phát huy các làng nghề, nghề truyền thống; ứng dụng những giải pháp về khoa học công nghệ, chuyển đổi số để phát triển và kiểm soát chất lượng các vùng nguyên liệu của sản phẩm OCOP.
Ông Trần Tú Anh - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: “Sau khi được công nhận đạt chuẩn OCOP, một số sản phẩm đặc trưng của tỉnh đang từng bước thâm nhập các thị trường lớn, giá trị sản phẩm và doanh thu của các chủ thể kinh tế tăng lên, góp phần quan trọng trong việc quảng bá thương hiệu và mở rộng thị trường tiêu thụ. Việc hình thành vùng nguyên liệu sẽ giúp cho các doanh nghiệp, HTX chủ động trong kế hoạch sản xuất và kiểm soát được nguồn nguyên liệu về thời gian, số lượng và chất lượng của sản phẩm. Tuy nhiên, bên cạnh các chính sách hỗ trợ của tỉnh để xây dựng vùng nguyên liệu hàng hóa tập trung quy mô lớn và ổn định, các chủ thể cần phải nâng cao năng lực về tài chính, hệ thống kho bãi, dây chuyền sản xuất, chế biến… và chủ động được đầu ra của sản phẩm khi mở rộng vùng nguyên liệu để phát huy được hết tiềm năng, lợi thế của mình. Cần chủ động xúc tiến thương mại, đưa các sản phẩm nông sản lên sàn thương mại điện tử để mở thêm cơ hội giới thiệu sản phẩm đặc trưng tới người tiêu dùng, qua đó, tạo sự liên kết trong cân đối cung - cầu ở trạng thái “bình thường mới”.
Cùng với sự nỗ lực, cố gắng của các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất thì những chính sách hỗ trợ, phát triển sản phẩm OCOP, xây dựng vùng nguyên liệu cho sản phẩm OCOP được triển khai trong thời gian tới sẽ là yếu tố quan trọng để các chủ thể phát triển thêm những sản phẩm OCOP chất lượng cao. Qua đó, không chỉ hướng đến mục đích thúc đẩy phát triển sản xuất sản phẩm, nâng cao thu nhập cho người dân mà còn giúp chuyển dịch cơ cấu kinh tế tại khu vực nông thôn, góp phần quan trọng để các địa phương thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM.
Quốc Đại (Nguồn: baophutho.vn)