Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) chủ trì cuộc họp trực tuyến toàn quốc của Ban Chỉ đạo với các tỉnh, thành trên cả nước về tình hình thực hiện các chương trình mục MTQG - Ảnh: VGP/Hải Minh
Tham dự cuộc họp có Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn.
Ban hành khối lượng lớn văn bản hướng dẫn
Báo cáo tổng hợp của Bộ KH&ĐT do Thứ trưởng Trần Quốc Phương trình bày cho thấy, dưới sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao của Chính phủ, lãnh đạo Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương, các bộ, cơ quan Trung ương đã tập trung xây dựng, trình cấp có thẩm quyền hoặc theo thẩm quyền ban hành 68/73 văn bản quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, cơ bản hoàn thành 93% số nhiệm vụ được cấp có thẩm quyền giao, làm cơ sở triển khai, tổ chức thực hiện các chương trình MTQG trên cả nước.
Trong số các văn bản nêu trên có 2 nghị định của Chính phủ, 23 quyết định của Thủ tướng Chính phủ; 43 thông tư, quyết định, văn bản, kế hoạch cấp bộ quy định, hướng dân tổ chức thực hiện nội dung, hoạt động của các chương trình MTQG.
Ban Chỉ đạo Trung ương đã quyết liệt trong chỉ đạo các bộ, cơ quan, địa phương hoàn thiện việc ban hành văn bản, đẩy nhanh kế hoạch giao vốn, giải ngân và tiến độ thực hiện các chương trình MTQG.
Các cơ quan chủ các chương trình đã ban hành thông tư hướng dẫn quy trình giám sát, đánh giá thực hiện của từng chương trình làm cơ sở cho các bộ, ngành, địa phương tổ chức thực hiện.
Các bộ, cơ quan Trung ương đang khẩn trương xây dựng kế hoạch và tổ chức các đoàn công tác theo phân công của Ban Chỉ đạo Trung ương để đôn đốc việc triển khai; nắm bắt, tháo giỡ các khó khăn vướng mắc trong tổ chức thực hiện các chương trình MTQG tại các địa phương.
Việc ban hành hệ thống văn bản hướng dẫn thực hiện các chương trình MTQG thể hiện nỗ lực rất lớn của Chính phủ, lãnh đạo Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương, và các bộ, ngành do khối lượng công việc nhiều, phức tạp, liên quan đến nhiều đối tượng. Trong số 3 chương trình, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là chương trình lần đầu tiên thực hiện.
Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, riêng Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới phải ban hành gần 50 văn bản liên quan đến nhiều bộ, ngành, trong đó có những văn bản phải trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh tái khẳng định quyết tâm của Chính phủ giải ngân cao nhất vốn đầu tư công nói chung và thực hiện 3 chương trình MTQG nói riêng, trong năm 2022 - Ảnh: VGP/Hải Minh
Tiến độ thực hiện các Chương trình MTQG không đồng đều
Báo cáo của Bộ KH&ĐT cho thấy tỉ lệ giải ngân các chương trình MTQG còn thấp và không đồng đều giữa các địa phương trên cả nước dù cùng mặt bằng thể chế.
Một số địa phương sau khi hoàn tất công tác giao vốn đã tập trung triển khai thực hiện và đạt kết quả giải ngân vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách Trung ương đạt khá gồm: Tây Ninh (74,55%); Lạng Sơn (26,1%); Hậu Giang (21,5%); Hà Nam (39,1%); Vĩnh Long (47,57%); Thái Nguyên (17%).
Đề cập đến những khó khăn, vướng mắc trong quá trình giải ngân, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, tiến độ xây dựng, trình ban hành và ban hành các văn bản quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình theo thẩm quyền của các bộ, cơ quan Trung ương còn chậm so với tiến độ được giao, ảnh hưởng trực tiếp đến việc thực hiện một số nội dung, hoạt động thuộc các chương trình.
Việc lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư theo quy định Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng tại các cấp ở hầu hết các địa phương chưa hoàn thành. Đến ngày 30/9/2022, có 37/52 địa phương vẫn đang trong quá trình lựa chọn, phê duyệt dự án, chưa thực hiện và giải ngân vốn.
Việc điều chỉnh phân bổ kinh phí sự nghiệp năm 2022 của 2 chương trình phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; giảm nghèo bền vững, theo chỉ tiêu giao chi tiết kinh phí sự nghiệp làm chậm tiến độ phân bổ, giao dự toán kinh phí sự nghiệp và triển khai thực hiện các chương trình tại địa phương. Việc giao kinh phí sự nghiệp cho Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới còn chậm nên đến cuối tháng 9/2022 các địa phương mới hoàn thành việc phân bổ.
Nhiều địa phương phản ánh việc triển khai các chương trình ở những huyện nghèo còn khó khăn do địa hình phức tạp, năng lực thực thi còn hạn chế; nhiều dự án mới nên đòi hỏi thời gian chuẩn bị dài; thời tiết diễn biến phức tạp trong những tháng cuối năm, nên khó có thể hoàn thành việc giải ngân kế hoạch vốn trước 31/12/2022 và kiến nghị kéo dài thời gian giải ngân kế hoạch vốn sang năm 2023.
Các địa phương cho rằng cần sớm hoàn thành việc ban hành một số văn bản hướng dẫn tổ chức thực hiện một số dự án thành phần thuộc các chương trình MTQG thuộc trách nhiệm của các bộ, cơ quan Trung ương; đẩy nhanh tiến độ phân bổ, giao kế hoạch vốn ngân sách Nhà nước còn lại chưa phân bổ của giai đoạn 2021-2025; sớm bố trí vốn cho năm 2023.
Bắt tay triển khai ngay các dự án chuẩn bị kỹ lưỡng, đủ cơ sở pháp lý
Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh tái khẳng định quyết tâm của Chính phủ giải ngân cao nhất vốn đầu tư công nói chung và thực hiện 3 chương trình MTQG nói riêng, trong năm 2022.
Quyết tâm đó thể hiện qua việc Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 10 nghị quyết, 4 công điện, tổ chức các hội nghị trực tuyến với các địa phương, thành lập 6 tổ công tác làm việc với các bộ, ngành, địa phương để tháo gỡ khó khăn vướng mắc, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.
Tuy nhiên, trong 9 tháng đầu năm, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt 50%, thấp hơn cùng kỳ năm 2021. Đối với 3 chương trình MTQG, đã hoàn tất việc ban hành khối lượng lớn văn bản làm cơ sở cho việc tổ chức triển khai trên cả nước.
Về nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Thường trực yêu cầu các bộ, ngành Trung ương tập trung hoàn thành việc ban hành các văn bản hướng dẫn còn lại ngay trong tháng 10.
Phó Thủ tướng Thường trực giao Bộ NN&PTNT, Bộ LĐTB&XH và Ủy ban Dân tộc phối hợp với Bộ KH&ĐT nghiên cứu đề xuất của các địa phương về việc việc việc lồng ghép 3 chương trình để tối ưu hóa hiệu quả thực hiện các chương trình này.
Phó Thủ tướng Thường trực yêu cầu các địa phương phải nỗ lực, quyết tâm cao nhất trong giải ngân vốn đầu tư công và giải ngân các chương trình MTQG; bắt tay triển khai ngay các dự án đã chuẩn bị kỹ lưỡng, đủ cơ sở pháp lý.
Phó Thủ tướng Thường trực cũng yêu cầu các địa phương khi lựa chọn dự án phải bảo đảm tập trung, tránh dàn trải, manh mún, ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư của các chương trình MTQG./.
Hải Minh (Nguồn: baochinhphu.vn)