HTX Dịch vụ sản xuất sơ chế và tiêu thụ sản phẩm rau an toàn Tứ Xã phân lô các loại rau để dễ chăm sóc và quản lý.
Chủ thể kiến tạo và thụ hưởng
Xuất phát từ thực tế muốn tăng thu nhập cho gia đình cũng như tạo việc làm ổn định cho người dân địa phương, chị Nguyễn Thị Hằng, xã Chương Xá, huyện Cẩm Khê đã tiên phong cùng bảy gia đình khác thành lập HTX Nông nghiệp hữu cơ Bắc Bộ. Năm 2019, HTX đứng ra dồn đổi, tích tụ được gần 3ha để trồng cây măng tây xanh. Đến nay, trung bình mỗi ngày HTX xuất bán từ 1-2 tạ măng tây, với giá bán dao động từ 50.000 đồng-70.000 đồng/kg, mỗi ngày HTX thu về 10-12 triệu đồng. Đến nay HTX tạo việc làm thường xuyên cho trên 10 lao động địa phương với mức thu nhập ổn định 5-7 triệu đồng/người/tháng, cao hơn hẳn so với việc trồng lúa và cây hoa màu khác.
Năm 2022, HTX đã thành công mở rộng diện tích trồng măng tây xanh lên gần 16ha, thu lợi nhuận hơn 1,1 tỉ đồng. Hiện tại, sản phẩm măng tây của HTX đã đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao, được phân phối cho các công ty xuất nhập khẩu nông sản, các siêu thị, cửa hàng kinh doanh rau củ quả sạch tại một số tỉnh, thành phía bắc như: Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Phòng...
Trước đây, người dân ở xã Tứ Xã, huyện Lâm Thao sản xuất nông nghiệp theo hướng truyền thống, quy mô nhỏ, không tập trung, sản phẩm chủ yếu bán lẻ ở các chợ đầu mối hoặc phục vụ nhu cầu gia đình. Năm 2016, đã có 58 hộ nông dân tại đây đã cùng thành lập HTX Dịch vụ sản xuất sơ chế và tiêu thụ sản phẩm rau an toàn Tứ Xã, với 116 lao động tham gia sản xuất trực tiếp trên diện tích 3,5ha.
Từ khi tham gia sản xuất rau an toàn, người dân đã chủ động trong các quy trình, kỹ thuật trồng rau, chăm sóc, thu hoạch sản phẩm đúng cách giúp cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt, đem lại năng suất cao hơn trước. Quan trọng hơn, sản phẩm sản xuất ra được ký kết hợp đồng bao tiêu với các trường học, doanh nghiệp, siêu thị, cửa hàng với giá cao hơn thị trường; được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP từ năm 2021.
Hiện nay, mô hình liên kết sản xuất rau sạch ở Tứ Xã có sự tham gia của 100 hộ với diện tích trồng quanh năm khoảng 15ha, trung bình mỗi sào cho thu nhập 14 - 15 triệu đồng/năm. Ngoài diện tích đất sản xuất tại địa phương, HTX đang liên kết với gần 40 hộ nông dân ở các huyện Mộc Châu (tỉnh Sơn La), Tân Lạc (tỉnh Hòa Bình) để trồng các loại rau xứ lạnh với tổng diện tích gần 20ha. Tất cả đều được ký hợp đồng để bảo đảm các tiêu chuẩn theo VietGAP, ISO, xây dựng kế hoạch gieo trồng gối vụ… Nhờ đó, HTX luôn có nguồn hàng dồi dào, đa dạng để cung ứng cho các đối tác, bảo đảm việc làm và thu nhập cho các thành viên với thu nhập bình quân khoảng 8 triệu đồng/người/tháng.
Đây chỉ là hai trong số rất nhiều mô hình HTX đạt hiệu quả cao trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, cho thấy sự tích cực vào cuộc của Hội Nông dân các cấp, sự chủ động trong tư duy, cách làm của người nông dân trong liên kết sản xuất, thành lập và phát triển kinh tế tập thể, tổ chức sản xuất theo hướng hàng hóa. Không còn là mô hình sản xuất theo quy mô hộ gia đình manh mún, nhỏ lẻ, chủ yếu làm theo kinh nghiệm truyền thống, giờ đây, khi tham gia các HTX, tổ hợp tác (THT), chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp, người nông dân đã chủ động trang bị kiến thức về quy trình sản xuất an toàn, áp dụng khoa học kỹ thuật, vay vốn để đầu tư, liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm, giúp tăng năng suất và nâng cao chất lượng sản phẩm.
Thông qua liên kết sản xuất, đã phát huy được lợi thế, thúc đẩy tích cực cho sự phát triển các sản phẩm OCOP - sản phẩm mũi nhọn của tỉnh. Hiện nay toàn tỉnh có 78 sản phẩm, nhóm sản phẩm đạt OCOP cấp tỉnh, trong đó có 48 sản phẩm, nhóm sản phẩm đạt hạng 3 sao và 30 sản phẩm hạng 4 sao. Đa số đều đến từ các THT, HTX, qua đó khẳng định vai trò tiên phong của nông dân trong phát triển nông nghiệp - nông thôn, họ vừa là chủ thể kiến tạo, cũng là chủ thể thụ hưởng thành quả trong tiến trình xây dựng nông thôn mới.
HTX Nông nghiệp hữu cơ Bắc Bộ sơ chế và đóng gói măng tây.
Sự đồng hành của các cấp Hội Nông dân
Những năm qua Hội Nông dân các cấp đã tuyên truyền, vận động, hỗ trợ cán bộ, hội viên, nông dân phát triển kinh tế tập thể phù hợp với từng địa phương; nhân rộng các mô hình THT, HTX có cách thức tổ chức và quản lý hiệu quả; đồng thời tổ chức các chương trình giúp các THT, HTX tiếp cận KHKT, tiếp cận nguồn vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh.
Đến nay, Hội Nông dân các cấp toàn tỉnh đã thành lập được 1.050 tổ tiết kiệm và vay vốn, nhận ủy thác trên 1.400 tỉ đồng từ Ngân hành chính sách xã hội (CSXH), Quỹ hỗ trợ nông dân với hơn 49 tỉ đồng cho hàng nghìn hộ nông dân vay, góp phần giải quyết nhu cầu về vốn đầu tư phát triển sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống của nông dân, góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Nhằm cụ thể hóa các mục tiêu trong Chiến lược phát triển kinh tế tập thể, HTX giai đoạn 2021-2030 của Chính phủ, Hội đã tập trung chỉ đạo thành lập câu lạc bộ sản xuất giỏi, câu lạc bộ nông dân triệu phú, tỷ phú, chi hội, tổ hội nông dân nghề nghiệp, là cơ sở để phát triển THT, HTX.
Toàn tỉnh đã thành lập được 83 Chi hội nông dân nghề nghiệp, 209 tổ hội nghề nghiệp trong các lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng thủy sản. Từ đó, Hội trực tiếp và phối hợp vận động thành lập 329 HTX và 88 THT, góp phần nâng tổng số HTX, THT toàn tỉnh lên 612 HTX, 1.300 THT. Hằng năm, các HTX, THT cho thu nhập bình quân đạt từ 2,5-3 tỉ đồng.
Trong đó, có nhiều điển hình THT, HTX sản xuất kinh doanh hiệu quả như: Chi hội nông dân nghề nghiệp sản xuất nông nghiệp trồng cây ăn quả, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản xã Xuân Viên- huyện Yên Lập; Chi hội nghề nghiệp chăn nuôi gà xã Mỹ Thuận- huyện Thanh Sơn; HTX sản xuất và chế biến chè Đá Hen, xã Đồng Lương, huyện Cẩm Khê; THT chăn nuôi bò thịt Võ Lao- huyện Thanh Ba; HTX nuôi cá Koi Nhật Bản và dịch vụ thủy sản MORI TAIZO, xã Phú Mỹ, huyện Phù Ninh; HTX chăn nuôi, thủy sản xã Bảo Yên- huyện Thanh Thủy; THT nuôi, ương cá giống xã Minh Tân- huyện Cẩm Khê; Chi hội nông dân nghề nghiệp An Tâm, xã Lương Sơn, huyện Yên Lập...
Đồng chí Nguyễn Thị Phương Hạnh - TUV, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết: “Thời gian tới, Hội Nông dân tỉnh tiếp tục làm tốt việc khảo sát, nắm chắc nhu cầu, nguyện vọng của nông dân để tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chính quyền các giải pháp hỗ trợ, thực hiện các chương trình, dự án giúp nông dân khởi nghiệp trong lĩnh vực THT, HTX. Bên cạnh đó, các cấp hội đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, hỗ trợ nông dân xây dựng, phát triển các hình thức kinh tế tập thể phù hợp với trình độ sản xuất và nhận thức của nông dân ở mỗi địa phương. Quan tâm xây dựng Chi Hội Nông dân nghề nghiệp, Tổ Hội Nông dân nghề nghiệp làm cơ sở, tiền đề để vận động phát triển các hình thức kinh tế tập thể trong nông nghiệp, nông thôn cũng như đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ, tư vấn hỗ trợ nông dân, nhất là hỗ trợ về KHKT, vốn, thông qua chương trình ủy thác tín chấp với Ngân hàng CSXH và các ngân hàng thương mại và từ nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân.
Hiện nay, các cấp Hội Nông dân đang tăng cường hỗ trợ các THT, HTX trong quảng bá giới thiệu sản phẩm, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa, xúc tiến các hoạt động liên kết với các doanh nghiệp, đưa sản phẩm và nông dân lên các sàn giao dịch điện tử… Đây là việc làm cụ thể, thiết thực để nông dân phát huy vai trò làm chủ, góp phần tích cực thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể, phát triển kinh tế nông nghiệp địa phương, từng bước đưa Phú Thọ hoàn thành Chương trình xây dựng nông thôn mới, sớm khẳng định vị trí trung tâm vùng Trung du và miền núi phía Bắc.
Hiếu Nghĩa (Nguồn: baophutho.vn)