Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ quyết định phê duyệt ba Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) giai đoạn 2021 - 2025 gồm: Giảm nghèo bền vững, Xây dựng nông thôn mới, Phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN), tỉnh Phú Thọ đã thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh và tại 13/13 huyện, thành, thị; ban hành Quy chế làm việc, Kế hoạch công tác năm 2022 và xây dựng lộ trình triển khai thực hiện toàn diện, có hiệu quả các nội dung của Chương trình.
Người dân xã Ngọc Lập (xã nông thôn mới của huyện Yên Lập) đẩy mạnh thâm canh chè, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.
Yên Lập là một trong các huyện được thụ hưởng các chính sách, chương trình, dự án gắn với công tác giảm nghèo. Trong những năm qua, huyện đã tập trung các nguồn vốn đầu tư cho Chương trình giảm nghèo bền vững, xây dựng các công trình hạ tầng cho các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn và xã an toàn khu. Đặc biệt, nguồn vốn đối ứng từ địa phương đã tập trung hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo. Nhờ vậy mà tỉ lệ hộ nghèo của huyện giảm xuống còn 7,5% (bình quân mỗi năm giảm trên 3,4%, vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện khóa XXIII đề ra); nhiều xã, khu dân cư đạt chuẩn nông thôn mới…
Đồng chí Hà Việt Hùng- Chủ tịch UBND huyện Yên Lập cho biết: Thực hiện các CTMTQG giai đoạn 2021-2025, huyện đã chủ động tổ chức triển khai thực hiện nhằm đảm bảo tiến độ và hiệu quả. Tổng kế hoạch vốn ngân sách Trung ương thực hiện CTMTQG trong giai đoạn trên 302,5 tỉ đồng. Riêng năm 2022, tổng số vốn phân bổ, giao kế hoạch vốn ngân sách Trung ương thực hiện các CTMTQG được trên 85,2 tỉ đồng; trong đó, gần 27,5 tỉ đồng dành cho CTMTQG xây dựng nông thôn mới, trên 57,8 tỉ đồng cho CTMTQG phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào DTTS&MN. Đến nay, huyện đã tập trung giải ngân được trên 9,5 tỉ đồng (đạt trên 11% kế hoạch vốn). Huyện cũng đang khẩn trương rà soát, đôn đốc các chủ đầu tư thực hiện thủ tục thanh toán, giải ngân nguồn vốn đã được bố trí, phấn đấu giải ngân vốn được giao trong năm 2022 đảm bảo hiệu quả, đúng quy định, sớm hoàn thành đưa vào sử dụng các công trình phục vụ cho phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn huyện.
Tại huyện Đoan Hùng, quá trình triển khai thực hiện CTMTQG giảm nghèo bền vững hàng năm luôn được sự quan tâm vào cuộc của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể các cấp. Các phong trào đã phát huy được sức mạnh tổng hợp, tạo nên nguồn lực để triển khai thực hiện Chương trình giảm nghèo về trước mục tiêu đề ra, các chế độ chính sách trợ giúp cho người nghèo từng bước đảm bảo góp phần phát triển kinh tế, ổn định đời sống của nhân dân. Đồng chí Khuất Đăng Khoa- Chủ tịch UBND huyện chia sẻ: “Từ đầu năm 2022 đến nay, huyện Đoan Hùng đã chủ động lồng ghép các nguồn vốn đầu tư hoàn thiện các tiêu chí nông thôn mới; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ thi công, nghiệm thu khối lượng hoàn thành và giải ngân vốn đầu tư theo quy định; thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ giảm nghèo như giải quyết việc làm, hỗ trợ tiền điện sinh hoạt, cấp thẻ BHYT… Tuy nhiên, đối với các dự án thực hiện theo cơ chế đặc thù hiện tại chưa có hướng dẫn thực hiện như: Danh mục các loại dự án được áp dụng cơ chế đặc thù trong quản lý đầu tư xây dựng thuộc các CTMTQG trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, các văn bản hướng dẫn thanh quyết toán, quản lý chất lượng công trình nên việc triển khai còn gặp khó khăn”.
Tập trung khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững... là những mục tiêu mà tỉnh sẽ tập trung hoàn thành khi triển khai các CTMTQG giai đoạn 2021 - 2025. Đồng chí Trịnh Thế Truyền- TUV, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư khẳng định: Trên 3.612 tỉ đồng là tổng số vốn đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước thực hiện CTMTQG trên địa bàn giai đoạn 2021-2025. Riêng năm 2022, tổng số vốn ngân sách nhà nước được thực hiện cho Chương trình này là gần 1.238 tỉ đồng, đã giải ngân được trên 27% tính đến cuối tháng 10/2022. Tỉ lệ giải ngân này được Ban chỉ đạo Trung ương các CTMTQG đánh giá cao bởi trong thời gian ngắn, khối lượng công việc nhiều trong khi nguồn vốn CTMTQG được Thủ tướng Chính phủ giao vào thời điểm giữa năm 2022. Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả các CTMTQG, tỉnh sẽ tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai toàn diện các nhiệm vụ; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động; hoàn thiện đồng bộ hệ thống cơ chế, chính sách; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện và sử dụng hiệu quả nguồn lực thực hiện các CTMTQG…
Việc quyết liệt vào cuộc, triển khai đồng bộ các giải pháp, tập trung tháo gỡ khó khăn vướng mắc, huy động, lồng ghép và sử dụng hiệu quả nguồn vốn thực hiện các CTMTQG trên địa bàn sẽ góp phần phát triển kinh tế- xã hội, nâng cao đời sống của người dân, từng bước giảm nghèo bền vững.
Ngọc Tuấn (Nguồn: baophutho.vn)