Bằng nhiều cách làm sáng tạo, phong trào “Dân vận khéo” được các cấp Hội Nông dân trên địa bàn tỉnh triển khai sâu rộng, tạo sự lan tỏa và thu hút đông đảo hội viên, nông dân tham gia, góp phần xây dựng nông thôn mới.
Đa dạng hình thức dân vận
Dẫn chúng tôi đi trên những tuyến đường bê tông bằng phẳng, hai bên đường trồng nhiều loại hoa, hàng cây xanh mát, ông Đỗ Minh Phương, Chủ tịch Hội Nông dân xã Ninh Lai (Sơn Dương) phấn khởi cho biết: đây là những con đường “Dân vận khéo” do người dân hiến đất làm đường và giờ tự nguyện trồng hoa, cây cảnh làm đẹp cho quê hương.
Lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh tham quan mô hình trồng bưởi của hội viên nông dân tại thôn Soi Hà, xã Xuân Vân (Yên Sơn).
Mỗi tháng một lần, hội viên nông dân và bà con Nhân dân các thôn ra quân quét dọn tổng vệ sinh, làm cỏ tuyến đường hoa sạch đẹp. Hiện xã xây dựng được một tuyến đường hoa cấp xã và 15/17 thôn có tuyến đường hoa. Hội Nông dân xã còn đẩy mạnh tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân phân loại rác thải tại nguồn, ủ phân hữu cơ tại hộ gia đình. Nhờ đó, nhận thức của người dân được nâng lên, môi trường được cải thiện, diện mạo làng quê ngày càng đổi mới.
Bên cạnh đó, Hội Nông dân xã Ninh Lai còn quan tâm hỗ trợ hội viên, nông dân về khoa học kỹ thuật và vốn vay tín dụng, vận động hội viên xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp xanh hiệu quả để nâng cao giá trị sản phẩm, nâng cao thu nhập.
Hội Nông dân xã đã tiến hành thực hiện tốt chuỗi liên kết với các doanh nghiệp hỗ trợ hội viên, nông dân trong sản xuất và bao tiêu sản phẩm, từ đó giúp người dân vươn lên làm giàu chính đáng, tạo lòng tin, động lực tích cực phấn đấu cho người dân. Từ đó giải quyết việc làm cho nhiều người dân trong xã, tăng thu nhập cho nhiều hộ gia đình. Bằng nhiều cách làm sáng tạo, xã Ninh Lai đã hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới nâng cao.
Năm 2024, xã Trung Hà (Chiêm Hóa) phấn đấu hoàn thành mục tiêu xã nông thôn mới. Bà Ma Thị Nhẹ, Chủ tịch Hội Nông dân xã Trung Hà cho biết: hiện xã còn rất nhiều tiêu chí chưa đạt như, đối với tiêu chí giao thông, xã cần phải hoàn thành 1,05 km đường trục xã, 5,9 km đường trục thôn, 6 km đường ngõ xóm và 5,9 km đường nội đồng; về tiêu chí cơ sở vật chất, nhà văn hóa cần xây mới, sửa chữa 12 sân thể thao thôn, đặc biệt, tiêu chí nhà ở khu dân cư cần xóa 52 nhà tạm, sửa chữa 23 nhà...
Nhận thức rõ vai trò chủ thể
Thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong xây dựng nông thôn mới, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã tập trung tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân phát triển kinh tế, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, góp công, góp của xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn. Các cấp hội gắn nội dung phong trào thi đua “Dân vận khéo” với các nhiệm vụ trọng tâm của hội.
Hội viên, nông dân xã Bình Phú (Chiêm Hóa) bê tông hóa đường giao thông nông thôn.
Từ năm 2019 đến nay, các cấp Hội vận động hội viên, nông dân hiến 107.235m2 đất, ủng hộ trên 15,5 tỷ đồng, trên 106 nghìn công lao động bê tông hóa 60 km đường nông thôn; lắp đặt 82 km cấu kiện kênh mương đúc sẵn; sửa chữa, làm mới 105 nhà văn hóa. Riêng 6 tháng đầu năm 2024, hội viên, nông dân toàn tỉnh đóng góp gần 2,7 tỷ đồng, trên 20.400 ngày công lao động, hiến trên 43.110 m2 đất xây dựng hạ tầng nông thôn...
Ngoài ra, các cơ sở Hội đã chủ động phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội vận động hội viên, nông dân giúp đỡ 20.400 ngày công lao động, vật liệu trị giá gần 5 tỷ đồng hỗ trợ làm mới, sửa chữa gần 1.450 nhà ở cho hộ nghèo. Hội Nông dân tỉnh xây dựng trên 850 triệu đồng Quỹ “Mái ấm nông dân”, hỗ trợ xóa 27 nhà tạm, nhà dột nát cho hội viên, nông dân nghèo.
Cán bộ, hội viên, nông dân còn tích cực tham gia “Phân loại, xử lý rác thải nông nghiệp, rác thải sinh hoạt hữu cơ thành phân bón tại nguồn”; dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế”. Đến nay, các cấp Hội đã thành lập, duy trì hoạt động 61 mô hình phân loại, xử lý rác thải nông nghiệp, rác thải sinh hoạt hữu cơ thành phân bón tại nguồn; 18 mô hình “Đồng ruộng sạch, sản xuất sạch”; xây dựng trên 3.600 hầm bể Biogas, bể tự hoại... Tính đến thời điểm này toàn tỉnh đã có 71 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 12 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Thời gian tới, các cấp Hội Nông dân tỉnh Tuyên Quang tập trung vận động hội viên, nông dân tích cực tham gia thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao và kiểu mẫu; tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững của khu vực nông thôn. Đồng thời, đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, chú trọng phát triển sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị; nâng cao hiệu quả hoạt động kinh tế tập thể; hỗ trợ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp ở nông thôn... góp phần nâng cao thu nhập cho người dân; phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn theo hướng bền vững.
Bàn Thanh (Nguồn: langngheviet.vn)