Thương mại - dịch vụ (TM - DV) là một trong những lĩnh vực được lãnh đạo các địa phương quan tâm chỉ đạo sát sao, có nhiều chuyển biến tích cực. Không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế, sự phát triển TM - DV thời gian qua còn góp phần nâng cao đời sống cũng như đáp ứng nhu cầu mua bán của người dân nông thôn.
Người dân thôn Đồng Bùa, xã Tam Quan (Tam Đảo) sử dụng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt trong giao dịch thương mại. Ảnh: Chu Kiều
Sau hơn 13 năm thực hiện chương trình xây dựng NTM, diện mạo nông thôn tỉnh Vĩnh Phúc đã có những đổi thay tích cực. Ngoài hạ tầng thiết yếu như điện, đường, trường, trạm thì cơ sở hạ tầng TM-DV được đầu tư theo hướng văn minh, hiện đại cũng là một trong những yếu tố quan trọng góp phần vào sự đổi thay.
Được xem là mắt xích không thể thiếu trong hệ thống phân phối ở nông thôn, giai đoạn 2011-2020, toàn tỉnh đã có 65 chợ nông thôn được đầu tư cải tạo, nâng cấp, xây mới với tổng kinh phí từ nguồn ngân sách tỉnh hơn 106,7 tỷ đồng.
Đến nay, không còn những ngôi chợ xuống cấp, lầy lội như trước kia. Các chợ NTM này đều được đầu tư mái tôn, đổ bê tông nền chợ, có đầy đủ hệ thống rãnh thoát nước, nhà vệ sinh, tường bao quanh, khu vực để xe máy…
Để đáp ứng tốt hơn nữa nhu cầu trao đổi mua bán của người dân nông thôn, nhiều mô hình chợ thí điểm an toàn thực phẩm cũng được triển khai tại một số chợ như chợ Vĩnh Yên, chợ Bồ Sao (xã Bồ Sao, huyện Vĩnh Tường); chợ Trung tâm thị trấn Vĩnh Tường (huyện Vĩnh Tường) và chợ Trung tâm thị trấn Yên Lạc (huyện Yên Lạc),
Bên cạnh hệ thống các chợ truyền thống được quan tâm đầu tư từ nguồn ngân sách tỉnh, những năm qua, trong tỉnh còn được đầu tư thêm 1 chợ đầu mối từ nguồn vốn doanh nghiệp.
Cùng với đó là hệ thống cửa hàng tự chọn, cửa hàng chuyên doanh, mini mart hình thành rộng khắp tại các địa phương, tạo thuận tiện cho việc trao đổi hàng hóa, kinh doanh buôn bán, đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân, góp phần tích cực vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động ở các vùng quê.
Cùng với hạ tầng thương mại được đầu tư khang trang, đồng bộ, TM - DV ở khu vực nông thôn có sự thay đổi rõ nét trong phương thức kinh doanh, phục vụ được nâng dần theo hướng hiện đại, văn minh.
Là xã đi đầu trong quá trình xây dựng NTM, Ông Phùng Mạnh Khuyến, Chủ tịch UBND xã Liên Châu (Yên Lạc) cho biết:
“Thực hiện xây dựng xã NTM, NTM thông minh, trong xã ngày càng nhiều các hộ, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, tạp hóa, văn phòng phẩm, quần áo, cơ khí…. ứng dụng internet, mạng xã hội, kênh thương mại điện tử để quảng bá, giới thiệu bán sản phẩm.
Tại 4 thôn thông minh của xã, tỷ lệ ứng dụng này đạt 100%. Cùng với đó, phương thức thanh toán không dùng tiền mặt cũng được các tiểu thương ứng dụng rộng rãi trong hoạt động kinh doanh, đem lại sự tiện lợi và an toàn trong giao dịch mua bán".
Không chỉ riêng Liên Châu, xác định chuyển đổi số là một trong những giải pháp quan trọng nhằm góp phần phát triển TM - DV theo hướng hiện đại; các địa phương đang tập trung phát triển thương mại điện tử và các loại hình thương mại dựa trên nền tảng số hóa.
Công tác đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thương mại nông thôn, nhất là trong lĩnh vực thương mại điện tử luôn được quan tâm triển khai. Năm 2023, Sở Công thương đã tổ chức 8 lớp đào tạo kỹ năng thương mại điện tử cho các hộ kinh doanh thuộc các Làng văn hóa kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh, trang bị kiến thức giúp hộ kinh doanh ứng dụng thương mại điện tử để thanh toán, chuyển đổi mô hình phát triển sản xuất, kinh doanh.
Với những bước chuyển mình tích cực, TM - DV ở khu vực nông thôn đã và đang góp phần thúc đẩy tăng trưởng của ngành TM - DV của tỉnh, đưa tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong tỉnh năm 2023 vượt mức 80 nghìn tỷ đồng, tăng 17,78% so với cùng kỳ.
Phát huy kết quả đã đạt được, tỉnh tiếp tục phát triển TM - DV khu vực nông thôn theo hướng văn minh, hiện đại cùng với hệ thống chợ truyền thống; khuyến khích, xây dựng cơ chế hỗ trợ hoạt động thương mại điện tử trên địa bàn.
Qua đó góp phần thực hiện thắng lợi chương trình xây dựng NTM, hoàn thành mục tiêu đưa giá trị tăng thêm của ngành thương mại trong tỉnh đạt tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng từ 9 -9,5%/năm giai đoạn 2021 - 2030.
Nguyễn Hường (Nguồn: langngheviet.vn)