Khơi sức dân làm nông thôn mới

Mạnh dạn vay vốn chính sách để làm xưởng mộc, gia đình anh Nguyễn Thương Thiết, khu 1 xã Dị Nậu đã có thu nhập khá hằng năm và xây được nhà mới

Ấn tượng từ Dị Nậu

Vợ chồng anh Nguyễn Thương Thiết và chị Tạ Thị Nga ở Khu 1 là hộ thuần nông thuộc xã miền núi Dị Nậu. Cuộc sống trước đây vốn rất khó khăn với mấy sào ruộng và khoảng đồi nhỏ. Trong xóm cũng có nhiều hộ tương tự với những loay hoay trong tìm sinh kế để thoát nghèo...

Khi Chương trình MTQG xây dựng NTM được xã phổ biến và triển khai thực hiện, năm 2019 anh Thiết đã mạnh dạn vay 200 triệu đồng từ Ngân hàng chính sách mua máy cưa, tiện, dụng cụ làm xưởng mộc. Vùng gỗ nguyên liệu sẵn có, nhiều người trong xóm cũng biết nghề mộc, anh tuyển thêm 4 thợ làng. Từ quyết tâm của anh, xưởng đã có việc và đơn hàng. Mỗi thợ nhận lương 7-8 triệu đồng/tháng. Chăm chỉ, yêu nghề, có đầu ra nên chẳng mấy chốc vợ chồng anh đã xây được nhà mái bằng trị giá 800 triệu đồng, sắm thêm nhiều tài sản có giá trị, nhưng đặc biệt hơn là khoản gốc và lãi của ngân hàng chính sách gia đình tới nay đã trả gần xong...

“Nông thôn mới” là cụm từ đã tác động rất mạnh đến người dân Khu 1. Gần một nửa trong tổng số 186 hộ từng thuộc diện nghèo của thôn thì nay, sau một quá trình miệt mài thoát nghèo, cả thôn chỉ còn duy nhất 1 hộ diện nghèo. Động lực làm ăn đã thay đổi diện mạo khi có tới 30 hộ làm nông lâm nghiệp kết hợp (tích tụ ruộng đồi làm trang trại và sản xuất rau quả), nhiều hộ nuôi ong lấy mật, nuôi cá, bò, dê có thu nhập cao, 3 hộ làm mộc có xưởng với máy móc hiện đại, 1 hộ nuôi gà trang trại đàn lớn, đáng chú ý, hơn 70% thanh niên trong độ tuổi lao động hằng ngày đi làm tại KCN Trung Hà với mức lương ổn định nhưng về nhà vẫn tranh thủ làm nông. Ngôi làng trở nên khang trang khi dựng lên rất nhiều nhà hai tầng, nhà xây kiên cố, có hộ còn xây nhà vườn rất đẹp với cảnh quan ngày càng đổi mới, hiện đại...

“Cán bộ hai vai” làm Bí thư Chi bộ kiêm công tác Mặt trận Khu 1 - chị Phạm Thanh Bình cho biết: Năm 2023, chỉ sau một tuần kêu gọi cả xóm đã góp gần 100 triệu đồng xây nhà văn hóa. Huy động tiền, vật liệu xây hai cổng làng, sắm sửa loa đài, làm đường bê tông cả tỷ bạc. Con em làm ăn xa cũng chung tay gửi tiền về. Chỉ tay vào tường rào đường xóm giới thiệu, chị Bình nét mặt phấn khởi: "Cả xóm bảo nhau dịch rào hiến đất làm đường, xây trát bờ tường thẩm mỹ. Nhiều nhà hiến tới 400m2 đất đấy. Có hộ mặc dù quỹ đất còn rất ít, nhưng cũng dịch vào hẳn nửa mét để làm đường"

Chị Bình còn nhớ chuyện nhiều lần đến từng gia đình vận động, có hôm tận đêm khuya mới về. Có hộ ban đầu không màng “chuyện nông thôn mới”, chị nói với từng hộ cái hay, cái lợi, kể chuyện gương làng trên xóm dưới làm nông thôn mới và kiên trì vận động, giải thích cho dân hiểu, cán bộ đảng viên nêu gương.

Nhà văn hoá khu 1, xã Dị Nậu được xây dựng khang trang từ sức dân và những cán bộ, đảng viên nơi đây

Đồng chí Phạm Ngọc Thái- Bí thư Đảng ủy xã Dị Nậu, khẳng định chắc nịch: Ngay trong năm nay, Khu 1 của chúng tôi sẽ đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Bứt tốc từ một thôn nghèo, nhưng Khu 1 là gương điển hình trong việc huy động sức dân làm nông thôn mới và khẳng định nỗ lực của cán bộ, nhân dân nơi đây với chương trình lớn này.

Vị thế Tam Nông

Chuyện Khu 1 xã Dị Nậu làm nông thôn mới nhanh và hiệu quả có sức lan nhanh trong toàn xã và đã truyền cảm hứng khắp huyện Tam Nông. Bí thư Huyện ủy, đồng chí Vương Đức Thủy, trong cuộc trao đổi với phóng viên, đã nói về thách thức cách đây 5 năm khi huyện chỉ có 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới và tỷ lệ hộ nghèo khá cao. Tam Nông gặp khó khi xuất phát điểm xây dựng NTM rất thấp, nguồn lực Nhà nước rót về khá hạn chế. Các thiết chế, hạ tầng cấp huyện khi đó gần như... không có gì. Hơn chục năm trước, các xã toàn huyện chỉ đạt 6 tiêu chí, thu nhập bình quân 17 triệu đồng/người/năm khiến cho hành trình xây dựng nông thôn mới của huyện càng gặp thêm nhiều khó khăn...

Diện mạo Tam Nông đạt chuẩn nông thôn mới ngày càng khởi sắc và hiện đại

Bám sát hàng loạt nghị quyết, quyết định của Trung ương và tỉnh,Tam Nông đã thể hiện quyết tâm và có nhiều cách làm sáng tạo. Huyện đã triển khai chủ trương, quyết liệt thu hút đầu tư và tạo việc làm, sinh kế hiệu quả với sự chuyển dịch rõ rệt sang công nghiệp, dịch vụ, lồng ghép các Chương trình mục tiêu Quốc gia, các dự án, đặc biệt là xây dựng hạ tầng thiết yếu, nhà văn hóa, giao thông nông thôn và kênh mương nội đồng, đã giảm được đáng kể kinh phí đóng góp đối ứng của người dân.

Hiện toàn huyện có thu bình quân đầu người 54 triệu đồng/năm, thu ngân sách đạt tới 520 tỷ đồng, hiện đã có 13 sản phẩm OCOP 3 sao, 9 chứng nhận VietGAP, tốc độ tăng trưởng hơn 10%, và tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 2,3%. Đời sống người dân ngày càng chất lượng rõ nét. Toàn bộ 11 xã và thị trấn Hưng Hóa đạt chuẩn nông thôn mới (2 xã đạt nâng cao, 1 thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh). Toàn huyện hoàn thành 9/9 tiêu chí, 36/36 chỉ tiêu và đón chuẩn huyện nông thôn mới vào đầu tháng Ba vừa qua.

Tam Nông hiện đã có cụm công nghiệp và KCN, hàng chục doanh nghiệp đang hoạt động hiệu quả thu hút trên 20.000 lao động. Huyện có siêu thị và đang có những khu đô thị, sân golf, khu dịch vụ du lịch...hiện đại. Huyện Tam Nông đã đổi thay diện mạo từ thị trấn Hưng Hóa - nơi có thành cổ và cột cờ nổi tiếng đến xã vùng núi Dị Nậu có đầm sen và làng quê nhiều nhà tầng, hàng ngàn khách du lịch ghé thăm với dày đặc tuyến du lịch liên kết từ Việt Trì, Hà Nội, miền xuôi, miền ngược.

Hơn 10 năm vào cuộc với nguồn lực hơn 2.200 tỷ đồng cho xây dựng NTM, trong đó người dân Tam Nông đã nhiệt tâm đóng góp 132 tỷ đồng và chung sức hàng trăm ngàn ngày công, tự nguyện hiến đất, hoa màu, công trình cho một đại sự của huyện nhà vì diện mạo cuộc sống của chính mình.

                                                                                      Quốc Tùng (Nguồn: baophutho.vn)

 

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất

Liên kết website