Năm 2022, tỉnh Phú Thọ có thêm 10 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; trong đó có 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Đến nay, toàn tỉnh có 128/196 xã đạt chuẩn nông thôn mới; có 50 khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu. Sau 12 năm xây dựng nông thôn mới, nhiều huyện, xã đã khoác lên mình chiếc áo mới; kinh tế - xã hội liên tục khởi sắc, an ninh – quốc phòng giữ vững ổn định, đời sống người dân không ngừng được nâng cao… Tuy nhiên, để bộ mặt nông thôn đổi thay rõ rệt, thực sự khởi sắc hơn, công tác xây dựng nông thôn mới ở vùng khó khăn vẫn còn nhiều "nút thắt" cần tháo gỡ.
Người dân thu dọn vệ sinh tại cụm dân cư ở Khu 14, xã Cao Xá, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ. Những việc làm cụ thể này đã góp phần để Khu hoàn thành 14/14 tiêu chí xây dựng thôn nông thôn mới kiểu mẫu và được UBND huyện công nhận vào tháng 11/2022. Ảnh: Trung Kiên - TTXVN
Gỡ khó vùng cao – nâng cao vùng thấp
Mỹ Lương là một xã miền núi của huyện Yên Lập, giao thông đi lại khó khăn, các hạng mục hạ tầng thiết yếu chưa được đầu tư đồng bộ nên đời sống kinh tế của người dân còn nhiều khó khăn dẫn đến chương trình xây dựng nông thôn mới của xã đã gặp không ít trở ngại.
Tuy nhiên, với phương châm "lấy sức dân để lo cho dân", "lấy sự đoàn kết toàn dân làm sức mạnh", cùng sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và nhân dân, bộ mặt nông thôn tại đây đã có nhiều khởi sắc.
Ông Nguyễn Quỳnh Nam, Chủ tịch UBND xã Mỹ Lương chia sẻ, nhờ những nỗ lực cùng cách làm phù hợp, từ một xã nghèo, cơ sở hạ tầng còn thiếu thốn, đến nay, xã Mỹ Lương đã đạt được 13/19 tiêu chí đạt chuẩn, 44/57 chỉ tiêu đạt chuẩn. Đời sống vật chất ngày càng được nâng cao. Kết cấu hạ tầng như cơ sở vật chất văn hóa, đường giao thông, trường học, trạm y tế, hệ thống điện, nước sinh hoạt được đầu tư tương đối hoàn thiện.
Năm 2022, hơn 5,7 km đường trên địa bàn xã được đầu tư cải tạo nâng cấp bằng bê tông xi măng; thêm 2 nhà sinh hoạt cộng đồng được xây dựng mới. Ngoài ra, xã Mỹ Lương đã tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh, của huyện theo các chương trình chính sách, cơ chế cho xã xây dựng nông thôn mới, đồng thời tăng cường nguồn thu ngân sách xã, chủ động xây dựng phương án tạo nguồn kinh phí từ quỹ đất trên địa bàn xã để đầu tư xây dựng hạ tầng, từ đó dần dần hoàn thiện các tiêu chí còn lại và củng cố các tiêu chí đã đạt.
Với chủ trương "Xây dựng nông thôn mới chỉ có điểm đầu, không có điểm kết thúc" sau khi đạt chuẩn nông thôn mới năm 2018, xã Sơn Hùng, huyện Thanh Sơn đã tập trung nâng cao chất lượng các tiêu chí và xây dựng xã nông thôn mới nâng cao.
Ông Nguyễn Mạnh Thắng, Chủ tịch UBND xã Sơn Hùng cho biết, hàng năm xã chỉ đạo các ngành liên quan tuyên truyền, giữ vững các tiêu trí nông thôn mới đã đạt được, đồng thời xây dựng kế hoạch tuyên truyền vận động nhân dân xây dựng xã nông thôn mới nâng cao định hướng đến năm 2025. Theo đó, đối với công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng xã tiếp tục duy trì phát triển. Các cơ sở chế biến chè búp tươi tiếp tục được củng cố, đầu tư cải tiến công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm; đa dạng hóa thương hiệu sản phẩm chè tại làng nghề khu Khuân.
Xã cũng đã xây dựng các mô hình chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ trong sản xuât nông, lâm nghiệp đạt đạt hiệu quả từng bước nhân rộng. Nhiều sáng kiến cải tiến áp dụng vào thực tiễn như: Sản xuất chè búp tươi tại khu Khuân; làm đất bằng máy cày bừa nông nghiệp hiện đại, gieo cấy các loại giống lúa thuần chất lượng cao.
Các nhà văn hóa khu dân cư được xây dựng kiên cố, khang trang; sự nghiệp giáo dục - đào tạo của xã tiếp tục phát triển theo hướng nâng cao chất lượng ở các cấp học; đường liên thôn, liên xã được đầu tư nâng cấp; chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân được quan tâm trú trọng…
Theo Chủ tịch UBND xã Sơn Hùng - ông Nguyễn Mạnh Thắng, sau khi đạt nông thôn mới năm 2018, xã đã thực hiện đồng bộ các giải pháp để thúc đẩy phát triển kinh tế tại địa phương kèm với đó là đáp ứng các tiêu chí chuẩn về nông thôn mới nâng cao; trong đó, ưu tiên cho xây dựng kết cấu hạ tầng. Mặt khác, thúc đẩy phát triển công nghiệp, tiều thủ công nghiệp và dịch vụ. Hiện nay, các tiêu chí về điện, đường, trường, trạm đã được đảm bảo và đạt chuẩn. Giá trị thu nhập bình quân đầu người ước đạt hơn 42 triệu đồng/người/năm, tăng 2,5 triệu đồng so với năm 2021.
Xây dựng nông thôn mới bền vững
Tỉnh Phú Thọ hướng tới mục tiêu đến năm 2025 toàn tỉnh có thêm huyện Thanh Ba và Phù Ninh đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số lên 6 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; có 139/196 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 26 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; trong đó có 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Bình quân toàn tỉnh đạt 17 tiêu chí/xã, không có xã đạt dưới 15 tiêu chí…
Nông dân xã nông thôn mới Phùng Nguyên, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ phấn khởi xuống đồng cấy vụ Xuân. Ảnh: Trung Kiên - TTXVN
Bước sang một giai đoạn mới, các kế hoạch xây dựng nông thôn mới cũng phải thay đổi để phù hợp với tình hình thực tế của Phú Thọ. Theo đó, tỉnh Phú Thọ tiếp tục tập trung đẩy nhanh việc thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp, đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ; xây dựng các chuỗi hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm cây trồng, vật nuôi chủ lực gắn với chuỗi các chợ đầu mối hoặc trung tâm cung ứng hàng nông sản hiện đại, sàn giao dịch nông sản. Trong đó, tỉnh chú trọng phát triển các sản phẩm chủ lực, đặc trưng và đặc sản thế mạnh của tỉnh theo Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) gắn với xây dựng thương hiệu, bao bì nhãn mác sản phẩm, truy xuất nguồn gốc, xác định đây là nội dung đột phá, động lực, sức sống của Chương trình nông thôn mới thời gian tới.
Đối với các xã và huyện đã đạt chuẩn nông thôn mới, tập trung chỉ đạo, xác định nội dung, giải pháp thực hiện, đảm bảo giữ vững và phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu giai đoạn 2021 - 2025.
Khu nông thôn mới kiểu mẫu 14, xã Cao Xá, huyện Lâm Thao nhìn từ trên cao. Ảnh: Trung Kiên - TTXVN
Theo ông Nguyễn Minh Tuấn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Thọ, việc xây dựng nông thôn mới đang chuyển biến mạnh mẽ từ "lượng" sang "chất". Do vậy, việc hoàn thiện các tiêu chí mới và giữ vững các tiêu chí đã đạt được trong quá trình xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu đối với các xã thực hiện xây dựng nông thôn mới. Hiện nay, tỉnh đang triển khai thống kê, rà soát các tiêu chí nông thôn mới đạt và chưa đạt của từng xã để phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng tổ chức, thành viên trong Ban Chỉ đạo để hướng dẫn, hỗ trợ thực hiện các giải pháp phù hợp nhằm duy trì và phát triển bền vững các tiêu chí, tiến tới xây dựng nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu tại các khu, xã, huyện đã đạt chuẩn nông thôn mới.
Nông dân xã nông thôn mới Lam Sơn, huyện Tam Nông đưa máy móc vào làm đất để chuẩn bị cấy vụ Xuân. Ảnh: Trung Kiên - TTXVN
Ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ cho hay, để giữ vững và nâng cao các tiêu chí nông thôn mới trên địa bàn tỉnh thời gian tới, các ngành, địa phương phải đi vào thực chất, chứ không phải đếm số xã đạt chuẩn mà tính cho nên phải xây dựng được lộ trình, kế hoạch sát với thực tiễn, ban hành đồng bộ cơ chế, chính sách khuyến khích xây dựng nông thôn mới; phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng tổ chức, thành viên trong Ban chỉ đạo để hướng dẫn thực hiện các nội dung xây dựng nông thôn mới. Quá trình thực hiện phải thường xuyên kiểm tra, giám sát, chú trọng thi đua khen thưởng, nhân rộng điển hình tiên tiến trong phong trào "Chung sức xây dựng nông thôn mới"…
Toàn Đức (Nguồn: dantocmiennui.vn)