Phát triển nông nghiệp cận đô thị theo hướng bền vững

Phát triển nông nghiệp cận đô thị theo hướng bền vững, an toàn với môi trường ở xã Tứ Xã, huyện Lâm Thao.

Xây dựng vùng sản xuất hàng hóa tập trung

Làng rau an toàn Tân Đức, phường Minh Nông, thành phố Việt Trì nằm cách trung tâm thành phố khoảng 3km. Trước đây người dân Tân Đức trồng rau theo hình thức “mùa nào thức nấy”, có khi cả làng cùng trồng vài loại rau, cùng thời điểm nên khi vào vụ “cung” lớn hơn “cầu” dẫn đến giá thành giảm mà vẫn khó tiêu thụ. Để giải quyết khó khăn cho người trồng rau, xây dựng vùng trồng rau tập trung, sản xuất theo kế hoạch, bảo đảm thu nhập cho người dân, năm 2011, UBND xã Tân Đức (cũ) quyết định thành lập HTX kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Tân Đức, quy tụ các hộ trồng rau vào một tổ chức. Từ đó, quy hoạch vùng trồng từng loại rau, xây dựng kế hoạch, phân công cho các thành viên, ký kết hợp đồng tiêu thụ và áp dụng các tiêu chuẩn sản xuất an toàn như GAP, HACCP vào quá trình sản xuất.

Nhờ đó, sản phẩm của HTX được đông đảo người tiêu dùng trong thành phố tin dùng, đã có mặt tại một số siêu thị lớn như GO!, Coop Mart, Winmart, Phú Cường... Năm 2018, rau an toàn Tân Đức (RAT Tân Đức) đã được công nhận nhãn hiệu tập thể “Rau an toàn Tân Đức - Việt Trì” với nhãn mác, bao bì, được tiêu thụ, quản lý theo hệ thống. Mỗi chợ đều có địa điểm chính thức để giao dịch, tiêu thụ RAT Tân Đức, giá bán được HTX chỉ đạo đồng nhất trên tất cả các điểm bán của HTX. Hiện nay, HTX có tổng diện tích canh tác khoảng 30ha. Để tạo nên thương hiệu vùng rau an toàn, HTX đã tập trung sản xuất theo đúng tiêu chuẩn VietGAP, tuân thủ quy trình kỹ thuật, trồng xen canh, luân canh thời vụ phù hợp, bảo đảm nguồn cung thường xuyên cho thị trường.

Ông Nguyễn Văn Thành - Chủ nhiệm HTX kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Tân Đức chia sẻ: Mỗi tháng sẽ có 2-3 lần lấy mẫu rau của từng thành viên đi phân tích, xét nghiệm các chỉ số của rau an toàn, nếu mẫu rau không đảm bảo đủ các tiêu chuẩn về hàm lượng đạm, ecoli, coliform... sản phẩm sẽ bị loại khỏi danh mục sản phẩm của HTX, không được gắn tem nhãn sản phẩm của HTX. Vì vậy, các thành viên của HTX tuân thủ đúng quy trình sản xuất rau an toàn của các cơ quan quản lý. HTX luôn chú trọng đến xử lý môi trường đất cũng như nguồn nước tưới, sử dụng phân vi sinh, thuốc bảo vệ thực vật sinh học.

Làng Phú Lợi, phường Phong Châu, thị xã Phú Thọ là vùng chuyên canh rau, củ, quả lâu đời tại thị xã. Trước đây, người dân chủ yếu trồng theo phương thức truyền thống với quy mô nhỏ lẻ, manh mún, chưa chú trọng đến chất lượng nên giá trị sản phẩm chưa cao. Năm 2012, HTX nông nghiệp Trường Thịnh được thành lập, từ đó người dân được HTX liên kết tổ chức sản xuất, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh và sơ chế rau sau thu hoạch đúng quy trình nên chất lượng sản phẩm được nâng lên rõ rệt, đồng thời tổ chức liên kết tiêu thụ sản phẩm, giúp ổn định đầu ra. Hiện HTX có 50 thành viên, tổng diện tích canh tác đạt trên 40ha, hàng năm HTX cung cấp ra thị trường khoảng 1.500 tấn rau, củ, quả các loại... mang lại doanh thu hàng chục tỷ đồng. Đặc biệt, một số sản phẩm của HTX được công nhận đạt hạng OCOP 3 sao đã giúp cho giá thành sản phẩm được nâng lên, việc tiêu thụ thuận lợi hơn nhiều so với trước đây.

HTX rau an toàn Trường Thịnh, phường Phong Châu, thị xã Phú Thọ quy hoạch vùng sản xuất rau an toàn, sản xuất luân canh gối vụ, bảo đảm nguồn cung cho thị trường.

Hướng tới nền nông nghiệp cận đô thị phát triển bền vững

Theo thống kê của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Sở Nông nghiệp và PTNT, diện tích rau toàn tỉnh đạt trên 15.000ha, năng suất đạt 165,6 tạ/ha, sản lượng đạt gần 248.000 tấn/năm. Tư duy, nhận thức về phát triển sản xuất hàng hóa của người dân có nhiều chuyển biến tích cực, diện tích các vùng sản xuất tập trung, liên kết theo chuỗi giá trị được mở rộng. Trên địa bàn tỉnh đã hình thành 24 vùng sản xuất rau an toàn tập trung với tổng diện tích 430ha, phát triển 20 chuỗi liên kết sản xuất, cung ứng rau an toàn theo chuỗi giá trị, cung cấp sản phẩm ổn định cho hệ thống các siêu thị lớn như: Go!, Co.opmart, Winmart...

Trong hơn 15.000ha trồng rau của tỉnh, hiện có 11.200ha áp dụng biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), chiếm 75% tổng diện tích, trong đó diện tích được chứng nhận các tiêu chuẩn an toàn đạt trên 200ha, thực hiện cấp và quản lý 50 mã số vùng trồng rau với diện tích 150ha, đảm bảo truy xuất nguồn gốc sản phẩm, một số sản phẩm xây dựng được thương hiệu, nhãn hiệu như: Bí xanh Hạ Hòa, rau an toàn Tứ Xã, Hương Nộn, Tu Vũ..., có 21 sản phẩm rau được chứng nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao trở lên.

Ông Phan Văn Đạo - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho biết: Mục tiêu đến năm 2025, phấn đấu diện tích rau an toàn tỉnh đạt khoảng 15,5 nghìn ha, năng suất rau bình quân đạt 167,1 tạ/ha, sản lượng đạt 259.000 tấn, giá trị sản xuất đạt trên 200 triệu đồng/ha/năm. Hình thành 150 vùng trồng tập trung với diện tích 890ha, 100% diện tích vùng trồng tập trung, sản xuất rau đảm bảo an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, được cấp mã số vùng trồng. Thu hút, phát triển thêm khoảng 9-10 HTX, tổ hợp tác sản xuất rau an toàn, tỷ lệ sản phẩm được liên kết sản xuất và tiêu thụ theo chuỗi giá trị đạt trên 30%...

Để đạt được mục tiêu ấy, ngành Nông nghiệp tiếp tục phối hợp với các địa phương để quy hoạch, sử dụng có hiệu quả quỹ đất nông nghiệp gắn với thay đổi nhận thức của người nông dân, phát huy vai trò chủ thể trong phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa cận đô thị. UBND cấp huyện xây dựng kế hoạch tiếp tục đầu tư hoàn thiện, nâng cấp kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn theo hướng đồng bộ, trọng tâm là đầu tư nâng cấp, xây dựng công trình thủy lợi theo quy hoạch, trong đó ưu tiên đầu tư hệ thống kênh mương, trạm bơm, tạo nguồn nước nuôi trồng thủy sản và tưới, tiêu chủ động cho cây trồng chủ lực; quan tâm nạo vét, cải tạo các tuyến kênh tưới, tiêu trọng điểm, đáp ứng tốt yêu cầu phục vụ sản xuất.

Bên cạnh đó, quan tâm nâng cao chất lượng, trình độ chuyên môn cho đội ngũ lãnh đạo, cán bộ quản lý nông nghiệp, khuyến nông từ huyện đến cơ sở. Tập huấn nâng cao trình độ, năng lực cho cán bộ HTX; tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn, gắn đào tạo nghề với chuyển giao, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Đồng thời, đẩy mạnh hỗ trợ cho các doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác, trang trại, nông dân phát triển sản xuất gắn với chuỗi liên kết và chuỗi cung ứng trong nông nghiệp, hỗ trợ các công cụ, giải pháp, phần mềm, nền tảng số, thương mại điện tử để ứng dụng trong sản xuất, kết nối, quảng bá, giới thiệu sản phẩm...

                                                                                     Phan Cường (Nguồn: baophutho.vn)

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất

Liên kết website