BAN CHỈ ĐẠO TRUNG ƯƠNG CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Số: 05/BCĐTW-VPĐP
V/v thực hiện kế hoạch năm 2015
|
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 10 tháng 02 năm 2015
|
Kính gửi: Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng
nông thôn mới các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
Thực hiện Quy chế quản lý, điều hành thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia ban hành tại Quyết định số 135/2009/QĐ-TTg ngày 04 tháng 11 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ và Chương trình công tác năm 2015 của Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương đề nghị Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dụng nông thôn mới các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo thực hiện kế hoạch năm 2015 theo các nội dung sau:
I. XÁC ĐỊNH MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM VÀ CÁC GIẢI PHÁP THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH TRONG NĂM 2015
1. Mục tiêu
Năm 2015 là năm có ý nghĩa rất quan trọng để phấn đấu thực hiện mục tiêu 05 năm của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, góp phần thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Vì vậy, mục tiêu của kế hoạch thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới năm 2015 của từng địa phương phải thể hiện được sự nỗ lực cao nhất trong việc thực hiện mục tiêu chung của Chưong trình giai đoạn 2011-2015 trong điều kiện thực tế của địa phương (Các địa phương có điều kiện thuận lợi cần chủ động xác định mức phấn đấu cao hơn để thực hiện mục tiêu chung của Chương trình).
Mục tiêu năm 2015 được thể hiện bằng các chỉ tiêu cụ thể làm căn cứ theo dõi, giám sát và có giải pháp để thực hiện, bao gồm:
- Số xã đạt chuẩn nông thôn mới (trong năm 2015 và lũy kế từ năm 2011 đến hết năm 2015);
- Số tiêu chí đạt được bình quân/xã trên địa bàn tỉnh/thành phố;
- Số xã đạt từ 15-18 tiêu chí;
- Giảm số xã đạt dưới 05 tiêu chí.
2. Nhiệm vụ và giải pháp
Việc xác định nhiệm vụ, giải pháp cần xuất phát từ thực tế của địa phương và chỉ đạo của Trung ương
2.1. Quan điểm chỉ đạo của Trung ương
a) Tập trung nâng cao chất lượng và hiệu quả triển khai Chương trình trên cơ sở lựa chọn một số nội dung tác động trực tiếp đến sản xuất, đời sống của người dân trên địa bàn để ưu tiên tập trung chỉ đạo và hỗ trợ nguồn lực thực hiện, bao gồm:
- Phát triển và nâng cấp cơ sở hạ tầng thiết yếu trên địa bàn xã, thôn (giao thông, thuỷ lợi, nước sạch, môi trường, trường học, trạm y tế);
- Phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân;
- Bảo vệ môi trường nông thôn, trước hết là xử lý rác thải, nước thải;
- Xây dựng đời sống văn hoá nông thôn;
- Giữ vững an ninh trật tự xã hội nông thôn;
- Nâng cao hiệu quả truyền thông, đào tạo đội ngũ cán bộ và tăng cường kiếm tra, đánh giá, giám sát thực hiện Chương trình.
b) Quyết tâm phấn đấu thực hiện mục tiêu nhưng không nóng vội, chạy theo thành tích; kết hợp hài hòa giữa ưu tiên chỉ đạo điểm và đẩy mạnh triển khai trên diện rộng.
c) Tập trung chỉ đạo thực hiện Chương trình theo từng tiêu chí, từng nội dung cụ thể trên cơ sở rà soát, ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện đồng bộ, thống nhất phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương từ Chiến lược → quy hoạch, kế hoạch → cơ chế chính sách, trong đó lưu ý chính sách cho vùng đặc thù → cân đối nguồn lực thực hiện → chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện → phương pháp đánh giá, công nhận tiêu chí đạt chuẩn, ban hành sổ tay làm cẩm nang cho cán bộ cơ sở. Chủ động rà soát, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện trên địa bàn.
2.2. Nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm
a) Tiếp tục rà soát cơ chế, chính sách để hoàn thiện cơ sở pháp lý cho triển khai Chương trình. Căn cứ cơ chế chính sách của Trung ương, các địa phương chủ động rà soát, điều chỉnh, bố sung các quy định cho phù hợp với điều kiện cụ thể trên địa bàn.
b) Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch sơ kết 05 năm thực hiện Chương trình theo chỉ đạo của Trung ương. Mục tiêu phấn đấu trong 5 năm 2016-2020 và kiến nghị các cấp ủy đảng đưa vào Nghị quyết đại hội Đảng các cấp.
c) Tổ chức triển khai Kết luận số 97-KL/TW ngày 15/5/2014 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, giải pháp tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 Khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn theo Nghị quyết của tỉnh ủy, thành ủy.
d) Tập trung chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu sản xuất trên địa bàn từng xã gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá, nâng cao hiệu quả sản xuất để nâng cao thu nhập cho nông dân. Mỗi xã chọn một hoặc một nhóm 2-3 sản phẩm chủ lực có thị trường để xây dựng phương án sản xuất trên diện rộng.
đ) Các địa phương dành một tỷ lệ ngân sách thỏa đáng cho xây dựng nông thôn mới và tăng cường huy động, lồng ghép các nguồn lực phục vụ xây dựng nông thôn mới trên cơ sở điều chỉnh bổ sung cơ chế chính sách của địa phương.
e) Chú trọng phát triển các công trình hạ tầng thiết yếu cấp xã, thôn, bản trực tiếp gắn với phát triển sản xuất, đời sống hàng ngày của người dân, như: giao thông, thuỷ lợi, điện, nước sạch, môi trường...Mỗi địa phương căn cứ điều kiện thực tế, nghiên cứu lựa chọn một số hạng mục để tập trung ưu tiên triển khai, tạo ra chuyển biến đột phá trên phạm vi huyện, tỉnh.
g) Chỉ đạo, tạo chuyển biến rõ nét về vệ sinh môi trường nông thôn: Tập trung xử lý rác thải, nước thải, chất thải rắn và xây dựng cảnh quan xanh - sạch - đẹp ở các công trình công cộng và các hộ gia đình. Mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo thực hiện thí điểm việc phân loại rác thải nông thôn từ nguồn, tạo thói quen của người dân; thí điểm một số mô hình xử lý chất thải rắn theo hướng áp dụng tiến bộ kỹ thuật, đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư các cơ sở xử lý.
h) Kiện toàn, nâng cao năng lực Ban Chỉ đạo theo Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 15/7/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường chỉ đạo thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới và bộ máy giúp việc Ban Chỉ đạo các cấp theo Quyết định số 1996/QĐ-TTg ngày 04/11/2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và biên chế của Văn phòng điều phối giúp Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới các cấp theo hướng nâng cao năng lực, bổ sung cán bộ chuyên trách trên cơ sở rà soát, sắp xếp lại nhân sự trong tổng biên chế được giao.
i) Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát: Ban Chỉ đạo các cấp xây dựng kế hoạch và phân công cụ thể các thành viên, các ngành, các cấp chủ động bám sát cơ sở để đôn đốc, kiểm tra, giám sát tình hình triển khai ở các địa phương, nhất là về cơ chế, chính sách, cách thức sử dụng các nguồn ngân sách nhà nước, việc huy động nguồn lực của người dân và chất lượng thi công các công trình.
k) Đẩy mạnh hợp tác quốc tế: Các địa phương tăng cường vận động và kêu gọi các tổ chức quốc tế, các cá nhân và tổ chức phi chính phủ quốc tế hỗ trợ nguồn lực cho Chương trình; chủ động lồng ghép các nguồn vốn ODA đã cam kết trên địa bàn nông thôn để ưu tiên thực hiện các tiêu chí nông thôn mới;
l) Tổ chức hội nghị, hội thảo chuyên đề tìm cách tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nội dung của Chương trình, nhất là các nội dung tác động trực tiếp đến đời sống của người dân để không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân nông thôn.
m) Chấp hành chế độ báo cáo định kỳ phục vụ cho việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu, đáp ứng yêu cầu chỉ đạo thực hiện Chương trình của Ban Chỉ đạo các cấp.
II. GIAO KỂ HOẠCH THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH NĂM 2015
1. Giao kế hoạch
1. 1. Nội dung giao kế hoạch năm 2015
a) Chỉ tiêu nhiệm vụ về thực hiện mục tiêu của Chương trình
- Đối với cấp huyện:
+ Số xã đạt chuẩn;
+ Số xã đạt từ 15-18 tiêu chí;
+ Giảm số xã đạt dưới 05 tiêu chí;
+ Bình quân số tiêu chí đạt được/xã trên địa bàn huyện.
- Đối với cấp xã:
+ Các xã đã đạt 19 tiêu chí cần xây dựng kế hoạch nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt, nhất là các tiêu chí về thu nhập, hộ nghèo, chất lượng đời sống văn hóa và an ninh trật tự...
+ Các xã sẽ đạt 19 tiêu chí: Các xã đến hết năm 2014 đã nằm trong nhóm đạt 15-18 tiêu chí cần rà soát và giao nhiệm vụ hoàn thành bộ tiêu chí trong năm 2015.
+ Đối với các xã chưa đạt 19 tiêu chí: cần rà soát, giao nhiệm vụ cụ thể, phù hợp về mức độ đạt chuẩn theo Bộ tiêu chí quốc gia nông thôn mới, gồm:
* Số lượng tiêu chí cần đạt chuẩn trong năm kế hoạch;
* Mức độ đạt của các tiêu chí chưa đạt chuẩn.
b) Các nhiệm vụ cụ thể và cân đối nguồn lực thực hiện
Các địa phương căn cứ nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm đã nêu tại Khoản 2, Mục I của văn bản này để lựa chọn nội dung cho phù hợp và cân đối nguồn lực để thực hiện.
1.2. Thời gian giao kế hoạch và gửi báo cáo: Chấp hành theo quy định của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 131/QĐ-TTg ngày 23/01/2015 về giao kế hoạch vốn trái phiếu Chính phủ năm 2015 thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới.
2. Cân đối và phân bổ nguồn lực
a) Các địa phương cần ưu tiên bố trí ngân sách địa phương các cấp và huy động, lồng ghép các nguồn lực cùng với nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách trung ương để phấn đấu đạt mục tiêu của chương trình. Việc huy động đóng góp của người dân trên địa bàn phải đảm bảo nguyên tắc tự nguyện, phù hợp khả năng của người dân, không được yêu cầu dân đóng góp bắt buộc hoặc huy động vượt quá khả năng của người dân.
b) Tất cả các xã tham gia thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM trên địa bàn đều được hỗ trợ nguồn lực từ ngân sách nhà nước (bao gồm cả nguồn vốn lồng ghép các Chương trình, dự án trên địa bàn), trong đó ưu tiên cho địa bàn trọng điểm theo quy định của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 131/QĐ-TTg ngày 23/01/2015 về giao kế hoạch vốn trái phiếu Chính phủ năm 2015 thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới.
c) Nội dung hỗ trợ của các nguồn vốn
- Đối với nguồn vốn đầu tư phát triển và nguồn vốn trái phiếu chính phủ cần ưu tiên bố trí để nâng cấp các công trình hiện có và hoàn chỉnh hạ tầng thiết yếu cấp xã, thôn, bản trực tiếp gắn với phát triển sản xuất, đời sống hàng ngày của người dân (giao thông, thủy lợi, điện, nước sạch, môi trường, trường học, trạm y tế) theo cơ chế đầu tư đặc thù được qui định tại Quyết định 498/QĐ-TTg ngày 21/3/2013 của Thủ tướng Chính phủ. Việc bố trí vốn để đầu tư xây dựng trụ sở xã, nhà văn hóa, chợ nông thôn, nghĩa trang... phải xem xét kỹ về tính thiết thực, hiệu quả, tránh hình thức, lãng phí.
- Đối với nguồn vốn sự nghiệp: Ưu tiên bố trí vốn để hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập của người dân nông thôn; tập huấn nâng cao năng lực cán bộ triển khai Chương trình các cấp; tuyên truyền và vận động xây dựng nông thôn mới; bảo vệ môi trưòng nông thôn...
- Tăng cường bố trí ngân sách nhà nước các cấp cho các cơ chế, chính sách theo hướng “kích cầu“ như hỗ trợ lãi suất cho vay đối với hộ nông dân để phát triển sản xuất và xây dựng hạ tầng thiết yếu.
d) Mức hỗ trợ vốn trái phiếu Chính phủ: Thực hiện theo quy định của của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 131/QĐ-TTg ngày 23/01/2015 về giao kế hoạch vốn trái phiếu Chính phủ năm 2015 thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới.
Để đảm bảo thực hiện theo quy định của Trung ương tại Nghị quyết của Quốc hội số 65/2013/QH13 về phát hành bổ sung và phân bổ vốn TPCP, Quyết định số 131/QĐ-TTg ngày 23/01/2015 của Thủ tướng Chính phủ về giao kế hoạch vốn TPCP thực hiện Chương trình năm 2015, ủy ban nhân dân tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương triến khai thực hiện:
- Xây dựng phương án phân bổ vốn TPCP thực hiện Chương trình năm 2015 trên cơ sở rà soát kết quả phân bổ vốn trái phiếu Chính phủ năm 2014 và phương án phân bổ vốn trái phiếu Chính phủ 3 năm 2014-2016 cho phù hợp.
- Báo cáo Thường trực Hội đồng nhân dân cùng cấp thẩm định để hoàn chỉnh phương án phân bổ năm 2015 để báo cáo Hội đồng nhân dân tại kỳ họp gần nhất.
- Giao kế hoạch và báo cáo kết quả phân bổ vốn thực hiện Chương trình năm 2015 và phương án phân bổ 03 năm 2014-2016 gửi về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính.
III. CHẾ ĐỘ BÁO CÁO
1. Báo cáo về giao kế hoạch năm 2015
a) Gửi Quyết định giao kế hoạch năm 2015, Quyết định phân bổ vốn trái phiếu Chính phủ năm 2015 và Phương án phân bổ vốn trái phiếu Chính phủ cả giai đoạn 2014-2016 về 03 Bộ theo quy định: Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài Chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Cơ quan quản lý Chương trình.
Thời hạn: Ngay sau khi UBND cấp tỉnh ban hành quyết định.
b) Gửi báo cáo tổng hợp kết quả giao kế hoạch năm 2015 của tất cả các nguồn vốn thực hiện Chương trình về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp báo cáo Thường trực Ban Chỉ đạo.
- Thời hạn: Trước ngày 01/4/2015.
- Nội dung báo cáo:
+ Kết quả huy động, lồng ghép các nguồn lực thực hiện Chưong trình, trong đó làm rõ nguồn ngân sách địa phương các cấp theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 15/7/2014.
+ Kết quả phân bổ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ theo đối tượng và nội dung hỗ trợ
+ Kế hoạch sử dụng các nguồn lực, trong đó làm rõ quan điểm phân bổ, nội dung ưu tiên trong kế hoạch năm 2015 của địa phương.
+ Kết quả thực hiện cơ chế phân cấp đẩu tư xây dựng cho cấp xã (theo Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 04/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ) và cơ chế giao cho nhân dân tự xây dựng công trình (theo Quyết định 498/QĐ-TTg ngày 21/3/2013 của Thủ tướng Chính phủ).
+ Những khó khăn, vướng mắc và giải pháp khắc phục của địa phương trong thời gian qua và các kiến nghị, đề xuất với Ban Chỉ đạo Trung ương về những vấn đề còn vướng mắc vượt quá thẩm quyền giải quyết của địa phương.
- Số liệu: Thực hiện theo các mẫu biểu từ biểu 01 đến biểu 04 (đính kèm)
2. Báo cáo kết quả thực hiện theo định kỳ: Hàng quý, 6 tháng, 9 tháng và cả năm gửi về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
a) Thời hạn: Gửi báo cáo chính thức trước ngày 10 của tháng đầu của quý tiếp theo.
Riêng báo cáo 6 tháng và cả năm cần có báo cáo nhanh, kịp tổng hợp phục vụ Hội nghị sơ kết định kỳ của Ban Chỉ đạo Trung ương. Báo cáo nhanh chỉ cần báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện và có đầy đủ số liệu theo mẫu biểu quy định và gửi trước ngày 20 của tháng 6 (đối với báo cáo 6 tháng) và ngày 20 tháng 12 (đối với báo cáo năm).
b) Nội dung báo cáo:
- Kết quả rà soát, bổ sung sửa đổi và ban hành các cơ chế chính sách đặc thù của địa phương nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc huy động nguồn lực và tổ chức thực hiện các nội dung của Chương trình trên địa bàn.
- Kết quả thực hiện nhiệm vụ kiện toàn, nâng cao năng lực của Ban Chỉ đạo và bộ phận giúp việc Ban Chỉ đạo các cấp theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.
- Kết quả huy động, lồng ghép các nguồn lực thực hiện Chương trình trên cơ sở bổ sung các nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước được huy động đến kỳ báo cáo và kế hoạch sử dụng nguồn lực mới được bổ sung.
- Kết quả thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm và các nội dung của Chương trình.
- Kết quả giải ngân các nguồn vốn đến kỳ báo cáo, bao gồm vốn tạm ứng thanh toán và số vốn đã được thanh toán.
- Những khó khăn, vướng mắc và giải pháp khắc phục của địa phương trong thời gian qua và các kiến nghị, đề xuất với Ban Chỉ đạo Trung ương về những vấn đề còn vướng mắc vượt quá thẩm quyền giải quyết của địa phương.
c) Số liệu: Thực hiện theo 04 mẫu biểu: Từ biểu 05 đến biểu 08 (đính kèm)
(Thông tin chi tiết liên hệ với Văn phòng Điều phối Trung ương theo địa chỉ: Ông Trần Văn Môn - điện thoại: 0912.147.656, email: monhtx@gmail.com)
Nơi nhận:
- Như trên;
- Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh (b/c);
- Văn phòng chính phủ;
- Các bộ: KHĐT, tài chính;
- TV BCĐ TW, cố vấn BCĐ;
- VPĐP các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Lưu VT, VPĐP.
|
KT. TRƯỞNG BAN
PHÓ TRƯỞNG BAN
(Đã ký)
THỨ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
Trần Thanh Nam
|