Bắc Giang hướng xây dựng nông thôn mới gắn với đô thị hóa

Đoàn công tác Văn phòng điều phối nông thôn mới Trung ương về kiểm tra tại Bắc Giang. Ảnh: BG.

Năm 2022 là năm đầu thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới theo Bộ tiêu chí Quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021- 2025.

Tính đến cuối tháng 12/2022, toàn tỉnh Bắc Giang có 6 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới, hoàn thành kế hoạch, có 136/182 xã đạt chuẩn nông thôn mới và 179 thôn được công nhận đạt chuẩn thôn nông thôn mới kiểu mẫu.

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Bắc Giang, thời gian qua, chương trình xây dựng nông thôn mới tiếp tục được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo thực hiện từ tỉnh tới cơ sở. Nội dung xây dựng nông thôn mới đã được cụ thể hóa thành chỉ tiêu phấn đấu trong nghị quyết Đại hội Đảng bộ, kế hoạch của UBND các cấp giai đoạn 2021-2025.

Theo định hướng, đến năm 2030, tỉnh Bắc Giang sẽ có trên 95% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó 60% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 30% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Số lượng thôn, xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao ngày càng nhiều.

Ở cấp huyện, sẽ có 8/9 huyện đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 3 huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, việc xây dựng nông thôn mới sẽ được các địa phương tiến hành toàn diện, bền vững gắn với đô thị hóa, vì lợi ích của người dân.

Trước mắt, tỉnh Bắc Giang sẽ ưu tiên nguồn lực chương trình xây dựng nông thôn mới để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng tiệm cận yêu cầu đô thị hóa với huyện Việt Yên và huyện Yên Dũng và một số xã của huyện Lục Ngạn.

Mục tiêu của sự ưu tiên này chính là tiến tới phát triển thị xã Việt Yên và phương án sáp nhập Yên Dũng vào thành phố Bắc Giang, đồng thời sẽ xây dựng thị trấn Chũ thành thị xã.

Để thực hiện hoàn thành các mục tiêu đặt ra, tỉnh Bắc Giang đã có nhiều cuộc họp, chỉ đạo và quán triệt tới các địa phương tập trung thực hiện hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới cũng như xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu và xây dựng nông thôn mới cấp thôn, bản.

Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn thường xuyên được thực hiện thường xuyên hơn tại các xã giao đạt chuẩn nông thôn mới, nâng cao và kiểu mẫu.

Bộ mặt nông thôn mới nhiều địa phương đã tiệm cận đô thị. Ảnh: Ngọc Thọ.

Trong đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, được thực hiện đồng bộ, hiện đại, kết nối với đô thị, nhất là vùng ven thành phố, thị trấn, thị tứ, từng bước tiếp cận về điều kiện hạ tầng, dịch vụ của đô thị.

Song song với đó, việc  đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, chuyển đổi số, văn hoá, giáo dục y tế cũng như việc cung cấp nước sạch theo quy chuẩn được quan tâm. Việc nâng cấp, bảo đảm an toàn các công trình hồ đập, đê điều, phòng, chống thiên tai, xây dựng mới các công trình hồ chứa thuỷ lợi được thực hiện sát sao.

UBND tỉnh Bắc Giang cũng yêu cầu các địa phương thực hiện quy hoạch, kiến trúc khu dân cư, công trình, nhà ở phải thực hiện phù hợp với truyền thống văn hóa, cảnh quan, môi trường, điều kiện thực tế và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Khẩn trương, quyết liệt xử lý, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường ở nông thôn, nhất là rác thải, nước thải và xây dựng cảnh quan nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp, văn minh, giàu bản sắc văn hoá truyền thống.

Trong đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước, Bắc Giang đã ưu tiên các vùng khó khăn, miền núi, phấn đấu không để chênh lệch lớn về điều kiện sống giữa các vùng.

Việc quy hoạch, kiến trúc khu dân cư, công trình, nhà ở phải thực hiện phù hợp với truyền thống văn hóa, cảnh quan, môi trường. Ảnh: Ngọc Thọ.

Qua đó, giúp nâng cao hiệu quả đầu tư, thực hiện lồng ghép các dự án, chương trình đầu tư đang triển khai trên địa bàn nông thôn vào chương trình xây dựng nông thôn mới.

Tỉnh Bắc Giang cũng đã có sự huy động mạnh mẽ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực từ các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, đẩy mạnh hình thức đầu tư theo phương thức nhà nước - nhân dân cùng làm.

Đã quan tâm cải thiện điều kiện sống, nhà ở, đổi mới tư duy, nếp sống, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn và thành thị, giữa miền núi và đồng bằng.

Mặt khác, đã chủ động đề xuất danh mục các dự án xây mới, cải tạo, nâng cấp, mở rộng công trình cấp nước sạch tập trung nông thôn để kêu gọi đầu tư, xây dựng theo quy hoạch tỉnh Bắc Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

                                                                                             VP Đông Bắc (Nguồn: nongnghiep.vn)

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất

Liên kết website