Tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, nông dân xã Cao Xá đưa giống dưa chuột Nhật vào trồng nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế
Khu Dương Khê Đông có 80 hội viên nông dân, là một trong những khu điển hình của xã trong việc đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. 95% diện tích lúa hàng vụ đã được bà con gieo cấy bằng giống lúa mới chất lượng cao như RVT, J02, BG1, BG2 theo mô hình cánh đồng mẫu lớn. 2 vụ gần đây, bà con mạnh dạn trồng thử nghiệm dưa chuột Nhật, ớt Chỉ địa theo chương trình liên kết với công ty giống GOC. Đây cũng là một trong những vùng thâm canh rau lớn của xã, cung cấp nhiều loại rau đặc sản theo mùa cho các thị trường lân cận, đem lại nguồn thu đáng kể. Hiện nay 100% các hộ gia đình đều sử dụng cơ giới hóa trong các khâu làm đất, thu hoạch, góp phần giảm ngày công lao động và đẩy nhanh tiến độ thời vụ. Bà con cũng tích cực mở rộng chăn nuôi theo hướng gia trại, trang trại… Đến nay, hơn 90% số hộ hội viên trong khu có mức sống khá và giàu. Bà Quách Thị Vượng – Chi hội trưởng Chi hội nông dân khu cho biết: Từ quy hoạch vùng sản xuất, chăn nuôi của xã, Chi hội đã vận động, định hướng cho các hội viên tích cực tham gia chuyển đổi cơ cấu cây trồng và thâm canh tăng vụ, ưu tiên trồng các loại cây giống phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng ở khu vực để đạt hiệu quả kinh tế. Nhiều mô hình trang trại, gia trại trồng trọt, chăn nuôi được hình thành và có thu nhập cao, điển hình như hộ bà Quách Thị Thọ, hộ ông Quách Xuân Lộc, hộ bà Quách Bá Năng…qua đó tạo được niềm tin và sự hưởng ứng tích cực của hội viên.
Ông Phạm Xuân Bang – Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết: Với vai trò của mình, hằng năm Hội Nông dân xã luôn tham mưu cho Đảng ủy, UBND xã xây dựng các Nghị quyết, kế hoạch về phát triển trồng trọt, chăn nuôi, chuyển đổi các loại cây, con có giá trị kinh tế cao vào thâm canh; chủ động phối hợp với các ngành, đoàn thể tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao kiến thức cho người dân, đưa vào thử nhiệm nhiều mô hình chăn nuôi trồng trọt mới với sản phẩm có chất lượng để hội viên tin và áp dụng, góp phần tạo thêm nguồn thu nhập.
Từ năm 2011 đến nay, Hội Nông dân xã đã chỉ đạo thực hiện tốt 5 mô hình trồng lúa, ngô với diện tích 10 ha, thu hút 215 hộ tham gia bằng các giống mới BG1, BG6, HKT99, Đắc ưu 18, Kim ưu 18, năng suất đạt 280 – 300kg/sào; trình diễn 4 mô hình bón phân NPK khép kín với quy mô 9 ha, thu hút 195 hộ tham gia; phối hợp mở 4 lớp đào tạo nghề về chăn nuôi, sử dụng thuốc thú y, nghề trồng nấm và tạo dáng cây cảnh cho 125 hội viên… Riêng mô hình cánh đồng mẫu lớn, để tạo được sự đồng thuận của bà con ngay từ vụ đầu tiên, mỗi cán bộ BCH hội đã tuyên truyền, vận động, đồng thời cùng đồng hành với hội viên trong các khâu ngâm ủ, xử lý giống tập trung, hướng dẫn việc gieo cấy, chăm sóc phòng trừ sâu bệnh cho cây lúa… Do vậy 415 hộ hội viên trong vùng quy hoạch đã tham gia cấy gần 60 ha lúa theo mô hình mới bằng giống lúa chất lượng cao J02, đạt năng suất 260 – 280 kg/sào, cho giá trị thu nhập tăng gấp đôi so với giống lúa thuần Khang dân 18. Từ thành công này, đến nay diện tích lúa chất lượng cao của xã đạt trên 95% tổng diện tích gieo cấy. Xã còn quy hoạch và trồng được 7 ha dưa chuột Nhật, ớt Chỉ Địa cho hiệu quả kinh tế đáng kể. Hội viên trong xã cũng tích cực hiến hàng nghìn m2 đất để mở rộng đường giao thông nội đồng, tạo thuận lợi hơn trong việc đưa cơ giới hóa vào nông nghiệp.
Nhờ chú trọng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa tiến bộ khoa học kĩ thuật vào sản xuất, đến nay bình quân giá trị sản xuất của xã đạt trên 150 triệu đồng/ha; các vùng sản xuất cây ăn quả, rau màu phục vụ thị trường đô thị đạt trên 15 tỷ đồng/năm; xã có hơn 20 trang trại chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản, diện tích từ 1 ha đến 5 ha, hằng năm cho thu nhập trên 50 tỷ đồng. Kết quả này đã góp phần đưa Cao Xá về đích sớm trong xây dựng nông thôn mới.
Nguồn: Phuthoportal.