Theo báo cáo của Sở Giao thông vận tải, hệ thống giao thông nông thôn hiện nay phục vụ cho gần 70% dân số cả tỉnh, bao gồm không chỉ những tuyến đường huyết mạch nối các trung tâm huyện với xã hoặc nối các trung tâm xã với nhau mà còn là các tuyến đường liên thôn, liên xóm, kể cả đường bờ mương, bờ vùng, bờ thửa… để nối các khu dân cư, thôn xóm, phục vụ đời sống dân sinh tại các vùng nông thôn. Trong 5 năm gần đây toàn tỉnh đã huy động được trên 10.627 tỷ đồng đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng giao thông. Kết quả, đã làm mới được 41 km đường thôn xóm và 10 km đường trục chính nội đồng; nâng cấp 174 km đường tỉnh, trên 549 km đường huyện, 1.042 km đường xã, 1.632 km đường thôn xóm, 1.466 km đường ngõ xóm, 330 km đường trục chính nội đồng; xây dựng mới tổng số 48 cầu, 35 tràn; sửa chữa 9 cầu và 10 tràn.
Đáng chú ý, trong quá trình triển khai, các cấp các ngành luôn quan tâm đến công tác tuyên truyền, vận động, phát huy Quy chế dân chủ ở cơ sở, tạo được sự đồng tình của người dân với chủ trương “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Vì thế, bên cạnh các nguồn vốn của Trung ương, của các bộ, ngành, lồng ghép có hiệu quả các chương trình, dự án, vốn từ các thành phần kinh tế, các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm thì nguồn vốn huy động trong nhân dân cũng góp phần không nhỏ trong phát triển hệ thống giao thông nông thôn. Nguồn vốn này được thực hiện linh hoạt bằng nhiều hình thức khác nhau (bằng vật tư, thiết bị máy móc, phương tiện, bằng tiền, bằng hiến đất, cây cối, hoa màu...) với phương châm giao thông nông thôn là công trình của dân, do dân làm, dân tự kiểm tra mọi công việc đều được thực hiện một cách công khai, bàn bạc dân chủ. Trong 5 năm đã huy động được trên 688 tỷ đồng trong nhân dân, trong đó đã có nhiều hộ dân tự nguyện hiến hàng nghìn m2 đất, hoa màu, cây cối cho Nhà nước làm đường mà không đòi hỏi bồi thường hay hỗ trợ. Các địa phương huy động được nguồn vốn cao là huyện Đoan Hùng, Thanh Ba, đặc biệt là Thanh Thuỷ. Chỉ tính riêng năm 2014, nhân dân huyện Thanh Thủy đã hiến 30.226 m2 đất làm đường giao thông, ước tổng trị giá khoảng 2,75 tỷ đồng. Bình quân mỗi năm, huyện huy động đầu tư cho giao thông khoảng 70 - 80 tỷ đồng, do đó chất lượng đường giao thông trên địa bàn được cải thiện đáng kể. Riêng ở xã Xuân Lộc, vốn không phải xã điểm trong chương trình xây dựng nông thôn mới của huyện, trong đó tiêu chí giao thông vốn từng bị liệt vào tiêu chí khó thực hiện, thế nhưng đến nay, diện mạo của xã đã thay đổi nhiều so với trước, không còn những con đường đất bụi bẩn, thay vào đó là đường bê tông, đường nhựa chạy suốt các khu dân cư, qua các cánh đồng; đường làng ngõ xóm phong quang, sạch đẹp. Nhờ phát huy truyền thống đoàn kết, tương trợ lẫn nhau phát triển sản xuất mà trong 3 năm trở lại đây người dân Xuân Lộc đã đóng góp hàng tỷ đồng để đầu tư nâng cấp hơn 20 km đường giao thông nông thôn theo phương thức Nhà nước đầu tư xi măng, nhân dân tự nguyện hiến đất giải phóng mặt bằng, đóng góp cát, sỏi, công lao động làm đường.
Không chỉ huy động nguồn lực của nhân dân trong đầu tư xây dựng giao thông nông thôn, các cấp, các ngành, các địa phương đặc biệt chú ý phát huy vai trò giám sát của người dân trongcông tác quản lý chất lượng công trình.Khi thi công công trình, ngoài việc giám sát của cơ quan chuyên môn còn có sự tham gia giám sát rất chặt chẽ của các đoàn thể ở cơ sở từ việc quản lý vật tư đến việc thanh toán, quyết toán công trình. Bởi vậy chất lượng công trình được đảm bảo và tiết kiệm. Công trình sau khi nghiệm thu đều được bàn giao cho các khu dân cư quản lý, khai thác sử dụng. Nhiều khu dân cư đã xây dựng được quy chế quản lý, sử dụng đường giao thông và có chế độ duy tu bảo dưỡng cụ thể, nhiều tuyến đường đã thực hiện việc cắm biển hạn chế tải trọng (điển hình như thành phố Việt Trì, huyện Hạ Hòa), nhiều tuyến đường mang tên các Hội tự quản như: Đường Hội cựu chiến binh tự quản, đường Hội phụ nữ tự quản; đường Thanh niên tự quản...
Để tiếp tục phát huy vai trò của nhân dân, góp phần phát triển giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh đạt kết quảcao, thời gian tiếp theo, các cấp, ngành, chính quyền địa phương cần tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo trong tổ chức thực hiện, động viên nhân dân tích cực đóng góp xây dựng giao thông nông thôn; huy động tối đa mọi nguồn lực, lồng ghép có hiệu quả các nguồn vốn và từ nhiều thành phần kinh tế, dưới nhiều hình thức khác nhau để đầu tư phát triển giao thông nông thôn; tăng cường công tác bảo trì sau đầu tư; xây dựng các quy định, quy chế cụ thể về quản lý, bảo trì đường giao thông nông thôn. Đẩy mạnh công tác quản lý, kiểm tra, giám sát trong đầu tư xây dựng công trình giao thông nông thôn, nhất là phát huy vai trò giám sát cộng đồng tại khu dân cư.
Như vậy, với sự chỉ đạo quyết tâm của các cấp thông qua các biện pháp cụ thể, phù hợp, mạng lưới giao thông nông thôn trong tỉnh không ngừng được mở rộng, nâng cấp, Nhờ giao thông nông thôn phát triển nên việc vận chuyển hàng hoá, nông sản, giao lưu, buôn bán, đi lại của nhân dân được thuận lợi, kinh tế - xã hội phát triển, đời sống nhân dân có những bước cải thiện đáng kể. Từ đó, tạo động lực quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển, khơi dậy tiềm năng của các vùng trước đây còn lạc hậu, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn trong hành trình cán đích nông thôn mới.
Nguồn: phuthoportal.