Huy động nguồn lực phát triển giao thông nông thôn

Đồng bào dân tộc Dao bản Quyết Tiến, xã Địch Quả, huyện Thanh Sơn góp công, góp của tu sửa tuyến đường giao thông từ trung tâm xã vào bản.  Ảnh: đinh vũ
Đồng bào dân tộc Dao bản Quyết Tiến, xã Địch Quả, huyện Thanh Sơn góp công, góp của tu sửa tuyến đường giao thông từ trung tâm xã vào bản.
Ảnh: Đinh Vũ

Theo thống kê của Sở GTVT, riêng trong 5 năm gần đây (từ 2010-2014) toàn tỉnh đã huy động được trên 10.627 tỷ đồng đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng giao thông. Kết quả, đã làm mới được 41km đường thôn xóm và 10km đường trục chính nội đồng; nâng cấp 174 km đường tỉnh, trên 549km đường huyện, 1.042km đường xã, 1.632km đường thôn xóm, 1.466km đường ngõ xóm, 330km đường trục chính nội đồng; xây dựng mới tổng số 48 cầu, 35 tràn; sửa chữa 9 cầu và 10 tràn.

Công tác phát triển GTNT trong thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Đáng chú ý, trong quá trình thực hiện các cấp các ngành luôn quan tâm chú trọng đến công tác tuyên truyền, vận động, thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở, được nhân dân đồng tình ủng hộ cao và đã trở thành phong trào rộng khắp trong toàn tỉnh. Việc huy động nguồn vốn được thực hiện đa dạng, tranh thủ tối đa các nguồn vốn của Trung ương, của các bộ, ngành, lồng ghép có hiệu quả các chương trình, dự án như: GTNT 3, WB, 134, 135, an toàn khu; vốn từ các thành phần kinh tế, các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm và toàn thể nhân dân. Các địa phương huy động được nguồn vốn cao là huyện Đoan Hùng, Thanh Ba, Thanh Thuỷ... Nguồn vốn huy động trong nhân dân được thực hiện trên cơ sở thực hiện linh hoạt quy chế dân chủ ở cơ sở bằng nhiều hình thức khác nhau (bằng vật tư, thiết bị máy móc, phương tiện, bằng tiền, bằng hiến đất, cây cối, hoa màu...) với phương châm GTNT là công trình của dân, do dân làm, dân tự kiểm tra mọi công việc đều được thực hiện một cách công khai, bàn bạc dân chủ. Trong 5 năm đã huy động được trên 688 tỷ đồng trong nhân dân, trong đó đã có nhiều hộ dân tự nguyện hiến hàng nghìn m2 đất, hoa màu, cây cối cho Nhà nước làm đường tới hàng tỷ đồng mà không đòi hỏi bồi thường hay hỗ trợ. Công tác quản lý chất lượng công trình được quan tâm. Tỉnh đã phân cấp quản lý đầu tư cho các huyện, thành, thị từ khâu duyệt thiết kế dự toán đến nghiệm thu thanh toán, quyết toán. Cơ quan chuyên môn chịu trách nhiệm cung cấp thiết kế mẫu các loại kết cấu mặt đường, định mức vật tư, tập huấn, hướng dẫn cho cán bộ kỹ thuật. Khi thi công công trình ngoài việc giám sát của cơ quan chuyên môn còn có sự tham gia giám sát rất chặt chẽ của các đoàn thể ở cơ sở từ việc quản lý vật tư đến việc thanh toán, quyết toán công trình. Bởi vậy chất lượng công trình được đảm bảo và tiết kiệm. Công trình sau khi nghiệm thu đều được bàn giao cho các khu dân cư quản lý, khai thác sử dụng. Nhiều khu dân cư đã xây dựng được quy chế quản lý, sử dụng đường giao thông và có chế độ duy tu bảo dưỡng cụ thể, nhiều tuyến đường đã thực hiện việc cắm biển hạn chế tải trọng (điển hình như thành phố Việt Trì, huyện Hạ Hòa), nhiều tuyến đường mang tên các Hội tự quản như: Đường Hội cựu chiến binh tự quản, đường Hội phụ nữ tự quản; đường Thanh niên tự quản...

Như vậy, sau 5 năm thực hiện, với sự chỉ đạo quyết tâm của các cấp thông qua các biện pháp cụ thể, phù hợp, mạng lưới GTNT trong tỉnh không ngừng được mở rộng, nâng cấp, đã tạo động lực quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển, khơi dậy tiềm năng của các vùng trước đây còn lạc hậu như: Thanh Sơn, Tân Sơn, Yên Lập... Đã làm thay đổi cả diện mạo nông thôn mới, đồng thời tạo nên nếp nghĩ và các cách làm mới ở cơ sở. Nhờ GTNT phát triển nên việc vận chuyển hàng hoá, nông sản, giao lưu, buôn bán, đi lại của nhân dân được thuận lợi, kinh tế xã hội phát triển, đời sống nhân dân có những bước cải thiện đáng kể.

Để công tác phát triển GTNT trên địa bàn tỉnh đạt kết quả cao, trong thời gian tới, các cấp, ngành, chính quyền địa phương cần tiếp tục quán triệt và thực hiện tốt các nội dung theo Nghị quyết số 01/NQ-TU ngày 10/3/2011 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển GTNT và quy hoạch phát triển giao thông vận tải tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2011- 2020 định hướng đến năm 2030; tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, các ngành, sự vào cuộc của Ủy ban MTTQ và các đoàn thể nhân dân trong tổ chức thực hiện, động viên nhân dân tích cực đóng góp xây dựng GTNT; huy động tối đa mọi nguồn lực, lồng ghép có hiệu quả các nguồn vốn và từ nhiều thành phần kinh tế, dưới nhiều hình thức khác nhau để đầu tư phát triển GTNT; tăng cường công tác bảo trì sau đầu tư; xây dựng các quy định, quy chế cụ thể về quản lý, bảo trì đường GTNT. Đẩy mạnh công tác quản lý, kiểm tra, giám sát trong đầu tư xây dựng công trình GTNT, nhất là phát huy vai trò giám sát cộng đồng tại khu dân cư, khen thưởng kịp thời đối với các tổ chức, cá nhân có nhiều thành tích trong phát triển GTNT.

Nguồn: baophutho.vn

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất

Liên kết website