Thạch
Khoán là xã miền núi của huyện Thanh Sơn, nằm ở vị trí cửa ngõ phía
Đông, cách trung tâm huyện 10 km về phía Tây Bắc. Toàn xã có diện tích
tự nhiên 1.676,44 ha, với tổng số hộ 1.347 và 5.200 khẩu, 16 khu dân cư.
Trong những năm gần đây, lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp được UBND xã
Thạch Khoán chú trọng phát triển. Giá trị sản xuất ngành nghề, tiểu thủ
công nghiệp phát triển khá mạnh, tăng bình quân hằng năm đạt 18%.
Một góc xưởng chế biến gỗ bóc của gia đình anh Nguyễn Đình Huy
Ngoài những nghề truyền thống thì nghề sản xuất gỗ bóc đang được coi
là thế mạnh trong phát triển tiểu thủ công nghiệp ở Thạch Khoán. Tận
dụng được lợi thế nguyên liệu từ rừng, mấy năm trở lại đây, nghề sản
xuất gỗ bóc ở xã Thạch Khoán phát triển mạnh đã góp phần chuyển dịch cơ
cấu kinh tế, tạo việc làm tại chỗ cho hàng trăm lao động địa phương, từ
đó, nâng cao thu nhập bình quân, từng bước hoàn thành chương trình xây
dựng nông thôn mới. Từ chỗ chỉ làm sản xuất ra các sản phẩm đơn giản,
thô sơ, đến nay sản phẩm chế biến, xẻ gỗ của địa phương đã có nhiều mặt
hàng đem lại giá trị kinh tế cao, xuất đi các huyện lân cận và nhiều
tỉnh thành. Từ 3 xưởng chế biến, xẻ gỗ năm 2010 đến nay toàn xã đã có 22
xưởng chế biến gỗ thu hút đông đảo lao động địa phương.
Là một trong những hộ làm nghề gỗ bóc đầu tiên của xã, anh Nguyễn Đình
Huy (khu Đồng Lương) chia sẻ, với vốn vay từ Ngân hàng NN&PTNT tại
địa phương và vốn tự có, gia đình anh đã đầu tư mở xưởng sản xuất với
máy cắt gỗ, máy bóc tu, máy bóc lồng, máy mài, 1 ô tô chuyên chở trên
diện tích nhà xưởng là hơn 200m2. Anh Huy cho biết, cơ sở của
anh chủ yếu chế biến các loại bạch đàn và keo, được thu mua tại các hộ
trồng rừng trong huyện và các khu vực lân cận. Tính trung bình mỗi ngày,
cơ sở của anh tiêu thụ khoảng 40 m3 gỗ các loại, mỗi năm cho
thu nhập từ 300 - 400 triệu đồng, tạo việc làm cho 15 lao động với mức
thu nhập bình quân từ 2 - 3 triệu đồng/người/tháng. Hơn nữa, sản xuất
nghề gỗ bóc khá đơn giản, không yêu cầu tay nghề cao nên chỉ cần học
trong thời gian ngắn là có thể làm nghề. Chi phí đầu tư lại không lớn,
thời gian hoàn vốn nhanh. Đặc biệt, nguồn gỗ thừa cũng được bà con các
nơi về thu mua để làm củi hay làm chuồng trại. Nhờ nghề bóc gỗ, nhiều hộ
gia đình trong xã đã trở nên khá giả; đời sống của người lao động từng
bước được cải thiện và nâng cao.
Với quan điểm lấy phát triển tiểu thủ công nghiệp làm đòn bẩy phát
triển kinh tế địa phương, trong những năm qua, Đảng ủy, chính quyền xã
Thạch Khoán luôn khuyến khích các doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả với
nhiều ngành nghề, nhiều lĩnh vực khác nhau. Bên cạnh nghề sản xuất gỗ
bóc, nghề sản xuất gạch ở đây khá phát triển. Việc nâng cấp và dây
truyền sản xuất Gạch ở Doanh nghiệp Đức Thạch hằng năm tiêu thụ ra thị
trường hàng trăm vạn viên gạch nung. Trên địa bàn xã còn có một số tổ
hợp xây dựng, thợ mộc, thợ nề phát triển giải quyết việc tăng thu nhập
cho người lao động.
Tuy số lượng các doanh nghiệp đóng trên địa bàn chưa nhiều, nhưng đối
với Thạch Khoán thì phát triển tiểu thủ công nghiệp đang là một hướng đi
đúng. Đồng hành với việc sản xuất nông nghiệp, dịch vụ thương mại thì
tiểu thủ công nghiệp đang dần trở thành một lĩnh vực mũi nhọn giải quyết
được vấn đề việc làm cho đông đảo bà con nhân dân. Tiểu thủ công nghiệp
đã và đang đi sâu vào từng hộ gia đình và thực tế đã cho thấy mức sống
của người dân Thạch Khoán đã được nâng lên đáng kể.
Thời gian tới, Đảng ủy, chính quyền xã Thạch Khoán sẽ tiếp tục phát huy
những kết quả đã đạt được, khuyến khích các tổ chức, cá nhân phát triển
ngành nghề, trọng tâm là chế biến, sơ chế các sản phẩm như xẻ gỗ, bóc
ván, chế biến nông sản; đồng thời quan tâm, tạo điều kiện cho các doanh
nghiệp, các công ty hoạt động trên địa bàn đúng luật, tạo việc làm cho
lao động ở địa phương; đặc biệt quản lý tốt về mặt Nhà nước, việc khai
thác, vận chuyển, chế biến mua bán khoáng sản, phấn đấu sản xuất gạch
đạt 200 vạn viên/năm trở lên. Hy vọng rằng, việc phát huy có hiệu quả
thế mạnh từ sản xuất tiểu thủ công nghiệp sẽ góp phần phát triển kinh
tế, xã hội của địa phương.
Nguồn: phuthoportal