Trong 5 năm (2010-2015) toàn
tỉnh có 91.235 gia đình hội viên đạt tiêu chuẩn hộ nông dân sản xuất
kinh doanh giỏi các cấp. Kết quả khả quan trên đã góp phần quan trọng
chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao trình độ, năng lực, khả năng tiếp
cận tiến bộ khoa học và ứng dụng công nghệ vào lĩnh vực sản xuất, khai
thác, khơi dậy những tiềm năng, thế mạnh của địa phương…
|
Mô hình nuôi cá lồng trên đầm Vân Hội của gia đình nông dân Nguyễn Ngọc Minh
cho nguồn thu hơn 400 triệu đồng/năm. |
Phát huy truyền thống vẻ vang của giai cấp nông dân Việt Nam, nhiều năm
qua, các cấp Hội Nông dân trên địa bàn tỉnh luôn nêu cao tinh thần đoàn
kết, sáng tạo, tích cực tham gia lao động sản xuất, nỗ lực vượt khó,
thực hiện hiệu quả mục tiêu, nhiệm vụ chính trị được giao với những hành
động thiết thực, hiệu quả: Thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết
giúp nhau giảm nghèo bền vững; thi đua xây dựng nông thôn mới... Đồng
tâm hưởng ứng phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi do
Hội Nông dân các cấp phát động, gia đình ông Nguyễn Tiến Nam ở Chi hội 5
xã Đoan hạ, huyện Thanh Thủy đã gặt hái được những thành quả đáng trân
trọng. Với những kiến thức được học, những kinh nghiệm được tích lũy
trong thời gian làm kinh tế ông Nam đã mạnh dạn dồn đổi ruộng đất, phát
triển kinh tế trang trại chăn nuôi tổng hợp vươn lên làm giàu chính đáng
và sẵn sàng chia sẻ với những hộ nông dân muốn vươn lên thoát nghèo.
Năm 2010, gia đình ông duy trì từ 8-10 lợn nái. Lợn con được nuôi khép
kín thành lợn thương phẩm. Nhờ đó, số đầu lợn xuất chuồng luôn đạt 250
con/năm. Sau thời gian kinh doanh có lãi, ông tiếp tục đầu tư xây dựng,
mở rộng thêm chuồng trại duy trì 25 đầu lợn nái, đưa số đầu lợn thịt
xuất chuồng lên tới 600 con/năm, trừ chi phí, hàng năm gia đình ông thu
lãi khoảng 150 triệu đồng. Cùng với 11.000m2 ao sẵn có của nhà, gia đình
ông nhận thầu thêm 8 ha diện tích mặt nước và tiến hành đầu tư thả các
loại cá thương phẩm: Chép lai, diêu hồng, rô phi có giá trị kinh tế cao
cho nguồn thu khoảng 180 triệu đồng mỗi năm. Tiền thu về từ chăn nuôi
gà, vịt thương phẩm và đẻ trứng sau khi trừ chi phí, mỗi năm cũng mang
về cho gia đình ông 190 triệu đồng. Tổng nguồn thu từ các hoạt động chăn
nuôi tổng hợp trừ chi phí đã giúp gia đình ông thu được trên 500 triệu
đồng mỗi năm. Xuất phát từ điều kiện thực tiễn, thế mạnh cũng như hạn
chế của gia đình và địa phương, để có hiệu quả kinh tế cao, gia đình ông
Nam đã lựa chọn các loại vật nuôi có giá trị kinh tế, năng suất cao để
chăn nuôi theo hướng hàng hóa; tích cực áp dụng tiến bộ KHKT, áp dụng
công nghệ cao trong chăn nuôi, giảm chi phí lao động. Hệ thống chuồng
trại, cơ sở hạ tầng chăn nuôi được công nghiệp hóa, hạn chế ô nhiễm môi
trường, kiểm soát tốt dịch bệnh... Kinh tế gia đình phát triển vững
mạnh, ông Nam luôn gương mẫu, nhiệt tình tham gia các hoạt động nhân
đạo, từ thiện, ủng hộ địa phương xây dựng, hoàn thiện hệ thống hạ tầng
cơ sở, đặc biệt là các công trình phúc lợi xã hội. Năm vừa qua, gia đình
ông đã đầu tư cứng hóa 300m đường giao thông nông thôn giúp xã đẩy
nhanh tiến độ hoàn thành tiêu chí về giao thông trong thực hiện xây dựng
nông thôn mới.
Điển hình được vinh danh trong phong trào "Nông dân sản xuất kinh doanh
giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu" gương mặt trẻ Nguyễn Ngọc Minh, 26
tuổi hội viên Chi hội 7, xã Hiền Lương, huyện Hạ Hòa đã có 10 năm bươn
trải nơi đất khách, qua nhiều địa phương từ Bắc vào Nam để có được những
kiến thức, kinh nghiệm chăn nuôi thủy sản, nắm bắt tiến bộ KHKT trở về
làm giàu trên chính quê hương. Với số vốn 2,1 tỷ đồng, anh đã đầu tư
nuôi cá lồng trên đầm Vân Hội, phát triển bước đầu 25 lồng cá, trong đó
có 9 lồng cá diêu hồng, 1 lồng cá trắm đen, 15 lồng cá lăng giống. Năm
2014, gia đình anh đạt sản lượng 30 tấn cá thương phẩm, cho thu nhập gần
400 triệu đồng, chưa kể đến hàng chục vạn con cá lăng giống. Anh Minh
cho biết: Do áp dụng đúng quy trình kỹ thuật nên cá ít dịch bệnh, tỷ lệ
chết ít, chi phí lồng, bè rẻ, lại không bị ảnh hưởng bởi thiên tai, nên
kết quả kinh doanh cá lồng của anh đạt hiệu quả. Với lợi thế về điều
kiện tự nhiên, kỹ thuật chăn nuôi và nội lực kinh phí anh dự kiến sẽ
phát triển thêm 25 lồng cá mới đồng thời sẵn sàng giúp đỡ những người có
chí hướng bằng nghề nuôi cá từ vốn, giống, kiến thức chăn nuôi và bao
tiêu toàn bộ cá diêu hồng cho các bạn hàng trong mùa thu hoạch.
Điểm nhấn quan trọng thể hiện tinh thần thi đua yêu nước, 5 năm qua,
phong trào “Hội viên nông dân tham gia xây dựng nông thôn mới” toàn tỉnh
đã thực sự trở thành phong trào hành động cách mạng, động lực quan
trọng tạo khí thế thi đua sôi nổi trong cán bộ, hội viên nông dân. Hưởng
ứng phong trào, các cấp Hội đã tích cực tổ chức nhiều lớp tập huấn,
tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên, vận động nông dân
góp tiền, công sức, hiến đất làm đường giao thông và các công trình phúc
lợi ở địa phương. Qua thực hiện phong trào, đã có hàng ngàn hộ nông dân
hiến hàng vạn mét vuông đất, tài sản gắn liền trên đất làm các công
trình hạ tầng kinh tế, xã hội ở nông thôn, trị giá hàng trăm tỷ đồng.
Một trong những gương điển hình tiên tiến của tỉnh trong phong trào "Hội
viên nông dân tham gia xây dựng nông thôn mới" phải kể đến bà Đỗ Thị
Thanh Dung, Chủ tịch Hội Nông dân xã Chí Tiên, huyện Thanh Ba. Nhận thức
rõ vai trò, trách nhiệm của mình, bà đã chủ động phối hợp với với các
đoàn thể, tích cực tuyên truyền đến cán bộ, hội viên về vai trò chủ thể
của nông dân trong xây dựng nông thôn mới; tích cực tham mưu, đề xuất
các ý kiến với Đảng ủy, chính quyền về các đề án xây dựng, xác định
những vấn đề cần được nhân dân bàn bạc, góp ý nhằm đảm bảo tính dân chủ.
Có những trường hợp còn vướng mắc trong hiến đất làm đường giao thông,
hoặc bàn giao mặt bằng cho các dự án, bà đã tranh thủ thời gian hợp lý
để gặp gỡ, tuyên truyền vận động, tháo gỡ khó khăn. Do làm tốt công tác
tuyên truyền, vận động nên nhận thức của hội viên đã có những chuyển
biến tích cực tạo ra khí thế thi đua sôi nổi trong các phong trào "Hội
viên nông dân tham gia xây dựng nông thôn mới"; "Nông dân thi đua sản
xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau giảm nghèo bền vững" và cuộc
vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư". Qua
thực hiện phong trào diện mạo nông thôn đã trở nên tươi mới, văn minh,
đường làng, ngõ xóm thông thoáng sạch đẹp, toàn xã đã bê tông, cứng hóa
được 17 km đường trị giá trên 6 tỷ đồng, trong đó hội viên nông dân đóng
góp được 3,2 tỷ đồng cùng hàng ngàn ngày công lao động...
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Hội nông dân các cấp, Nghị quyết Đại hội
Đảng bộ tỉnh Phú Thọ lần thứ XVII, với tinh thần "Đoàn kết - đổi mới -
chủ động- hội nhập - phát triển bền vững", là vai trò trung tâm và nòng
cốt cho phong trào nông dân xây dựng nông thôn mới, nhiều hội viên nông
dân trong tỉnh đã và sẽ trở thành những gương mặt xuất sắc điển hình
trong các phong trào thi đua yêu nước.
Nguồn: baophutho.vn