Cần sự chung tay của chính quyền và nhân dân địa phương

Hệ thống hạ tầng kỹ thuật điện tại các xã khu vực nông thôn được đầu tư nâng cấp, cải tạo theo các quy định tiêu chuẩn kỹ thuật của ngành điện, đáp ứng về tiêu chí điện trong xây dựng nông thôn mới.  - Mạng lưới điện nông thôn xã Đồng Lạc (Yên Lập) mới được đầu tư.
Hệ thống hạ tầng kỹ thuật điện tại các xã khu vực nông thôn được đầu tư nâng cấp, cải tạo theo các quy định tiêu chuẩn kỹ thuật của ngành điện, đáp ứng về tiêu chí điện trong xây dựng nông thôn mới.
- Mạng lưới điện nông thôn xã Đồng Lạc (Yên Lập) mới được đầu tư.

Những năm trước đây, hệ thống lưới điện nông thôn trên địa bàn tỉnh được xây dựng thiếu đồng bộ, chắp vá; mạng lưới điện do các hợp tác xã, tổ dịch vụ quản lý phần lớn đều do nhân dân đóng góp, do nguồn vốn hạn hẹp, cộng với quá trình vận hành, sử dụng, đa số các lưới điện không được sửa chữa nên đã xuống cấp trầm trọng. Chất lượng điện không bảo đảm, điện áp cuối nguồn xuống thấp, tỷ lệ tổn thất điện năng cao, từ 25-30%. Vào những năm đầu khi tỉnh tập trung thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM, Công ty Điện lực Phú Thọ được giao tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn (LĐHANT) để tổ chức bán trực tiếp đến hộ. Trong tổng số 1.925 km lưới điện hạ áp và 156.096 công tơ các chủ tài sản đã chuyển giao cho Công ty điện lực Phú Thọ vào năm 2012 có đến hơn một nửa khối lượng lưới điện và 2/3 số công tơ hư hỏng cần phải được đầu tư sửa chữa, nâng cấp mới giải quyết được những yêu cầu cơ bản về chất lượng điện và an toàn. Đánh giá lúc đầu các tiêu chí về điện của các xã xây dựng NTM, chủ yếu chỉ đạt về số hộ có điện, còn điện áp không đạt, cả tỉnh mới có khoảng hơn một nửa số xã đạt tiêu chí về kỹ thuật. Sau hơn 4 năm triển khai chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, hạ tầng điện được quan tâm đầu tư đồng bộ, các hợp tác xã dịch vụ điện đã chủ động bàn giao lưới điện cho  Công ty Điện lực Phú Thọ quản lý đầu tư vốn cải tạo, sửa chữa, nâng cao chất lượng lưới điện hạ áp nông thôn và bảo đảm khoảng cách an toàn; phát quang hành lang lưới điện, lắp đặt mới công tơ đo đếm điện năng. Từ đó, làm chuyển biến rõ rệt chất lượng dịch vụ cung cấp điện cho các hộ sử dụng ở nông thôn. Đến hết năm 2014, Công ty quản lý lưới điện ở 230 xã, phường, trong số này đã có trên 100 xã đã đạt tiêu chí số 4 về điện. Đặc biệt, tỷ lệ tổn thất điện năng ở nông thôn giảm còn 8-10%, tỷ lệ hộ sử dụng điện thường xuyên đạt 100%; hệ thống hạ tầng kỹ thuật điện tại các xã được đầu tư nâng cấp, cải tạo theo các quy định tiêu chuẩn kỹ thuật của ngành.

Để nhanh chóng đáp ứng tiêu chí về điện trong xây dựng NTM, trước hết là với các xã điểm xây dựng NTM của tỉnh, của huyện. Công ty Điện lực Phú Thọ đã kiểm tra, lập danh mục các xã chưa đạt yêu cầu về điện và đề xuất giải pháp triển khai. Theo đó, bằng nguồn vốn xây dựng cơ bản và sửa chữa do Tổng công ty Điện lực miền Bắc phân bổ hằng năm, Công ty đã đầu tư mỗi năm khoảng 100 tỷ đồng nâng cấp, cải tạo lưới điện và tách hộ, thay mới hàng chục nghìn công tơ để cải thiện chất lượng điện cho hàng chục nghìn hộ dân. Mặt khác, thông qua các dự án lớn do tỉnh và ngành điện đầu tư như: Dự án vay vốn Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), dự án vay vốn Ngân hàng Tái thiết Đức (KFW), vay vốn ADB mở rộng và dự án cải tạo lưới điện trung áp tỉnh. Qua đầu tư tổng lực trong 4 năm, toàn tỉnh đã nâng cấp hàng nghìn ki lô mét đường dây và cấy thêm nhiều trạm biến áp. Trên địa bàn tỉnh hiện nay, nhiều nơi lưới điện đã khang trang, an toàn, đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, mỹ thuật trong xây dựng NTM. Điều thấy rõ là từ khi được cải tạo, sự cố lưới điện và thời gian cắt điện bảo trì, bảo dưỡng giảm nên độ tin cậy cung cấp điện khá tốt.

Mặc dù chất lượng điện ở nông thôn đã được cải thiện đáng kể, nhưng thực tế hiện nay, lưới điện ở một địa phương vẫn do hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp hoặc hợp tác xã dịch vụ điện quản lý. Quá trình khai thác và quản lý điện vẫn gặp nhiều khó khăn, chủ yếu là về nguồn vốn, bởi cơ sở hạ tầng điện ở hầu hết các xã đã xuống cấp. Thêm vào đó, ý thức sử dụng điện của người dân chưa cao, việc quản lý hành lang điện chưa chặt chẽ. Chúng tôi đến xã Hương Nộn, huyện Tam Nông, một trong những xã điểm xây dựng NTM của huyện, đến thời điểm này, xã vẫn chưa hoàn thành tiêu chí điện. Theo lãnh đạo UBND xã cho biết: Trong nhiều năm qua lưới điện của xã vẫn là do HTX Điện quản lý, hệ thống lưới điện được đầu tư chắp vá, không đồng bộ cả về đường dây trung thế và hạ thế. Cơ sở vật chất điện hầu hết do nguồn vốn của HTX và nhân dân địa phương đầu tư xây dựng vào những năm 90 của thế kỷ trước, trong thời gian dài không được cải tạo, nâng cấp nên đã xuống cấp, tỷ lệ tổn thất điện năng trên 30%. Nguồn điện chỉ đủ cung cấp cho nhu cầu sinh hoạt của nhân dân, chưa đủ cho phục vụ phát triển kinh tế. Tuy nhiên từ khi lưới điện bàn giao cho ngành điện quản lý vào cuối năm 2014, toàn bộ hệ thống số công tơ không đạt tiêu chuẩn đã được thay mới và cấy thêm trạm biến áp chất luợng điện đã được cải thiện.

Ðể thúc đẩy xây dựng NTM, việc đẩy nhanh quá trình tiếp nhận LÐHANT vẫn là một phần rất quan trọng. Hiện nay trên địa bàn tỉnh vẫn còn trên 40 xã và một phần thị trấn Yên Lập, trong đó có những xã điểm xây dựng NTM, lưới điện vẫn do các HTX điện năng quản lý, với khoảng 32.227 khách hàng và 308,37 km đường dây hạ áp chưa bàn giao về cho ngành điện để bán lẻ  trực tiếp đến hộ. Nguyên nhân do các tổ chức điện nông thôn địa phương đang hưởng lợi từ cơ chế giá điện (ngành điện lỗ, mà hộ dân nông thôn cũng không được hưởng trợ giá của Chính phủ) cho nên chưa bàn giao. Một vài địa phương vẫn cho rằng các tổ chức này đang hoạt động ổn định, mang lại lợi nhuận. Một số HTX kinh doanh điện nông thôn, Công ty cổ phần... đang kinh doanh có lãi (thụ hưởng chênh lệch giá điện) không chịu bàn giao lưới điện, mặc dù đã có chủ trương của lãnh đạo tỉnh, huyện. Ðó là những lý do cản trở quá trình tiếp nhận LÐHANT cũng như quá trình xây dựng NTM. Theo đánh giá của ngành điện, đa số người dân tại các địa phương này đồng tình với chủ trương của Chính phủ về việc bàn giao lưới điện hạ áp cho ngành điện quản lý và mong muốn được mua điện trực tiếp từ ngành điện. Cùng với sự đầu tư của ngành điện thì cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để các tầng lớp nhân dân, các cấp, các ngành hiểu rõ, nhận thức đúng về mục đích, ý nghĩa của tiêu chí điện trong chương trình xây dựng NTM... từ đó huy động được sức mạnh của toàn hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân, các tổ chức kinh tế, chính trị - xã hội cùng tham gia xây dựng NTM.


Nguồn: baophutho.vn

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất

Liên kết website