Gia Thanh tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng

Gia đình bà Hán Thị Luyện ở khu 2, xã Gia Thanh mỗi năm thu về trên 30 triệu đồng từ 20 gốc hồng không hạt

 

Nằm ở vùng đất giữa huyện Phù Ninh, Gia Thanh là xã còn nghèo với 100% hộ làm nông nghiệp, trong khi đó mỗi khẩu chỉ có hơn 10 thước ruộng đồng chiêm trũng “chưa nắng đã khô, vừa mưa đã úng”. Xác định việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng đúng hướng sẽ tạo bước đột phá về phát triển kinh tế, từ đó nâng cao thu nhập cho nhân dân, Đảng bộ, chính quyền xã đã chủ động đề ra các giải pháp để thực hiện trong đó chú trọng áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; huy động các nguồn lực trong nhân dân để xây dựng các công trình giao thông thủy lợi phục vụ cho sản xuất. Đặc biệt, xã đã kịp thời tuyên truyền động viên nhân dân trong xã phá bỏ những cây ăn quả lâu năm kém năng suất, cải tạo vườn tạp để xây dựng các mô hình cây ăn quả có giá trị cao. Trong đó, mô hình trồng cây hồng không hạt, trồng bưởi đã khai thác hiệu quả diện tích đất vườn đồi tại địa phương, góp phần nâng cao thu nhập, mở ra hướng đi mới cho sản xuất nông nghiệp của xã. Tính đến nay, diện tích trồng cây ăn quả của xã có khoảng 80ha, trong đó diện tích hồng không hạt là trên 50ha.

 

Năm 2005, xã được thụ hưởng dự án trồng thâm canh giống hồng Gia Thanh trên đất đồi sau khai thác cây bạch đàn với diện tích 30ha và đã trồng được 1.200 cây. Đến nay, diện tích hồng trồng theo chương trình của dự án sinh trưởng, phát triển tốt. Theo chương trình dự án, người dân được tập huấn kỹ thuật trong chăm sóc, trị bệnh thường gặp cho hồng, cách bảo quản hồng sau thu hoạch và cách chiết ghép, nhân giống hồng. Nhờ vậy, qua dự án đã nâng cao trình độ hiểu biết và năng lực áp dụng khoa học công nghệ của người dân trong canh tác cây hồng. Ở xã Gia Thanh, từ trồng cây hồng mang tính tự phát, nhỏ lẻ, đến nay diện tích cây hồng trong 10 năm trở lại đây liên tục được mở rộng. Số hộ gia đình có diện tích trồng hồng từ 0,5ha đến 1ha không phải là hiếm. Đặc biệt, người dân đã có thể tự nhân giống hồng bằng phương pháp giâm hom rễ cho cây giống tốt, tỷ lệ cây sống cao. Những cây giống giâm hom sau một năm có thể bán với giá trung bình 70.000 đồng/cây.

 

Hồng không hạt Gia Thanh là giống hồng đặc sản, có 4 cạnh hình vuông, quả dài, khi ăn giòn, vị ngọt đậm. Nếu cắt ngang có hình ngôi sao màu vàng. Loại hồng này, xưa kia được đem cung tiến các Vua Hùng và ngày nay đã trở thành món quả đặc sản nổi tiếng khắp miền Bắc và có mặt trong mâm ngũ quả Tết Trung thu của nhiều gia đình. Bình quân mỗi cây hồng trưởng thành cho sản lượng 1,5 tạ đến 2 tạ quả mỗi năm, với giá thành bình quân 20.000 đồng/kg thì mỗi cây cho khoảng 3 đến 4 triệu đồng. Như cách nói của người dân nơi đây “mỗi cây hồng bằng hai tạ lúa”, vì vậy với một xã nghèo thu nhập đầu người vẫn ở mức dưới 15 triệu đồng/người/năm thì phát triển hồng không hạt là một hướng đi nhiều triển vọng. 

 

Gia đình ông Trương Công Báo – Trưởng khu 2 trước kia chỉ trồng cọ, bạch đàn và các loại cây lương thực ngắn ngày nhưng hiệu quả kinh tế không cao, khi dự án phát triển cây hồng được triển khai, ông đã đăng ký tham gia và được hỗ trợ giống, kỹ thuật. Ông Báo cho biết: Nhờ các chủ trương, chính sách kịp thời của các cấp chính quyền, gia đình tôi đã mạnh dạn phá bỏ những cây trồng cũ, đầu tư trồng 100 gốc hồng đến nay đã bắt đầu cho thu hoạch. Bình quân mỗi cây đậu khoảng 1000 quả, cho thu nhập trên 1 triệu đồng/cây. Ngoài diện tích hồng trồng theo dự án, gia đình tôi còn trồng thêm bưởi Diễn và trồng xen canh cây lương thực ngắn này để tăng thêm nguồn thu ổn định cho gia đình”.

 

Ông Hán Xuân Đang – Chủ tịch UBND xã Gia Thanh cho biết: “Chuyển đổi giống cây trồng trên địa bàn xã trong nhiều năm qua đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Bên cạnh cây hồng, chính quyền địa phương cũng đang khuyến khích người dân mở rộng diện tích trồng bưởi. Các giống bưởi được đưa vào trồng phổ biến ở xã là bưởi Đoan Hùng, bưởi Diễn. Hiện diện tích bưởi trong xã ước khoảng 10ha. Bà con trong xã cũng đã chủ động nguồn kinh phí chuyển đổi những vùng đất kém hiệu quả sang trồng các loại cây mang lại năng suất cao. Cùng với đó, xã quan tâm chuyển giao khoa học kỹ thuật sản xuất cho người dân để chủ trương này thực sự mang lại hiệu quả. Tuy vậy, công tác chuyển đổi giống cây trồng vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn khi quy mô chuyển đổi vẫn chỉ ở mức nhỏ và manh mún chưa thực sự bền vững, chủ yếu chạy theo giá thị trường”.

 

Có thể nói, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp đã tạo điều kiện để người nông dân Gia Thanh từng bước thoát nghèo bền vững. Trong xã xuất hiện nhiều hộ gia đình phát triển kinh tế cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Có điều kiện kinh tế, các gia đình tập trung đầu tư cho con em học hành, xây dựng nhà cửa, ủng hộ khu dân cư, xã trong việc làm đường giao thông nông thôn, xây dựng nhà văn hoá... góp phần đảm bảo an sinh xã hội, an ninh trật tự được giữ vững, tạo nền tảng vững chắc để Gia Thanh tiếp tục triển khai xây dựng nông thôn mới hiệu quả.

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất

Liên kết website