Phát huy giá trị cây ăn quả

Để khai thác tiềm năng đất đồi trung du, nhiều hộ dân ở huyện Phù Ninh đã đưa bưởi diễn vào trồng.
Để khai thác tiềm năng đất đồi trung du, nhiều hộ dân ở huyện Phù Ninh đã đưa bưởi diễn vào trồng.

- Xã tôi chỉ có gần chục ha ruộng cao hạn ven QL32 giao thầu khoán, cho các hộ trồng đu đủ, táo... nhưng giá trị thu về hàng năm tính ra đạt tiền tỷ. Quanh năm đều đặn mùa nào thức nấy. Một ha thuộc diện thùng đào, thùng đấu, cấy lúa kém hiệu quả có thu cao gấp mấy lần chân đẳng điền cấy lúa nhờ trồng cây ăn quả.

        Là vùng đất trung du, miền núi có ba vùng sản xuất, điều kiện tự nhiên của tỉnh ta thích hợp cho phép trồng nhiều loại cây ăn quả như chuối, dứa, mít, nhãn, vải, bưởi, cam, quýt, hồng, dưa… Từ lâu chất lượng một số loại quả như bưởi, xoài Đoan Hùng, hồng không hạt Việt Trì, Phù Ninh, dứa Tam Nông, chuối phấn vàng ở Thanh Sơn… đã trở thành đặc sản được ưa chuộng. Có điều các loại cây ăn quả phát triển thành hàng hóa không nhiều. Nguyên nhân do điều kiện kinh tế khó khăn, một thời gian dài đất đai ưu tiên sản xuất cây lương thực, cây công nghiệp, lâm nghiệp…, một số nơi do đô thị hóa diện tích trồng cây ăn quả bị thu hẹp; việc đầu tư KHKT hạn chế, cây ăn quả thoái hóa, chất lượng xút giảm, năng suất thấp, sản lượng không nhiều khó định hình thành vùng hàng hóa. Những yếu tố trên cộng với hạn chế khả năng thu hút đầu tư sản xuất, chế biến khó định hình thành vùng chuyên canh sản xuất cây ăn quả, hầu hết phát triển manh mún, tự phát. Phải gần đây tỉnh có chủ trương đầu tư xây dựng cây bưởi đặc sản Đoan Hùng, hồng không hạt Việt Trì, Gia Thanh (Phù Ninh)… cây ăn quả mới định dạng, khởi sắc.

       Theo số liệu tổng hợp từ các địa phương, đến hết năm 2014, cả tỉnh có khoảng trên dưới 2.500-3.000ha cây ăn quả gồm bưởi 1.500ha, hồng 120ha, chuối trên 1.000ha, còn lại là táo, vải, xoài… trồng phân tán. Bưởi là cây ăn quả phát triển khá hơn cả, hiện nay cả tỉnh có 934ha bưởi đặc sản Đoan Hùng, 370ha bưởi diễn và gần 100ha bưởi khác. Năm 2014 cây bưởi đặc sản đã cho thu hoạch trên 8 ngàn tấn quả, đạt giá trị 120 tỷ đồng, tập trung chủ yếu ở huyện Đoan Hùng. Cây bưởi diễn trồng ở nhiều địa phương, cho thu hoạch khoảng 3,5 ngàn tấn quả, giá trị 52 tỷ đồng. Cây hồng không hạt có 114ha, chủ yếu ở Phù Ninh gần 80ha, Việt Trì 4ha… sản lượng quả ước đạt trên 730 tấn, giá trị 14 tỷ đồng. Còn lại là chuối tiêu, trồng nhiều ở Lâm Thao khoảng 600ha, chuối phấn trồng rải rác ở các xã ven sông, khu vực Thanh Sơn, Tân Sơn… Năm qua giá trị cây ăn quả thu về ước đạt trên 300 tỷ đồng. Tuy tổng giá trị còn khiêm tốn, song cây ăn quả đã góp phần làm thay đổi cuộc sống ở một số vùng thuộc Đoan Hùng, Phù Ninh, Lâm Thao, Thanh Sơn… Ngoài cây bưởi đặc sản, bưởi diễn, hồng không hạt được đầu tư phát triển, gần đây cây chuối tiêu, chuối phấn tiếp tục được quan tâm xây dựng thành vùng hàng hóa. Một số kỹ thuật trồng, chăm sóc nâng cao năng suất, bảo quản sản phẩm… được quan tâm để nâng cao giá trị. Ở huyện Lâm Thao nhiều hộ dân ở Bản Nguyên, Cao Xá đã lựa chọn cách trồng chuối tiêu, cho thu hoạch đồng loạt bán vào dịp Tết Nguyên đán; sản xuất có hợp đồng bao tiêu sản phẩm.

       Tuy đã thu được một số kết quả, song tính manh mún của cây ăn quả vẫn phổ biến. Trừ cây bưởi, cây chuối là thành sản phẩm khối lượng lớn, có một số hộ hợp đồng bao tiêu còn lại hầu hết cây trồng tự sản xuất, tự tiêu thụ. Vào mùa thu hoạch tại những vùng trồng táo, trồng đu đủ… người sản xuất bày bán dọc đường đi, giá cả tùy thời điểm, tuy khá hơn trồng lúa, ngô, rau nhưng rất mất công, khó tránh khỏi tình trạng “được mùa, mất giá”. Và càng khó hơn mở rộng quy mô sản xuất. Một hộ có vài sào trồng táo, cả xã vài ha thì bán được, nhiều hơn chưa biết tiêu thụ ra sao. Với cây cam, quýt, vải, xoài… đều chung tình trạng “ăn thừa, bán thiếu”.  Cây đu đủ dễ trồng cho thu nhập khá tại xã Thượng Nông, ông Bí thư Đảng ủy xã cho biết: Quy mô, địa điểm trồng giới hạn ở các hộ ven đường thì được, nếu mở rộng ra rất khó tiêu thụ, càng xa vời hơn cơ sở chế biến, bảo quản lâu dài để phát huy giá trị cây ăn quả.

       Để phát huy giá trị cây ăn quả, thời gian qua tỉnh đã có chính sách khuyến khích phát triển trồng bưởi đặc sản Đoan Hùng, bưởi diễn, hồng không hạt. Một số huyện như Thanh Sơn, Tân Sơn có dự án trồng chuối phấn vàng, các cây ăn quả táo, đu đủ, xoài, cam, quýt, vải, nhãn... phát triển quy mô nhỏ ở một số xã, số hộ có điều kiện. Ngoài cây bưởi và chuối sản phẩm dễ bảo quản, tiêu thụ, giá  ổn định được trồng quy mô lớn, các cây ăn quả khác hầu hết hiện nay đều trồng quy mô nhỏ, lẻ. Ngay như cây hồng không hạt phát triển ở TP Việt Trì, huyện Phù Ninh cũng giới hạn ở một số xã, khó mở rộng. Nguyên nhân do đất đai hạn chế, khả năng làm chủ kỹ thuật chưa cao, làm cho giá trị hiệu quả cây hồng thấp. Do vậy cần sớm quy hoạch để phát triển, trên cơ sở khả năng đất đai, kinh nghiệm, mỗi địa phương cần xác định quỹ đất khoanh vùng để phát triển cây ăn quả. Với các cây trồng quy mô lớn, địa phương cần có chính sách khuyến khích phát triển, đầu tư kỹ thuật để nâng cao chất lượng quả, năng suất cây trồng. Một vấn đề nữa là thị trường tiêu thụ. Hiện nay một số hộ trồng chuối tiêu, trồng bưởi ở Đoan Hùng có hợp đồng sản xuất với bao tiêu sản phẩm, song số ấy rất khiêm tốn, chủ yếu để người trồng tự tiêu thụ. Đây là việc rất khó do vậy để phát huy giá trị cây ăn quả vấn đề đặt ra về lâu dài là cần đẩy mạnh xúc tiến, tìm kiếm thị trường, doanh nghiệp đầu tư cơ sở chế biến. Triển khai đồng bộ các biện pháp mới hy vọng mở rộng diện tích, phát triển cây ăn quả thành thế mạnh.

Nguồn: baophutho.vn

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất

Liên kết website