Hội nông dân Yên Lập giúp hội viên vượt khó, làm giàu

Mô hình trồng cây ăn quả tại xã Đồng Thịnh.
Mô hình trồng cây ăn quả tại xã Đồng Thịnh.

       Gia đình chị Đinh Thị Ngọ (SN 1978) ở xóm Vông 2, xã Phúc Khánh là một trong những hội viên nông dân được nhiều người biết đến trong phong trào “hộ nghèo vượt khó”. Trước đây gia đình chị là một trong những hộ đặc biệt khó khăn của xã Phúc Khánh. Năm 2010, gia đình chị được Ngân hàng CSXH huyện Yên Lập cho vay 25 triệu đồng, Hội Nông dân xã cho vay 5 triệu đồng. Dưới sự giám sát và hướng dẫn sử dụng vốn vay của Hội Nông dân, gia đình chị đã mua 2 bò nái sinh sản, đồng thời nhận làm thuê thêm 6 sào ruộng của các hộ gia đình khác để trồng lúa và trồng cỏ phát triển chăn nuôi. Từ 2 con bò ban đầu, đến năm 2014, đàn bò của gia đình chị đã tăng lên 7 con. Đến kỳ hạn trả nợ Ngân hàng, gia đình chị bán 2 con bò được 35 triệu đồng, trả nợ Ngân hàng và Quỹ của Hội Nông dân. Số tiền còn lại tiếp tục đầu tư phát triển sản xuất và trồng cỏ nuôi bò. Hiện nay, gia đình chị Ngọ có 5 con bò đang sinh trưởng tốt, trong đó có 3 con đang mang thai, dự kiến đến cuối năm 2015 gia đình chị sẽ có 8 con bò. Bên cạnh việc chăn nuôi bò sinh sản và sản xuất nông nghiệp gia đình chị cũng tích cực cải tạo vườn tạp chuyển đổi giống cây trồng. Năm 2012 với 0,5ha diện tích vườn tạp, gia đình chị đăng ký cải tạo sang trồng chè cành thay thế. Được sự hỗ trợ của tổ khuyến nông xã và Hội Nông dân xã mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, đồi chè nhà chị sinh trưởng tốt và đã cho thu hoạch. Trong đó riêng năm 2014, số tiền bán chè được 25 triệu đồng, trừ chi phí còn dư 14 triệu đồng lo cho các con ăn học.

       Cũng thực hiện ước mơ làm giàu tại quê hương, gia đình chị Nguyễn Thị Viết (SN 1978) thuộc chi hội nông dân xóm Mơ, thị trấn Yên Lập lại chọn mô hình kinh tế tổng hợp từ cấy lúa, trồng ngô, rau xanh kết hợp xây dựng trang trại nuôi trâu, lợn nái, lợn thịt và gà thịt. Từ 10 triệu đồng vốn vay Ngân hàng CSXH huyện, qua tìm hiểu thực tế các mô hình kinh tế và được tham dự các lớp tập huấn chuyển giao KHKT của Hội Nông dân, cộng với sự cần cù, chịu khó, mỗi năm gia đình chị sản xuất hơn 3 tấn lúa, ngô, xuất 10-15 tấn lợn thịt, hơn 2 tạ gà, vịt… Với việc duy trì phát triển mô hình kinh tế tổng hợp này, mỗi năm gia đình chị Viết thu về hơn 100 triệu đồng.

       Tận dụng đất đai, vốn, lao động của gia đình và lao động nông nhàn tại địa phương, ông Vũ Đình Bình - hội viên Hội Nông dân xã Hưng Long đã nỗ lực vượt khó biến diện tích đất gò đồi bạc màu của gia đình thành trang trại chăn nuôi lợn siêu nạc điển hình của địa phương. Bắt đầu khởi nghiệp, do thiếu vốn, kỹ thuật, việc phát triển mô hình trang trại của gia đình ông Bình gặp rất nhiều khó khăn. Được sự hỗ trợ của Hội Nông dân huyện, sau nhiều năm vừa làm vừa rút kinh nghiệm, hiện tại trang trại chăn nuôi lợn siêu nạc của gia đình ông Bình phát triển ổn định, mỗi năm xuất ra thị trường từ 1.000 đến 1.100 con lợn, trừ chi phí sản xuất thu lãi từ 500-700 triệu đồng, giải quyết việc làm cho 6-7 lao động tại địa phương.

       Trên đây chỉ là ba trong số những hộ nông dân SX-KD giỏi trên địa bàn huyện Yên Lập. Thực tế cho thấy, phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói, giảm nghèo và làm giàu chính đáng đã mang lại hiệu quả thiết thực. Ở các xã ngày càng có nhiều hộ có quy mô sản xuất lớn, có vốn kinh doanh lên tới vài trăm triệu đồng, thu hút hàng chục lao động thường xuyên. So với giai đoạn 2006-2010, số hộ có mức thu nhập từ 150 triệu đồng/năm đến trên 200 triệu đồng/năm tăng gấp 2 lần, trong đó có nhiều hộ cho thu nhập trên 500 triệu đồng/năm. Điển hình là ở các xã: Xuân Viên, Xuân Thủy, thị trấn Yên Lập, Đồng Thịnh, Minh Hòa… Đáng chú ý, với mục tiêu mỗi chi hội hàng năm có kế hoạch giúp đỡ ít nhất 1 hội viên nông dân thoát nghèo, 5 năm qua, toàn huyện đã có 872 lượt hộ nông dân thoát nghèo bền vững, từ đó tạo sức thu hút và sự gắn bó ngày càng chặt chẽ hơn giữa tổ chức Hội với hội viên, nông dân, góp phần xây dựng, củng cố tổ chức Hội ngày càng vững mạnh.

       Để các mô hình kinh tế xuất hiện ngày càng nhiều, mang lại hiệu quả và thu nhập đáng kể cho nông dân, trong thời gian qua, các cấp hội nông dân trên địa bàn huyện Yên Lập đã vận động nông dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa những giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng vào SX-KD, áp dụng các tiến bộ KH-KT vào sản xuất, tạo động lực thúc đẩy cho các hộ nông dân nhất là nông dân nghèo vươn lên xóa nghèo và làm giàu chính đáng. Hội đã phối hợp với Trạm Khuyến nông, Trạm Bảo vệ thực vật huyện... hàng năm mở các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, thú y, nuôi trồng thủy sản cho hàng ngàn lượt hội viên nông dân. Ngoài ra, để giúp đỡ hội viên về nguồn vốn, các cấp hội đã thực hiện tốt vai trò ủy thác với Ngân hàng CSXH huyện giải quyết cho 3.401 lượt hội viên vay trên 74,7 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Hội còn phối hợp với Công ty CP Supe Phốt phát và hóa chất Lâm Thao tổ chức 48 lớp tập huấn hướng dẫn cách nhận biết, sử dụng phân bón cho 2.540 hội viên, nông dân; thực hiện 30 mô hình trình diễn sử dụng phân bón NPK khép kín trên cây trồng, cung ứng gần 1.900 tấn phân bón trả chậm cho trên 8.500 hội viên nông dân... Cùng với nỗ lực góp phần đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, mở rộng ngành nghề... các cấp hội còn vận động các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, cán bộ, hội viên nông dân đóng góp xây dựng Quỹ hỗ trợ nông dân huyện và hỗ trợ nông dân thực hiện mô hình sản xuất. Đến hết quý I/2015, Quỹ hỗ trợ nông dân Yên Lập đạt 826 triệu đồng, trong đó có 600 triệu đồng ngân sách tỉnh giúp 47 lượt hộ vay để sản xuất kinh doanh… Nhờ có vốn và khoa học kỹ thuật, nhiều hội viên nông dân huyện Yên Lập đã hăng hái thi đua LĐSX, xây dựng những mô hình kinh tế cho hiệu quả cao, trong đó có nhiều mô hình kinh tế mới như: Nuôi hươu lấy nhung, nuôi nhím ở Minh Hòa, nuôi lợn rừng ở Xuân An, Hưng Long, Ngọc Lập, Trung Sơn, Đồng Thịnh, thị trấn Yên Lập… trồng nấm ở Xuân An, trồng cây cảnh ở thị trấn Yên Lập, chế biến tinh dầu quế ở xã Thượng Long, trồng bưởi Diễn ở xã Phúc Khánh, Đồng Thịnh..., nuôi lợn siêu nạc, gà an toàn sinh học, rau hữu cơ... Đây là những minh chứng về kết quả hoạt động của Hội Nông dân Yên Lập trong vai trò cầu nối giúp nông dân vượt khó, làm giàu.


Nguồn: baophutho.vn

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất

Liên kết website