Tay không ngừng rút từng chiếc vỏ chai hứng nhựa vét sơn vào
chiếc thâu nhỏ, chị Liên ở khu 9 xã Thọ Văn, huyện Tam Nông giãi bày:
Miền núi quê em tất cả nguồn thu trông vào cây sơn, cái ăn, cái mặc rồi
chuyện học hành của các cháu tất cả nhờ cây sơn, nhà nào có nhiều sơn
thì kinh tế khấm khá. Có điều bây giờ đất bạc mầu, sơn cho ít nhựa lại
nhanh tàng, giá bán nhựa cũng phập phù nên làm sơn ngày càng kém.
|
Là loại cây công nghiệp lấy nhựa, được
người Pháp phát triển trồng, thu mua nhựa từ những năm đầu thế kỷ XX,
cây sơn ta thích ứng nhiều vùng thổ nhưỡng ở miền núi phía Bắc, bén
duyên hơn cả là khu vực huyện Tam Nông. Các cụ cao niên kể lại: Khi lớn
lên đã thấy trong nhà các chị, các bầm đi làm sơn, vào những năm trước
Cách mạng tháng Tám, vùng này đã hình thành những đồn điền của người
giàu có chuyên trồng sơn. Thuở ấy công nghiệp sản xuất keo, sơn chưa
phát triển như bây giờ nên nhựa sơn trở thành nguyên liệu chính trong
sơn, gắn kết các sản phẩm, được người Pháp, người Nhật tổ chức trồng,
thu mua nhựa đưa về chính quốc. Do có độ gắn kết cao, nhựa sơn trở thành
chất keo chủ đạo trong sản xuất đồ mộc, đồ thủ công mỹ nghệ, pha chế
thành sơn công nghiệp. Cây sơn có hai loại là sơn ngái (sơn trắng) cho
nhiều nhựa hơn, nhưng chất lượng kém hơn sơn giềng (sơn đỏ). Trồng sơn
không khó, hầu như đất đồi không ngập nước là trồng được sơn, thời vụ
tốt nhất từ mùa xuân đến mùa thu (tháng 2 đến tháng 10). Cây sơn có thể
trồng trực tiếp bằng hạt, hoặc bằng cây gieo trong vườn ươm. Vào cuối
năm quả sơn chín già có màu trắng đục, hái về phơi khô, giã trầy hết lớp
cùi, lấy hạt đem ươm trồng. Ngày trước chủ yếu gieo thẳng 5-7 hạt vào
một hốc, khi cây mọc lên tỉa dần, để lại mỗi hốc một cây, bây giờ ươm
vào bầu như sản xuất cây lâm nghiệp, khi cây giống mọc được 15-20cm,
chọn vụ xuân, vụ thu đưa ra nương trồng. Khi trồng tùy theo chất lượng
đất mà để khoảng cách, đất mầu mỡ trồng thưa cây cách cây 2m, trên dưới
100 cây/sào, đất xấu 1,5m 120-150 cây/sào. Năm đầu khi cây chưa khép
tán có thể trồng xen sắn, lạc, đỗ, đậu, lúa nương, làm cỏ, bón phân sau
2-3 năm đưa vào khai thác. Cần lưu ý khi bón chủ yếu sử dụng phân hữu
cơ, hạn chế bón phân vô cơ, nếu bón phân đạm quá mức cây sơn có thể bị
chết xanh (cây lên xanh tốt nhưng chích không có nhựa). Trồng sơn không
khó, khó nhất là khâu chích nhựa. Dùng dao chuyên dụng, có gáy dày, to
để làm điểm tựa chích vào cây, cắt bốn lát vát hình chữ V, bên dưới dùng
vỏ chai hứng nhựa. Có điều cần lưu ý khi cắt miếng cắt mới phải mỏng,
độ dày chỉ 1-2mm, nghiêng lưỡi dao lên trên 10-15o để vết cắt dốc vào
(úp mặt) nhựa tứa ra chảy vào trong cây, dồn xuống góc chữ V vào vỏ chai
không chảy tràn ra ngoài, còn khi không nghiêng (ngửa mặt), nhựa theo
cây chảy tràn ra ngoài, người ta gọi là “đi chợ”, làm giảm năng suất.
Một điều nữa là nhựa sơn gây dị ứng, người không quen thường bị sơn ăn
(lở sơn). Các cụ xưa vẫn có câu thành ngữ “Sơn ăn tùy mặt, ma bắt tùy
người” là vậy, nên nhiều nơi trồng sơn mà không thu hoạch được, phải bán
non, hoặc thuê người đến cắt. Trừ những ngày trời mưa, trời rét nhiệt
độ xuống dưới 15oC, cứ cách 3-4 ngày cắt một lần, thời điểm cắt sơn chủ
yếu về đêm để tránh ánh nắng mặt trời, làm khô nhựa, nên mùa hè thường
cắt từ 2-3 giờ, thu nhựa trước 8-9 giờ; mùa xuân, mùa thu có thể cắt
muộn hơn nhưng cũng phải thu xong trước 10-11 giờ, kéo dài nhựa khô,
đóng cứng lại vừa ít nhựa vừa khó thu. Do đó mỗi cữ sơn, năm đầu một
người có thể cắt được 300-400 cây, từ năm sau khi mở mặt cội tăng vỏ
chai lên gấp hai, gấp ba lượng cây giảm xuống chỉ còn bằng 60-70%, nên
khi trồng phải cân đối với khả năng thu hoạch. Trung bình một người quản
lý, thu hoạch trên dưới 1.000 cây sơn là vừa.
Sơn trồng trên đất tốt, đạt đường kính gốc 12-25cm, cao 3-4m, thời gian
khai thác có thể đạt 5-6 năm, một cây khi chích mùa thuận lợi có thể cho
10-20 gam, 100 cây đạt 1-1,2 kg nhựa. Bây giờ đất bạc màu cây sơn
trưởng thành đường kính chỉ còn 7-8cm, cây cao 2-3m, thời gian khai thác
rút ngắn lại chỉ được 3-4 năm năng suất thấp, 250-300 cây thời điểm
nhiều nhựa mới thu được 1-1,2 kg/lần cắt, lúc kém chỉ đạt 0,5-0,7 kg.
Bình quân một ha trồng sơn một năm nơi đất tốt đạt 350-400 kg, kém
250-300 kg nhựa. Nhựa sơn thu hoạch xong có thể bán ngay, hoặc đậy kín
bảo quản nhiều năm vẫn sử dụng tốt. Tuy năng suất ngày càng hạn chế,
nhưng với giá bán như những năm qua 150-250 ngàn đồng/kg, một ha trồng
sơn vẫn cho thu nhập 4-6 trăm triệu đồng, chi phí vật tư không đáng kể,
thời gian kiến thiết cơ bản ngắn với địa bàn miền núi đây là cây dễ
trồng cho thu nhập khá.
Thấy rõ giá trị của cây sơn, những năm qua, nhiều huyện đã đưa sơn lấy
nhựa vào trồng, cả tỉnh hiện có khoảng 1.200ha sơn, chủ yếu ở các xã
miền núi. Tập trung nhiều nhất ở huyện Tam Nông, diện tích lên tới gần
600ha, trong đó có khoảng 450ha cho khai thác; kế đến là huyện Thanh Sơn
trên 300ha, huyện Tân Sơn 160ha, rồi đến Phù Ninh, Cẩm Khê, Thanh Thủy
mỗi huyện vài chục ha… Ông Chủ tịch UBND xã Hương Cần, huyện Thanh Sơn
cho biết: Do thấy được giá trị cây sơn, cách đây gần chục năm một số hộ
trong xã đưa về trồng, lúc đầu còn thuê cắt nhựa bây giờ học hỏi nhau tự
làm được cả, xã có vài chục ha mỗi năm thu về khoảng vài tỷ đồng từ
nguồn nhựa sơn. Ở huyện Thanh Sơn lúc đầu cây sơn chỉ có ở Thạch Khoán,
Sơn Hùng… dần dần học hỏi truyền nghề, bây giờ đã phát triển ra nhiều
xã như Địch Quả, Võ Miếu, Văn Miếu, Thục Luyện, Hương Cần… Có xã như Yến
Mao, huyện Thanh Thủy, xã còn hỗ trợ tiền mua cây giống, mời người về
hướng dẫn kỹ thuật trồng, khai thác, bây giờ diện tích sơn đã có hơn
chục ha, vài chục hộ tham gia trồng sơn. Đặc biệt huyện Tam Nông đã có
chương trình phát triển cây sơn, xây dựng được cấp chứng chỉ chỉ dẫn địa
lý về nhựa sơn Tam Nông.
Tuy phát triển rộng khắp nhưng do trình độ khai thác nhựa hạn chế nên
nhiều xã ở Tân Sơn, Thanh Sơn người dân trồng rồi thuê người cắt, bán
non, còn những vùng trồng sơn thành thục như Tam Nông thì lại hạn chế về
đất trồng. Diện tích đất đồi đã ít, lại bị bạc mầu nên trồng sơn năng
suất thấp, chu kỳ khai thác ngắn. Một vấn đề nữa là khâu tiêu thụ sản
phẩm nhựa sơn. Mặc dù phát triển rộng khắp nhưng đến giờ nhựa sơn vẫn
tiêu thụ theo lối mua bán tự do, để xuất khẩu tiểu ngạch nên giá cả rất
phập phù, phụ thuộc. Có thời điểm giá nhựa sơn lên tới trên 300 ngàn
đồng kg còn phổ biến từ 200-250 ngàn đồng, nhưng bây giờ xuống thấp giá
chỉ còn 120-150 ngàn đồng, chủ yếu do tư thương mua bán, xuất khẩu tiểu
ngạch, một phần dùng nội tiêu sản xuất đồ mộc, sơn mài, sơn gỗ. Tuy diện
tích chưa nhiều, song cây sơn cho giá trị khá, dễ phát triển, có điều
tới đây cần quy hoạch phát triển, đầu tư nghiên cứu bổ sung quy trình
chăm sóc, tăng năng suất, hạn chế sơn bị bệnh chết xanh; có cơ chế tiêu
thụ sản phẩm, hạn chế tình trạng để tự do trôi nổi như hiện nay giá bán
không ổn định, tác động không tốt đến sự yên tâm đầu tư, mở rộng diện
tích.
Nguồn : baophutho.vn