Việt Nam đang bỏ qua tiền tỷ (phát triển giống rau, hoa) để “chăm chăm” vào lượm bạc cắc là phát triển giống lúa
Giống rau củ phải nhập 90%, lúa lai nhập 70%, các giống ngô, đậu, cà phê,
cao su, hồ tiêu… cũng phải nhập rất nhiều. Đó là thực trạng của ngành sản xuất
nông nghiệp của Việt Nam hiện nay, khi ngay khâu “nhất giống” đã không chủ động được.
Nhiều nhưng không mạnh
Có một con số thống kê đáng buồn, đó là dù mỗi năm nước ta sản xuất ra
tới 45-47 triệu tấn lúa (trong đó xuất khẩu tới 7-8 triệu tấn gạo, tương
đương 14-15 triệu tấn lúa), nhưng cho đến nay chưa có một trung tâm
nghiên cứu lúa nào của Nhà nước đáp ứng được nhu cầu sản xuất hiện đại.
Hầu như 63 tỉnh, thành của nước ta, tỉnh nào cũng có một trung tâm
nghiên cứu giống lúa của Nhà nước, cùng hàng ngàn doanh nghiệp tư nhân,
hợp tác xã và cá nhân nông dân trên khắp vùng miền cả nước tham gia sản
xuất lúa giống.
Có một đội ngũ hùng hậu như thế, đáng lẽ gạo Việt Nam phải vang danh
khắp thế giới. Thế nhưng qua 20 năm xuất khẩu gạo, Việt Nam vẫn cứ mãi ì
ạch ở phân khúc gạo cấp thấp, chất lượng kém, không có thương hiệu, giá
trị hạt gạo làm ra thấp, nông dân vẫn nghèo khó.
Thực trạng trên được TS Nguyễn Công Thành - Viện KHKT nông nghiệp Miền
Nam phân tích: Trước hết do Việt Nam chưa xuất khẩu được nhiều những
giống có chất lượng gạo thơm ngon nổi tiếng trong nước. Gạo trắng chúng
ta cũng chưa xây dựng được thương hiệu cho từng giống như các nước Thái
Lan, Ấn Độ, Pakistan đã có.
“Chúng ta chỉ có thương hiệu chung là gạo trắng, hạt dài bao nhiêu phần
trăm tấm cho cả gạo thơm và gạo trắng thường. Vì vậy, gạo chất lượng kém
do lẫn tạp nhiều giống khác nhau. Chất lượng gạo kém, giá trị xuất khẩu
thấp, dẫn đến kim ngạch xuất khẩu cũng thấp và chắc chắn thu nhập của
những đối tượng tham gia đều thấp, nhất là người nông dân” – TS Thành
nói.
Chất lượng hạt gạo kém cũng một phần bởi chất lượng lúa giống kém chất
lượng. Theo báo cáo của Cục Trồng trọt, Bộ NNPTNT, hiện các tỉnh ĐBSCL
(chiếm hơn 90% diện tích sản xuất lúa của cả nước) có gần 1.500 CLB, tổ
hợp tác, nông hộ sản xuất lúa giống, nhưng do công tác quản lý còn yếu
kém, thậm chí “thả nổi” nên chất lượng giống các đơn vị này làm ra không
ai kiểm soát. Hệ quả là hiện có hơn 80% giống lúa sản xuất hàng năm ở
Việt Nam không đạt tiêu chuẩn xác nhận, làm ảnh hưởng đến năng suất và
chất lượng hạt lúa.
Một vấn đề tồn tại trong nghiên cứu lúa giống nữa là nhiều trung tâm gọi
là “nghiên cứu” cho oai, thực chất chỉ là nơi chọn tạo, sản xuất hạt
giống F1, ngay đến khâu sản xuất giống xác nhận cũng chưa làm nổi, chứ
đừng nói đến siêu nguyên chủng.
Sẽ không còn gạo xuất khẩu nếu không sản xuất lúa lai
Lúa thường đã “yếu thế” như thế, công tác sản xuất lúa lai còn yếu hơn.
Hiện diện tích sản xuất lúa lai ở Việt Nam chiếm chưa tới 8% (gần
600.000ha) tổng diện tích sản xuất lúa cả nước và đang có xu hướng “teo
tóp” dần trong vài năm gần đây.
Nguyên nhân chính là do chúng ta phụ thuộc gần như hoàn toàn vào hạt
giống lai nhập khẩu (phần lớn từ Trung Quốc). Việc phụ thuộc như thế
khiến chúng ta không chủ động, kiểm soát được cả về mặt chất lượng và
giá cả. Bởi thông thường, phía Trung Quốc chỉ chuyển giao những giống
lúa lai cho ta sau khi họ đã sản xuất đại trà được 2-3 năm.
Ông Đỗ Hải Điền- Phó Giám đốc Sở NNPTNT Nam Định cho biết, như ở tỉnh
này mặc dù có nhu cầu hơn 2.000 tấn giống lúa lai/năm, nhưng do chưa tự
sản xuất đủ ngay tại địa phương, nên hàng năm, vẫn phải nhập khẩu từ Ấn
Độ, Trung Quốc trên 1.000 tấn.
Trong khi đó, theo Theo Hiệp hội Thương mại Giống cây trồng Việt Nam,
bình quân mỗi năm nước ta nhập khẩu 13.000 - 15.000 tấn lúa lai, với giá
trị trên 40 triệu USD. Mặc dù còn có những hạn chế nhất định về chất
lượng, nhưng lúa lai lại cho năng suất cao và tính chống chịu tốt trong
điều kiện bất thuận của môi trường, hay các yếu tố phi sinh học. Chính
vì vậy, người dân vẫn thích lúa lai hơn, nên nhiều bộ giống lúa Trung
Quốc đang chiếm ưu thế.
Theo ông Nguyễn Ngọc Dũng - Tổng Giám đốc Công ty CP Giống cây trồng
Nghệ An, dù giá lúa giống của Trung Quốc đắt hơn nhiều lần trong nước,
nhưng người dân vẫn chi tiền mua về trồng. Cụ thể, trong khi lúa nhị ưu
có giá 86.000 đồng/kg, Khải Phong giá 94.000 đồng/kg, thì lúa Hương thơm
(của Việt Nam) chỉ 12.000 đồng/kg. Lý do đơn giản là năng suất của lúa
lai thường cao hơn nhiều so với lúa thuần, nhiều giống có tiềm năng năng
suất từ 7,5-9 tấn/ha, trong khi lúa thuần cao nhất chỉ đạt khoảng 5,4
tấn/ha.
Ông Ngô Văn Giáo - Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Giống cây trồng Việt Nam
cho rằng, phát triển lúa lai về lâu dài rất quan trọng, nhưng khổ nỗi
hiện chúng ta lại đang thiếu hạt giống. “Philippines đã phải phát triển
lúa lai để giảm nhập khẩu gạo. Ấn Độ cũng đang phát triển rất nhanh diện
tích trồng lúa lai, chỉ trong vài năm đã phát triển lên đến 2,5 triệu
ha, trở thành nước trồng lúa lai lớn thứ 2 trên thế giới, chỉ đứng sau
Trung Quốc (15 triệu ha).
Nhờ vậy, 2 nước này không chỉ nuôi ăn dân số khổng lồ (1,2 và 1,4 tỷ
người) mà Ấn Độ còn trở thành nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Việt
Nam cũng vậy, theo tính toán đến năm 2030, với đà tăng dân số, sản
lượng lúa gạo sản xuất được chỉ đủ cung ứng nhu cầu trong nước, sau đó
sẽ thiếu nếu không phát triển lúa lai” –ông Giáo nhận định.
Bỏ tiền tỷ để lượm bạc cắc?
Là nước nổi tiếng về bề dày lịch sử ngàn năm trồng lúa nước, nhưng đến
tận bây giờ, Việt Nam vẫn chưa có một thương hiệu giống lúa gạo nào
“made in Vietnam” trên thị trường thế giới”. - TS Nguyễn Công Thành
Một điều rất ngược đời hiện nay là trong khi Việt Nam đang chăm chăm tập
trung vào công tác phát triển lúa giống thì đây lại là lĩnh vực các
nước trên thế giới “chê”, không thèm làm. Ông Ngô Văn Giáo giải thích lý
do giống lúa đang bị cả thế giới “chê” vì lợi nhuận quá thấp so với các
loại giống cây trồng khác.
Ông cho biết: “Hiệp hội Giống cây trồng Châu Á – Thái Bình Dương hàng
năm đều tổ chức hội chợ giống quốc tế với khoảng 600 đơn vị trên khắp
thế giới tham gia.
Trong đó, hết 500 đơn vị là doanh nghiệp sản xuất giống rau, hoa; 100
đơn vị còn lại sản xuất các loại giống cây trồng khác. Nhưng tuyệt đối
không có đơn vị nào sản xuất giống lúa. Vì giống lúa dễ làm, bản thân
nông dân cũng có thể tự để giống ở vụ trước lại cho vụ sau. Phải sản
xuất ra một số lượng lớn nhưng giá trị lại quá thấp, thậm chí làm không
khéo sẽ lỗ nên họ “chê” không thèm làm”.
Ông Giáo dẫn chứng Công ty Giống cây trồng Miền Nam, mà ông là cổ đông
lớn, đang sản xuất một loại giống dưa hấu, giá thành chỉ khoảng 200.000
đồng/kg nhưng giá bán ra tới 1 triệu đồng/kg, tức 1 vốn 4 lời. Cứ mỗi xe
tải 5 tấn giống dưa hấu bán ra, công ty kiếm được 5 tỷ đồng, trong khi
với lúa giống để kiếm được 5 tỷ đó phải là mấy chục xe tải.
“Trong khi giống lúa phải bán theo bao 50kg thì giống rau, đặc biệt là
giống hoa bán đếm từng hạt. Giá 1 kg lúa giống chưa bằng 1 gói hạt giống
hoa 10g. Như thế đủ để thấy đây là ngành siêu lợi nhuận như thế nào.
Vậy mà Việt Nam lại không tập trung vào đầu tư cái kiếm được tiền tỷ,
chỉ lo chăm chăm vào lượm bạc cắc, tức lúa giống, thì thật là uổng” –
ông Giáo lắc đầu tiếc rẻ.
Nguồn: Danviet.vn