Đổi thay ở Văn Luông

Những năm gần đây, nhờ tranh thủ sự quan tâm, hỗ trợ của Nhà nước, của tỉnh và của huyện thông qua các chương trình, dự án phát triển KT - XH như chương trình 30a, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, dự án hỗ trợ sản xuất, đào tạo nghề cho con em nông dân… kết hợp với phát huy sức mạnh nội sinh, tận dụng những tiềm năng và lợi thế, bộ mặt Văn Luông đã có nhiều khởi sắc, đời sống nhân dân từng bước được cải thiện và nâng cao. Giờ đây, về Văn Luông, không khó để nhận ra sự thay da đổi thịt từng ngày của một miền quê bước lên từ gian khó.

Nhờ phát triển cây chè theo hướng sản xuất hàng hóa đã góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân xã Văn Luông (huyện Tân Sơn).
Nhờ phát triển cây chè theo hướng sản xuất hàng hóa đã góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân xã Văn Luông (huyện Tân Sơn).

Như để minh chứng cho sự đổi thay của quê hương, trong câu chuyện với chúng tôi, Chủ tịch UBND xã Tân Khải Hồng luôn hồ hởi: Đi qua năm 2014, Văn Luông đã đạt tổng giá trị sản xuất gần 118 tỷ đồng, bình quân lương thực đầu người đạt ngưỡng 326 kg/người/năm và thu nhập bình quân của người dân đã nâng lên 16 triệu đồng/năm/người…

Để đạt được những con số giàu ý nghĩa như thế, nhất là đối với một xã còn nhiều khó khăn như Văn Luông, Đảng ủy, UBND xã đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản - vốn là ngành kinh tế chủ đạo, chiếm tới 62% tổng giá trị sản xuất của địa phương. Bằng việc đẩy mạnh công tác khuyến nông, thực hiện cung ứng giống và phân bón trả chậm cho nông dân, áp dụng các tiến bộ KHKT vào sản xuất, Văn Luông đã đưa diện tích gieo cấy lúa lên 306ha (trong đó có 230ha lúa lai, 76ha lúa thuần), nâng năng suất bình quân lên gần 53 tạ/ha với tổng sản lượng hơn 1.619 tấn. Cùng với cây lúa, cây ngô cũng được tập trung sản xuất với diện tích gieo trồng khoảng 100ha, sản lượng trên 442 tấn.

Tận dụng địa hình đồi núi phân bố đồng đều, điều kiện thổ nhưỡng phù hợp với trồng và thâm canh cây chè, cây sơn, Văn Luông khuyến khích phát triển các loại cây trồng chủ lực này nhằm tạo việc làm, tăng hiệu quả kinh tế và thu nhập cho người dân. Riêng năm 2014, xã đã trồng mới thêm 40ha cây chè chất lượng cao, nâng diện tích trồng chè lên gần 645ha, trong đó có 470ha của hộ gia đình cá thể. Vận động người dân thâm canh cây chè theo hướng sản xuất hàng hóa, tạo ra sản phẩm chè sạch để đáp ứng nhu cầu và thị hiếu người tiêu dùng, năm qua Văn Luông đã đạt sản lượng trên 7.255 tấn chè với năng suất bình quân 12 tấn/ha. Bên cạnh đó, cây sơn - cây công nghiệp mũi nhọn của xã cũng được Văn Luông tập trung phát triển với tổng diện tích 55,6ha (trong đó có 40,6ha đang cho thu hoạch và 15ha trồng mới), năng suất bình quân 500 kg/ha/năm, sản lượng đạt khoảng 203 tấn. Trong phát triển kinh tế, Văn Luông chú trọng chăn nuôi theo hướng đại gia súc, gia cầm. Do làm tốt công tác vệ sinh phòng dịch, đưa KHKT vào chăn nuôi, đến nay, tổng đàn trâu bò của xã đã đạt 1.226 con, đàn lợn 2.940 con, đàn gia cầm, thủy cầm 58.820 con và đặc biệt Văn Luông còn duy trì 1.206 đàn ong mật, phát triển hơn 19ha diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản với sản lượng 23 tấn để tạo thêm nguồn thu nhập, nâng cao hiệu quả kinh tế. Nhờ vậy, năm 2014, tỷ lệ hộ nghèo của xã chỉ còn 13,9%.

Điều dễ nhận thấy là, song hành cùng phát triển kinh tế, Văn Luông còn đẩy mạnh xây dựng đời sống văn hóa, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, xây dựng các thiết chế và phát triển phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao ngay từ cơ sở. Hiện nay, 100% khu dân cư ở Văn Luông đã có nhà văn hóa, khoảng 88% số khu dân cư và số hộ gia đình đạt tiêu chuẩn văn hóa, điển hình như khu Luông - một khu dân cư có phong trào xây dựng đời sống văn hóa khá phát triển. Ông Hà Kim Chon (77 tuổi, ở khu Luông) tâm sự, dù là thương binh nặng 1/4 nhưng ông cùng các thành viên trong gia đình vẫn say mê luyện tập văn nghệ để góp phần giữ gìn nét văn hóa truyền thống, đặc sắc của quê hương, nhất là hát giang, hát ví, hát ru tiếng Mường, cồng chiêng, đâm ống, đâm đuống…

Mặc dù diện mạo Văn Luông đã có nhiều khởi sắc, nhưng trong câu chuyện, Chủ tịch xã cũng không ít ưu tư bởi hiện nay cơ sở hạ tầng của xã còn thiếu và chưa đồng bộ, đặc biệt là hệ thống giao thông, các trạm điện phục vụ sản xuất và sinh hoạt, hệ thống xử lý rác thải, xã mới đạt 11/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới… “Trong năm 2015, Văn Luông sẽ phải nỗ lực, cố gắng nhiều hơn để nâng tốc độ phát triển kinh tế tăng 8% so với năm trước, đưa bình quân thu nhập đầu người đạt ngưỡng 17 triệu đồng/người/năm, đi đôi với phát triển VH - XH, củng cố QP - AN, đặc biệt là tổ chức tốt Đại hội Đảng bộ xã lần thứ XXIII…” -  vị Chủ tịch xã thêm một lần chia sẻ.

Nguồn báo: Phú Thọ Online

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất

Liên kết website