|
Gia đình anh Lê Tiến Diệp chuẩn bị lót bạt và bơm sục khí để khắc phục việc ô nhiễm nguồn nước. |
Anh Lê Tiến Diệp, chủ của 12 lồng cá cho biết: Từ giữa tháng 12 đến nay xuất hiện tình trạng cá chết lẻ tẻ, nếu như không chạy máy sục khí liên tục thì số lượng cá chết còn nhiều hơn nữa. Đêm ngày 24 - 12, gia đình tôi cũng bị chết gần 200 con cá diêu hồng, loại xấp xỉ 1kg/con còn sót lại từ đợt lũ hồi tháng 9.
Theo báo cáo của UBND huyện Tam Nông: Từ 10h ngày 11 - 12, dòng sông Bứa đoạn chảy qua địa phận 2 xã Tề Lễ và Quang Húc xuất hiện các vệt loang đục, có màu xanh; các loài thủy sinh có sẵn trên sông như cá nheo, cá bò, cá trạch, tôm, tép… chết trôi dạt vào ven bờ hoặc nổi đầu lên trên mặt nước, ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hộ nuôi cá lồng. Qua công tác kiểm tra ban đầu tạm thời xác minh do nguồn nước sông bị ô nhiễm nhưng chưa xác định rõ nơi xả thải. UBND huyện cũng đã chỉ đạo xã hướng dẫn các hộ tạm thời di chuyển cá vào ao hồ, đầm, lót bạt đáy; đồng thời phối hợp huyện Thanh Sơn, Tân Sơn để kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến ở vùng thượng nguồn sông Bứa nhằm xác định nguyên nhân gây ô nhiễm.
Ông Nguyễn Hữu Duyên, khuyến nông viên xã Quang Húc cho biết: Ngay sau khi nhận được tin báo của các hộ, chúng tôi đã báo cáo lên phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; UBND huyện; Chi cục Thủy sản và đi thống kê thiệt hại. Ngày đầu tiên, toàn xã chết khoảng trên 4 vạn con cá giống gồm cá diêu hồng và lăng chấm. Còn ông Lê Hữu Thành, một hộ nuôi cá lồng ở khu 6 than thở: Để tái lại lồng cá, chúng tôi đã dồn mọi nguồn vốn trong gia đình rồi. Bây giờ lại phải bỏ thêm hàng chục triệu tiền mua bạt, rồi tiền mua máy sục khí, tiền điện, tiền dầu… Chưa có năm nào mà người nuôi cá lồng gặp nhiều vận hạn như năm nay.
Được biết sau khi nhận được báo cáo của xã Quang Húc và UBND huyện Tam Nông, Sở Tài nguyên và Môi trường đã cử cán bộ về lấy mẫu nước gửi đi xét nghiệm; Chi cục Thủy sản cũng đã cử cán bộ xuống địa phương kiểm tra nồng độ oxy, đo độ pH; hướng dẫn kỹ thuật xử lý nguồn nước để giúp các hộ nuôi cá có biện pháp khắc phục. Tuy nhiên, đã nhiều ngày trôi qua, hiện nay Sở Tài nguyên và Môi trường vẫn chưa có thông báo về mức độ, chất gây ô nhiễm nguồn nước, xác định nơi xả thải.
Hiện nay, các hộ nuôi cá lồng ở Quang Húc và một số xã khác như Tề Lễ, Hùng Đô đang trong quá trình đóng lồng chuẩn bị nuôi vẫn thấp thỏm lo âu, chờ đợi sự hỗ trợ, tư vấn kỹ thuật từ các cơ quan có chức năng để yên tâm tái nuôi và phát triển cá lồng trên sông Bứa, góp phần nâng cao sản lượng thủy sản của tỉnh.
Nguồn báo: Phú Thọ Online