Hiệu quả đầu tư kết cấu hạ tầng nông nghiệp và PTNT
Công trình cải  tạo, nâng  cấp hồ  Lửa  Việt
Công trình cải tạo, nâng cấp hồ Lửa Việt

Được sự chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo tỉnh, ngành, gần 7 năm qua  Ban đã  triển khai xây dựng gần 90 công trình, dự án, trong đó có nhiều dự án trọng điểm, quy mô lớn như: Cải tạo, gia cố và nâng cấp tuyến đê tả sông Thao tổng chiều dài 68,8km; tuyến đê hữu sông Thao dài 64,5km; tuyến đê tả, hữu sông Lô dài 77,8km; tuyến đê tả, hữu sông Chảy dài 39,7km; tuyến đê tả sông Đà dài 38km, đường vùng chậm lũ đoạn Thanh Sơn - Bến Ngọc dài 44km; Tiêu Đông Nam Việt Trì chủ động tiêu nước đô thị cho 2.461ha, cấp nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp 641ha, dự án Tưới cây vùng đồi huyện Thanh Thủy, Đập ngòi Lao và hệ thống đường ống dẫn nước... Phần lớn các dự án được xây dựng đều mang tính đa mục tiêu. Điển hình như hệ thống tu bổ, gia cố các tuyến đê kết hợp làm đường giao thông trên các tuyến sông chính. Sau đầu tư các tuyến đê đều được nâng cấp có khả năng chống chọi lũ lụt trên báo động cấp 3, đồng thời kết hợp giao thông đạt tiêu chuẩn đường cấp 3, cấp 4. Như tuyến đê, đường hữu sông Thao dài 64km từ ngã tư Cổ Tiết, huyện Tam Nông đến xã Hiền Lương, huyện Hạ Hòa, trùng với một phần tuyến QL 32C đi qua địa bàn; tuyến đường tránh lũ Thanh Sơn, Bến Ngọc, nâng cấp đạt tiêu chuẩn đường cấp II miền núi, trùng đường TL 316… Toàn bộ tuyến đê tả Thao từ Việt Trì đến Hạ Hòa, tuyến hữu sông Lô từ Việt Trì đến Đoan Hùng đều là giao thông huyết mạch, đáng chú ý đầu tư xây dựng hệ thống đê, kè sông Lô, sông Chảy đã kết hợp làm cầu Đoan Hùng nối trung tâm huyện với ba xã bên tả ngạn sông Lô, kết nối toàn bộ 100% các xã không cách trở bởi sông, suối. Ngoài ra các tuyến đê đường hai bên bờ Ngòi Lao, Ngòi Giành, sông Bứa… đều được cứng hóa, đạt tiêu chuẩn đường cấp 3, đến cấp 5. Hệ thống các hồ, đập không chỉ phục vụ sản xuất nông nghiệp, mà còn kết hợp cấp nước sinh hoạt, nuôi trồng thuỷ sản, thu hút đầu tư du lịch dịch vụ. Điển hình là hồ Thượng Long, hồ Phượng Mao; các công trình tu bổ đê vùng lũ quét, xây dựng các công trình vùng chậm lũ đồng thời ổn định dân cư tại chỗ, tránh phải di chuyển hàng trăm hộ dân đến nơi ở mới.

Trong quá trình thực hiện, nhiều giải pháp kỹ thuật và sáng kiến cải tiến trong quản lý đầu tư xây dựng công trình đã được áp dụng như xây dựng các tuyến đường ống dẫn nước thay thế cho kênh xây truyền thống, qua đó đã giảm kinh phí đầu tư, tiết kiệm tài nguyên nước, dẫn nước đi được xa, đảm bảo tưới được cho cả những diện tích đất cao cục bộ, giảm diện tích mất đất, rút ngắn thời gian xây dựng sớm đưa công trình vào khai thác sử dụng. Đến nay, các công trình cải tạo, nâng cấp và gia cố các tuyến đê tả - hữu sông Thao, đê tả - hữu sông Lô, đê tả - hữu sông Chảy, đê tả sông Đà và các công trình đường vùng chậm lũ do Ban Quản lý dự án thực hiện đã cơ bản hoàn thành phát huy hiệu quả cao, phục vụ đắc lực cho phòng, chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai, từng bước nâng cấp, cải thiện về cơ sở hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, đồng thời là các tuyến đường giao thông huyết mạch đảm bảo thông thương hàng hóa và giao thông thuận tiện cho nhân dân trong khu vực. Nhiều khu vực xa xôi hẻo lánh ở Tân Sơn, Thanh Sơn, Yên Lập nhờ hệ thống giao thông đến xã đặc biệt khó khăn kết nối với trung tâm huyện, tỉnh, góp phần xóa tình trạng xã không có đường nhựa. Công trình xây dựng mới các hồ đập, cải tạo, nâng cấp các hồ chứa nước bị xuống cấp trên địa bàn tỉnh và lắp đặt đường ống dẫn nước phục vụ tưới tiêu sản xuất nông nghiệp được Ban Quản lý dự án tập trung chỉ đạo thực hiện đã góp phần chủ động nước tưới cho hầu hết các diện tích đất nông nghiệp trước đây thường xuyên bị khô hạn, qua đó đảm bảo an ninh lương thực tại chỗ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đảm bảo an sinh xã hội cho các xã đặc biệt khó khăn, thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững, đẩy nhanh tiến trình xây dựng nông thôn mới.


Nguồn: baophutho.vn

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất

Liên kết website