Hiệu quả mô hình dưa bao tử xuất khẩu ở Hương Lung

 

        Năm nay là năm thứ 2 gia đình ông Lê Thu Ngà tại khu 2, xã Hương Lung là một trong những hộ có diện tích trồng dưa bao tử xuất khẩu lớn nhất của xã. Ông Ngà cho biết: “Năm nay gia đình tôi trồng 2 sào dưa bao tử. Với ưu điểm dễ trồng, ít tốn công chăm sóc, cho giá trị kinh tế cao và có đầu ra tiêu thụ sản phẩm, sau 35 ngày trồng,dưa bắt đầu cho thu hoạch liên tục trong vòng 2 tháng tiếp theo, với năng suất bình quân dự kiến đạt từ 2 đến2,5 tấn/sào.Doanh nghiệp kí hợp đồng thu mua với 3 mức giá: Quả loại 1 mức 5.500 đồng/kg, loại 2 mức 4.000 đồng/kg và loại 3 mức 3.000 đồng/kg. Trừ chi phí một sào cho lãi trên 5 triệu đồng, cao gấp 3 lần so với trồng lúa”. Cũng giống như gia đình ông Ngà, các hộ gia đình tham gia mô hình đều phấn khởi khi công sức bỏ ra đã mang lại thành quả. Chị Nguyễn Thị Thu, khu 3 phấn khởi nói: Lúc đầu khi đưa vào trồng giống dưa bao tử xuất khẩu chúng tôi còn nhiều bỡ ngỡ, nhưng sau đó được cán bộ kĩ thuật hướng dẫn cách trồng chăm sóc, nên ruộng dưa nhà tôi cho rất nhiều quả. Chúng tôi mong muốn được các cấp, các ngành quan tâm để mở rộng mô hình, tạo thu nhập cho bà con chúng tôi”.

       Năm nay là năm thứ 2 xã đưa vào trồng với diện tích được mở rộng lên 7 ha với sự tham gia của 115 hộ nông dân ở khu 2 và 3 trong xã. Vụ trước, xã đưa vào trồng thí điểm 3 ha, được Công ty Đầu tư và Thương mại HARIMEC kí hợp đồng thu mua tận ruộng. Nhận thấy đây là cây phù hợp với đồng đất địa phương,được hỗ trợ về quy trình kỹ thuật thâm canh, chăm sóc, thu hoạch,hỗ trợ giống, phân bón, nên vụ này xã đã mở rộng diện tích. Để mô hình đạt hiệu quả cao, UBND xã đã cử cán bộ nông nghiệp thường xuyên kiểm tra và phổ biến những kỹ thuật chăm sóc, thu hái sản phẩm đến từng hộ gia đình. Cùng với đó, dưa chuột bao tử khi cho thu hoạch sẽ được Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại HARIMEC đóng tại tỉnh Hà Nam bao tiêu sản phẩm và xuất khẩu. Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Nguyễn Đình Xuyên, Chủ tịch UBND xã Hương Lung huyện Cẩm Khê cho biết: “Sau khi đi tham quan học tập tại Hà Nam chúng tôi đã đưa giống dưa chuột xuất khẩu vào trồng. Ban đầu trồng nhiều hộ còn bỡ ngỡ, sau đó được hướng dẫn kĩ thuật tận tình nhiều hộ đã làm đảm bảo quy trình kĩ thuật, đem lại thu nhập cao cho bà  con. Thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục mở rộng diện tích ra các khu, dự kiến sẽ liên kết cùng với các xã lân cận như: Sơn Tình, Tạ Xá, Sai Nga, tạo vùng nguyên liệu cho công ty phát triển cây dưa bao tử xuất khẩu, đặt nhà máy trên địa bàn huyện”.

       Có thể khẳng định, việc đưa cây dưa chuột bao tử xuất khẩu vào trồng đã và đang góp phần thay đổi tập quán sản xuất mở ra hướng đi mới cho bà con nông dân nơi đây, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao giá trị hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích đất canh tác, góp phần chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, nông thôn trong huyện.


Nguồn: phuthoportal

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất

Liên kết website