PhuthoPortal
- Là điểm tập trung lưu thông hàng hoá, tiêu thụ sản phẩm, cung ứng các
mặt hàng phục vụ nhu cầu thiết yếu của nhân dân vùng nông thôn, chợ
nông thôn có vai trò quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế - xã
hội, nhất là ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Trong
Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới, chợ nông thôn là tiêu
chí số 7.
Chợ theo quy hoạch sẽ tạo điều kiện thúc đẩy hoạt động thương mại, phát triển kinh tế,
góp phần thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới
Gần nửa năm nay chợ Đồng Mạ, xã Thạch Sơn, huyện Lâm Thao đã không còn
là một khu chợ nhếch nhác, chật chội, mất an toàn giao thông như đã từng
tồn tại trong tâm trí của người dân nơi đây. Nằm tại trung tâm của xã,
chợ Đồng Mạ có tổng diện tích 4.640 m2, từ hệ thống cây xanh, thoát thải
cho đến phòng cháy chữa cháy đều được đầu tư khá công phu. Chợ có 1
đình lớn, 94 gian hàng có mái che và được phân ô, vị trí bán hàng theo
quy hoạch đáp ứng phục vụ nhu cầu mua bán hàng hóa của nhân dân trong
xã. Ông Lê Quang Vinh – Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Sơn cho biết: Cùng
với các công trình phụ trợ như đường vành đai, hệ thống điện sáng, công
trình vệ sinh… chợ Đồng Mạ đã tạo được ấn tượng tốt về mỹ quan trong
quần chúng nhân dân. Ban quản lý chợ được kiện toàn, cải tiến công tác
quản lý, sắp xếp kinh doanh hợp lý, tạo điều kiện kích thích mạnh mẽ
hoạt động thương mại, phát triển kinh tế, góp phần thực hiện Chương
trình xây dựng nông thôn mới của địa phương (hiện tại, xã Thạch Sơn đã
đạt 19/19 tiêu chí và được công nhận xã đạt chuẩn Quốc gia về nông thôn
mới).
Theo báo cáo của Sở Công Thương, đến nay, trên địa bàn tỉnh có 247 xã
thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới thì bình
quân có 0,8 chợ/xã. Trong đó có 2 chợ hạng I (chiếm 0,93%), 10 chợ hạng
II (chiếm 5,61%), 200 chợ hạng III (chiếm 93,46%). Với tổng số hộ kinh
doanh thường xuyên tại chợ là 12.553 hộ/212 chợ (trung bình có 57
hộ/chợ); tổng số hộ kinh doanh không thường xuyên là 16.979 hộ/212 chợ
(trung bình 80 hộ/chợ). Nhận thức được vai trò, vị trí chợ nông thôn
trong phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, những năm qua, UBND
tỉnh, các ngành chức năng và các địa phương đã quan tâm đến công tác đầu
tư phát triển hạ tầng chợ nông thôn, thông qua việc dành quỹ đất để đầu
tư chợ. Đến nay, đã có 71 chợ đạt chuẩn chợ nông thôn mới được xây dựng
kiên cố hoặc bán kiên cố trở lên và hệ thống chợ cơ bản đáp ứng được
nhu cầu tiêu dùng, mua sắm của nhân dân, giao thông tương đối thuận lợi
giúp lưu thông, trao đổi hàng hóa ngày càng đạt hiệu quả.
Tuy nhiên, bên cạnh những xã đã xây dựng chợ theo quy hoạch đạt chuẩn
nông thôn mới thì còn có một số chợ xã trên địa bàn tỉnh vẫn còn tình
trạng như điện, cấp thoát nước chưa được quan tâm đầu tư, nâng cấp; nhà
lồng chợ và các cơ sở kinh doanh nhiều chợ đã và đang xuống cấp hoặc quá
tải; trang thiết bị phòng cháy, chữa cháy, vệ sinh môi trường ở các chợ
xã hầu như chưa đảm bảo, một số trang bị đã xuống cấp, hư hỏng. Ngoài
ra, có một số xã đã đạt chuẩn các tiêu chí trong Chương trình xây dựng
nông thôn mới nhưng riêng tiêu chí số 7 chưa thực hiện được. Theo Thông
tư số 31/2009/TT-BXD của Bộ Xây dựng quy định, xây dựng chợ nông thôn
mới phải phù hợp cho việc lưu thông hàng hóa, đường bộ, đường thủy, gần
khu dân cư, trung tâm xã chính; phải kinh doanh theo ngành hàng, có nhà
chợ chính, có diện tích kinh doanh ngoài trời, đường đi, cây xanh, bãi
đỗ xe, nơi thu gom, xử lý rác thải, phải kết hợp các hoạt động chợ với
các dịch vụ thương mại, văn hóa khác có liên quan, tổng diện tích phải
đạt từ 2.000 - 3.000m2 trở lên, trong đó, khu vực chợ chính chiếm tối đa
40% diện tích, khu mua bán ngoài trời chiếm tối thiểu 25% diện tích,
đường giao thông nội bộ tối đa 25% diện tích, diện tích sân, cây xanh ít
nhất 10% diện tích; có tổ chức quản lý, có nội quy chợ theo quy định và
niêm yết công khai để điều hành hoạt động, xử lý vi phạm; có sử dụng
cân đối chứng, thiết bị đo lường để người tiêu dùng tự kiểm tra về số
lượng, khối lượng hàng hoá...
Trước thực tế nhiều xã gặp khó khăn trong việc thực hiện tiêu chí số 7
về xây dựng chợ nông thôn theo Thông tư số 31/2009/TT-BXD, đồng thời để
tạo điều kiện cho nhiều địa phương triển khai thực hiện chương trình xây
dựng nông thôn mới hiệu quả hơn và tránh được việc xây dựng chợ tràn
lan, gây lãng phí tiền của, cuối tháng 3/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ra
Quyết định số 342/QĐ-TTg về việc sửa đổi một số tiêu chí trong Bộ tiêu
chí quốc gia về nông thôn mới, trong đó chợ nông thôn được sửa lại là
“chợ theo quy hoạch và đạt chuẩn theo quy định” chứ không phải “đạt
chuẩn của Bộ Xây dựng” như tiêu chí cũ. Rõ ràng, đây là một sự linh hoạt
lớn, giúp các địa phương có thể điều chỉnh để xây dựng chợ theo đặc thù
vùng miền, đảm bảo tính bền vững của tiêu chí.
Thực tế cho thấy, với đặc thù là một tỉnh miền núi, việc đầu tư xây
dựng chợ khá tốn kém, từ trước tới nay vẫn do kinh phí của Nhà nước. Do
đó, để thực hiện quy hoạch mạng lưới chợ và xây dựng mạng lưới chợ nông
thôn thì các cấp, các ngành và chính quyền địa phương trên địa bàn tỉnh
cần đẩy mạnh hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền để các tầng lớp
nhân dân hiểu rõ, nhận thức đúng, đầy đủ về ý nghĩa của tiêu chí số 7
trong Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Ngoài
nguồn vốn hỗ trợ từ Trung ương cần kết hợp các nguồn vốn khác từ chương
trình kinh tế - xã hội, giảm nghèo của địa phương; huy động vốn của các
tổ chức, cá nhân, nhất là của các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh
tế, hộ kinh doanh; lồng ghép các dự án đầu tư của tỉnh cùng phát huy
đồng bộ đầu tư xây dựng chợ nông thôn mới...
Với việc sửa đổi tiêu chí số 7 sát với thực tế sẽ tạo điều kiện cho các
xã tham gia xây dựng nông thôn mới nghiên cứu, tiến hành triển khai
thực hiện xây dựng chợ phù hợp điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương
mình. Qua đó, các địa phương sẽ linh động trong xây dựng, quản lý để
đưa hoạt động của chợ nông thôn phát triển phù hợp nhằm đáp ứng tốt nhất
nhu cầu trong sản xuất và tiêu dùng, nâng cao mức sống của người dân,
đảm bảo cho thị trường hàng hóa phát triển ổn định.
Nguồn: phuthoportal