PTO- Phát triển thủy sản là một trong những chương trình kinh tế trọng điểm của tỉnh bởi tiềm năng trên lĩnh vực này là rất lớn nhưng mới chỉ khai thác được ở quy mô nhỏ. Trong khi ở các tỉnh, thành khác như Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên, Bắc Ninh, Hà Nội… năng suất nuôi thâm canh có thể lên đến trên 10 tấn/ha/vụ thì ở tỉnh ta mới chỉ đạt khoảng trên 3 tấn/ha/năm. Đến cuối năm 2014, tổng diện tích nuôi thủy sản của toàn tỉnh đạt xấp xỉ 10.000ha, trong đó diện tích nuôi chuyên thâm canh là 1.430ha; nuôi bán thâm canh là 3.800ha, còn lại là diện tích nuôi thời vụ. Trong năm qua hình thức nuôi cá lồng trên sông được nhân rộng, hiện nay đã có khoảng trên 630 lồng. Nhiều giống cá mới năng suất cao, chất lượng tốt đã được đưa vào như lăng, nheo, chép lai… tăng tỷ lệ giống cá mới lên 35% trong tổng lượng cá được nuôi.
|
Đưa các giống cá mới có năng suất cao vào nuôi góp phần nâng cao năng suất, sản lượng thủy sản chung của tỉnh và mang lại hiệu quả kinh tế cho người nuôi.
- Thu hoạch cá diêu hồng nuôi trong ao ở xã Ngô Xá, huyện Cẩm Khê. |
Là tỉnh có lợi thế về mặt nước thuận tiện cho việc nuôi thủy sản nhưng đa phần các hộ dân vẫn nuôi ở quy mô vừa và nhỏ, hình thức trang trại, đặc biệt là trang trại chuyên thủy sản còn ít. Nhìn chung, các trang trại này đều có năng suất đạt từ 4,5 - 6 tấn/ha/năm; doanh thu khoảng 170 - 180 triệu đồng/năm; lợi nhuận bình quân đạt khoảng trên 70 triệu đồng/năm. Việc nuôi thủy sản theo hình thức trang trại có nhiều điều kiện thuận lợi như: Có thể chủ động về giống do đặt trước các nơi nuôi ương; có nhiều ao nuôi nên thuận tiện trong việc lựa chọn giống, hình thức nuôi, thâm canh, gối vụ nên sản phẩm đa dạng, thời gian thu hoạch rộng không bị ép giá. Bên cạnh đó, loại hình trang trại còn được ưu đãi do được thụ hưởng một số chính sách ưu đãi của tỉnh, thuận tiện trong việc tiếp cận nguồn vốn vay, thường xuyên được tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, phòng bệnh…
Chúng tôi đến trang trại của ông Lê Xuân Hà ở xã Chính Công (huyện Hạ Hòa) đúng lúc ông đang chỉ đạo nhân công nạo vét ao để rắc vôi, khử trùng trước khi bơm nước chuẩn bị cho vụ thả cá mới. Ông tâm sự: "Với 18ha nuôi thủy sản, lượng con giống tôi cần rất lớn và đa dạng. Bên cạnh các loại cá truyền thống như trắm cỏ, chép, trôi, mè hiện giờ tôi cũng đang nghiên cứu thả thêm một số loại khác như trắm đen, chép lai V1, vược, rô phi đơn tính… Đây là những loại cá có giá trị kinh tế cao, được nhiều người ưa chuộng. Tuy nhiên, nguồn cung ứng giống những loại cá này hiện nay ở tỉnh còn khá hạn chế, tôi phải mua chủ yếu ở các tỉnh khác”.
Toàn tỉnh hiện có 19 khu nuôi thả kết hợp nuôi ương giống với tổng diện tích gần 360ha, trong đó có 8 khu nuôi ương chính và 11 khu nuôi kết hợp hàng năm cung cấp được khoảng trên 60% nhu cầu về giống của cả tỉnh, chủ yếu là các giống cá truyền thống như trắm, mè, trôi, chép và một số giống mới như lăng, diêu hồng… Thời gian qua Chi cục thủy sản tích cực cử cán bộ kỹ thuật hướng dẫn bà con tăng diện tích nuôi thâm canh, tăng mật độ nuôi, nuôi quảng canh theo phương pháp mới, nhân rộng số cá lồng… Ngoài ra, Chi cục cũng đang hỗ trợ, khuyến khích người nuôi ở ven các sông Đà, Lô, Hồng, Bứa… phát triển nuôi cá lồng theo hình thức mới. Nếu nuôi thâm canh tốt, mỗi lồng có thể cho thu hoạch 7 – 8 tấn, góp phần đáng kể vào việc tăng sản lượng thủy sản của tỉnh.
Để chuẩn bị có con giống tốt phục vụ cho thị trường thủy sản, Chi cục thủy sản đã thực hiện việc rà soát, chăm sóc đàn cá hậu bị, cá bố mẹ của các cơ sở sản xuất cá bột trên địa bàn tỉnh. Qua đó, lựa chọn đàn cá bố mẹ tốt, sạch bệnh; đồng thời đẩy mạnh việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất con giống nhằm giảm chi phí, rút ngắn thời gian ương nuôi, cung cấp con giống đảm bảo kỹ thuật khi chuyển giao cho cơ sở và người nuôi
Nguồn Báo: Phú Thọ Online