Kinh tế - xã hội Thanh Sơn có nhiều khởi sắc
Nhiều xưởng mộc ở làng nghề mộc Phú Hà, thị trấn Thanh?Sơn?(huyện?Thanh?Sơn) tạo việc làm ổn định và thu nhập cao cho lao động tại địa phương.  Ảnh: nguyên an
Nhiều xưởng mộc ở làng nghề mộc Phú Hà, thị trấn Thanh Sơn (huyện Thanh Sơn) tạo việc làm ổn định và thu nhập cao cho lao động tại địa phương.
Ảnh: Nguyên An

Bước vào thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội năm 2014 trên địa bàn huyện đã xuất hiện nhiều khó khăn, trong đó việc cắt giảm nguồn vốn đầu tư thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ là rõ nhất. Điều này không chỉ tác động đến duy trì một số chương trình kinh tế trọng điểm mà còn ảnh hưởng đến nhiều dự án tăng nguồn lực phát triển. Tuy vậy dưới sự chỉ đạo kiên quyết, tập trung của tỉnh, huyện đã đề ra biện pháp tích cực động viên nhân dân huy động nguồn lực khai thác, phát huy lợi thế, hạn chế khó khăn để duy trì nhịp độ tăng trưởng. Về sản xuất nông, lâm nghiệp năm qua dù gặp nhiều khó khăn tác động thời tiết, giá vật tư tăng cao, lao động nông thôn giảm nhưng các lĩnh vực sản xuất nông lâm nghiệp đều đạt kết quả khá. Sản xuất lương thực toàn huyện gieo trồng 6.674ha lúa, 2.400ha rau màu trong đó diện tích lúa lai chiếm 62%, năng suất bình quân lúa 54,8 tạ ha, ngô 46,2 tạ ha, tăng cao hơn so với năm trước, đảm bảo sản lượng lương thực cả năm gần 47,661 ngàn tấn, vượt 1% KH và tăng 10% so với năm trước. Nét mới trong sản xuất nông nghiệp là ngoài cây lương thực, huyện tiếp tục duy trì, phát triển các cây rau màu, cây công nghiệp có nhiều lợi thế như khoai lang 565ha, đậu tương 342ha, lạc 335ha, rau các loại 1.300ha, diện tích chè 2.291ha, sơn lấy nhựa 635ha. Cùng với trồng trọt năm 2014 ghi nhận sự khởi sắc và đổi mới phát triển chăn nuôi, thủy sản. Toàn huyện duy trì đàn trâu, bò gần 26 ngàn con, đàn lợn 85,38 ngàn con, đàn gia cầm 1,2 triệu con và có 360ha nuôi thủy sản. Do áp dụng các tiến bộ kỹ thuật chăn nuôi, tích cực phòng trị bệnh mà số lượng, chất lượng đàn vật nuôi tăng lên, sản lượng thịt hơi đạt gần 9.000 tấn, tăng 20%, sản lượng thủy sản nuôi đạt 890 tấn, tăng 3,5% so với năm trước. Trong năm toàn huyện đã huy động các nguồn lực trồng mới 1.859ha rừng tập trung, 88,7 ngàn cây phân tán, bảo vệ 7.700ha rừng tự nhiên, khai thác trên 90 ngàn m3 gỗ các loại.

Với quan điểm tạo hành lang pháp lý, cơ chế thuận lợi để doanh nghiệp, doanh nhân yên tâm đầu tư, khai thác tốt lợi thế, năm qua dù xuất hiện một số khó khăn do tác động thị trường, Chính phủ xiết chặt quản lý vận tải… song sản xuất công nghiệp –TTCN trên địa bàn vẫn giữ được nhịp độ tăng trưởng trên 12,6%, với giá trị  đạt  936,5 tỷ đồng. Một số lĩnh vực có thế mạnh như khai thác quặng, chế biến chè, gỗ, đá xây dựng  đạt kết quả khá, trong đó chè chế biến đạt 10.638 tấn, tăng gần 5%, đá xây dựng 466.000 m3, tăng 12,1%... Với lợi thế một số địa phương có truyền thống phát triển dịch vụ thương mại, năm qua huyện tiếp tục chỉ đạo các xã, thị trấn tạo cơ chế thuận lợi, tranh thủ tốt chương trình đưa hàng Việt về nông thôn của các doanh nghiệp và hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”  mở nhiều điểm dịch vụ, nhiều hình thức buôn, bán giúp người dân tiếp cận mua sắm hàng hóa và tiêu thụ nông sản. Riêng trong năm huyện đã tổ chức thành công hai kỳ hội chợ thương mại ở xã Văn Miếu, thị trấn Thanh Sơn, duy trì hoạt động  khách sạn, nhà hàng truyền thống, tiếp tục phát triển cơ sở dịch vụ siêu thị, đại lý lớn. Nhờ được quan tâm, tạo điều kiện số hộ và số doanh nghiệp tham gia kinh doanh thương mại, dịch vụ trên địa bàn liên tục tăng, toàn huyện đạt doanh số gần 700 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 34,6% cơ cấu kinh tế. Trong đó riêng lĩnh vực vận tải toàn huyện có 27 doanh nghiệp với trên 340 đầu xe vận tải phục vụ chuyên chở khách, hàng hóa đến khắp mọi miền Tổ quốc.

 Nhờ duy trì được nhịp độ phát triển kinh tế mà đời sống của nhân dân trong năm qua tiếp tục ổn định và cải thiện. Thu nhập bình quân đầu người đạt trên 17 triệu đồng, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống 16,16%, giảm hơn 4% so với năm trước, thu ngân sách vượt chỉ tiêu kế hoạch; đặc biệt toàn huyện huy động trên 444 tỷ đồng đầu tư phát triển, các hoạt động văn hóa, xã hội ổn định, có nhiều cải thiện, an ninh trật tự, an toàn xã hội giữ vững. Huyện đã hoàn thành tốt tổ chức đại hội MTTQ và đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tăng cường sức mạnh hệ thống chính trị. Dù kết thúc năm còn một số dự án đầu tư do tác động tiết giảm đầu tư chưa được khởi công, thu nhập của một bộ phận dân cư chưa cao song cơ bản kết quả năm 2014 hoàn thành vượt mức kế hoạch, tăng trưởng ở mức cao đã tạo đà để năm 2015 huyện vươn lên hoàn thành xuất sắc kế hoạch phát triển kinh tế xã hội. Duy trì mức tăng trưởng kinh tế trên 10%, nâng mức thu nhập bình quân đầu người trên 19 triệu đồng, giảm hộ nghèo trên 3%, huy động 450 tỷ đồng xây dựng cơ bản, tạo việc làm mới trên 1.200 lao động, 6 trường đạt chuẩn Quốc gia, 85% dân số tham gia bảo hiểm y tế, 100% khu dân cư có nhà văn hóa, 88% hộ dân sử dụng nước sạch, 6 xã thu gom xử lý rác thải tập trung.

Để đạt mục tiêu trên huyện tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, phát động phong trào thi đua lập thành tích chào mừng những ngày lễ lớn và đại hội đảng các cấp. Chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tạo cơ chế thuận lợi cho các doanh nghiệp, doanh nhân yên tâm đầu tư sản xuất, kinh doanh, phối hợp các ngành ở tỉnh tiếp tục tháo gỡ khó khăn đưa các dự án trọng điểm vào khởi công, đẩy nhanh tiến độ. Ưu tiên khai thác các lĩnh vực có thế mạnh như sản xuất nông lâm nghiệp, công nghiệp khai khoáng, chế biến nông, lâm sản, chăn nuôi đại gia súc… tạo đột phá trong sản xuất, huy động nguồn lực xây dựng nông thôn mới. Quản lý tốt các nguồn thu, tiết kiệm chi, dành nhiều nguồn vốn cho đầu tư phát triển, quản lý xã hội qua đó duy trì, phát triển vững chắc các chương trình văn hóa, xã hội, giảm nghèo và củng cố an ninh, quốc phòng.

Nguồn Báo: Phú Thọ Online

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất

Liên kết website