Tam Nông đồng thuận xây dựng nông thôn mới
Từ chương trình xây dựng nông thôn mới, đến nay xã Dậu?Dương (huyện Tam Nông) đã có hệ thống kênh mương đảm bảo phục vụ tốt cho sản xuất nông nghiệp.
Từ chương trình xây dựng nông thôn mới, đến nay xã Dậu Dương (huyện Tam Nông) đã có hệ thống kênh mương đảm bảo phục vụ tốt cho sản xuất nông nghiệp.

Xác định xây dựng nông thôn mới (NTM) là chủ trương lớn của Nhà nước, những năm qua huyện Tam Nông đã tập trung nguồn lực để đầu tư cho chương trình này. Ngay sau khi có văn bản của Trung ương, của tỉnh, huyện đã thành lập Ban chỉ đạo tổ chức quán triệt các nội dung văn bản chỉ đạo của cấp trên đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền để các cấp, ngành, nhân dân nhận thức rõ và nhanh chóng triển khai thực hiện.

Do làm tốt công tác tuyên truyền nhận thức của người dân và một số cán bộ, đảng viên đã hiểu rằng xây dựng NTM không chỉ là một chương trình đầu tư xây dựng cơ bản mà là một chương trình tổng thể phát triển kinh tế - xã hội trong đó nhân dân là chủ thể. Từ những thay đổi trong nhận thức đã tạo động lực phát huy sức mạnh, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của các cấp, ngành và nhân dân chung tay xây dựng NTM, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của huyện, chuyển dịch cơ cấu lao động, đời sống của người dân không ngừng được nâng lên. Hiện nay, các công trình đầu tư xây dựng đang phát huy hiệu quả, người dân góp sức cùng Nhà nước xây dựng NTM với nhiều điển hình trong việc hiến đất, góp của, góp công thực hiện công tác giải phóng mặt bằng. Tính đến tháng 8 năm 2014, tổng kinh phí hỗ trợ trực tiếp từ chương trình xây dựng NTM là trên 35 tỷ đồng. So với bộ tiêu chí NTM, hiện nay huyện Tam Nông đã có 3 xã đạt từ 16-17 tiêu chí là Thượng Nông, Dậu Dương, Hương Nộn; 7 xã đạt từ 10-14 tiêu chí và không có xã nào đạt dưới 6 tiêu chí. Kết quả từ thực hiện chương trình xây dựng NTM được thể hiện rõ trong phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân. Đây là một yếu tố quan trọng, có tính chất quyết định tới sự thành công, hiệu quả xây dựng NTM. Trên cơ sở thực tiễn của địa phương, huyện đã tập trung chỉ đạo thực hiện tốt việc dồn đổi ruộng đất, xây dựng và nhân rộng mô hình cánh đồng mẫu lớn, đẩy mạnh áp dụng tiến bộ KHKT, đưa cơ giới hóa vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, hiệu quả kinh tế trong nông - lâm - nghiệp, thủy sản, gắn với nâng cao trình độ thâm canh, từng bước hình thành các vùng sản xuất tập trung. Đến nay, Tam Nông đã triển khai 3 dự án nông nghiệp về phát triển thủy sản huyện theo hướng sản xuất hàng hóa; phát triển nông nghiệp cận đô thị bao gồm sản xuất rau an toàn theo hướng VietGap với quy mô 10ha tại các xã Hương Nộn, Dậu Dương và nuôi cá lồng trên sông Bứa cùng nhiều chương trình ứng dụng khoa học công nghệ khác.

Được sự hỗ trợ từ dự án rau an toàn của tỉnh và chương trình xây dựng NTM, ông Nguyễn Văn Nhung (ở khu 7, xã Dậu Dương) đầu tư mô hình trồng rau trong nhà lưới trị giá gần 20 triệu đồng, bước đầu cho thu hoạch và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ông cho biết: “Dậu Dương có truyền thống trồng rau quả, hàng năm trừ chi phí mỗi héc-ta cho thu lãi khoảng 200 triệu đồng. Nhận thấy hiệu quả kinh tế từ trồng rau quả, người dân trong xã đã tích cực đầu tư sản xuất và coi đây là một trong những công việc chính trong sản xuất nông nghiệp”. Rời những ruộng rau quả, chúng tôi đến thăm mô hình trồng bưởi Diễn của một số hộ dân trong xã. Bên những gốc bưởi sai trĩu quả, bà Nguyễn Thị Thanh (ở khu 8, xã Dậu Dương) phấn khởi: “Trồng bưởi Diễn không tốn nhiều vốn ban đầu, mất ít công chăm sóc mà hiệu quả kinh tế lại cao. Hiện nay gia đình tôi có 50 gốc bưởi, mỗi vụ bán được từ 30-50 triệu đồng, góp phần tạo thu nhập đáng kể cho gia đình”. Hiệu quả của  các mô hình kinh tế, sản xuất nông nghiệp là một minh chứng rõ nét cho quá trình thúc đẩy xây dựng NTM. Giờ đây nhiều xã trong huyện đã chú trọng đầu tư sản xuất, phát huy công sức từ chính người dân - chủ thể xây dựng NTM nhằm mang lại kết quả cụ thể, thiết thực, góp phần xây dựng NTM ở Tam Nông.

Những năm qua, huyện Tam Nông đã tập trung huy động mọi nguồn lực để phát triển hạ tầng, đặc biệt là giao thông nông thôn. Trong điều kiện còn nhiều khó khăn, huyện đã có chính sách hỗ trợ phù hợp, đồng thời huy động sự tham gia góp sức của người dân và cộng đồng. Đến nay, tổng chiều dài đường nhựa tăng gần chục km so với năm 2011, các trục đường thôn, ngõ xóm được mở mang và bê tông hóa, đường trục chính nội đồng được cứng hóa, phục vụ bà con sản xuất. Các địa phương cũng rất chú trọng đến hệ thống công trình thủy lợi, nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy. Ngoài ra, vấn đề nước sạch, vệ sinh môi trường, giáo dục, y tế, văn hóa được tích cực đầu tư xây dựng, nâng cấp từ các nguồn vốn lồng ghép. Đến nay, nhiều trạm y tế của các xã đã được xây dựng mới, đạt chuẩn giai đoạn 2010-2020. Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư gắn với xây dựng NTM” và phong trào thi đua chung sức xây dựng NTM được đẩy mạnh, tạo nên khối đại đoàn kết toàn dân, thi đua lao động sản xuất, xây dựng NTM trong toàn huyện.

Tuy nhiên, sau 4 năm thực hiện lộ trình xây dựng NTM, đến nay Tam Nông vẫn còn những khó khăn, vướng mắc cần giải quyết, trong đó khó khăn cơ bản là nguồn vốn. Đối với một huyện miền núi, điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân, trong khi đó nội lực kinh tế khu vực nông thôn còn yếu, thu hút đầu tư của các thành phần kinh tế vào địa phương còn hạn chế. Do vậy, xuất phát điểm trong việc xây dựng NTM ở một số địa phương còn thấp. Đến nay, các xã đi đầu trong xây dựng NTM là Hương Nộn, Dậu Dương, Thượng Nông đã cơ bản đạt từ 16-17 tiêu chí. Các tiêu chí còn lại chủ yếu là các tiêu chí khó đạt và cần nhiều vốn như thủy lợi, giao thông… Chia sẻ về những khó khăn với chúng tôi, ông Đào Tiến Lực - Chủ tịch UBND xã Dậu Dương cho biết: “Sau quá trình nỗ lực triển khai thực hiện chương trình xây dựng NTM, đến thời điểm này xã chúng tôi đã đạt 16/19 tiêu chí và 2 tiêu chí chuẩn bị được công nhận đạt trong đầu năm 2015 là thủy lợi và cơ sở vật chất văn hóa. Còn lại tiêu chí về giao thông rất khó khăn vì cần nhiều kinh phí. Mặc dù đã huy động các nguồn lực nhưng đến nay hệ thống giao thông nông thôn, giao thông nội đồng vẫn chưa thể hoàn thành”.

Về những giải pháp nhằm tiếp tục thực hiện chương trình xây dựng NTM, đồng chí Bùi Đình Thi - Chủ tịch UBND huyện cho biết: Trên cơ sở đánh giá thực tế, huyện thấy được những khó khăn, vướng mắc trong xây dựng NTM và đưa ra giải pháp tháo gỡ thời gian tới. Trong đó, vấn đề xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu sẽ được chú trọng đầu tư có trọng tâm, trọng điểm như: Giao thông, thủy lợi, nước sạch, môi trường, trạm y tế... Chủ động lồng ghép có hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ trực tiếp của các chương trình giao thông nông thôn, kiên cố hóa kênh mương, giao cho cộng đồng dân cư thực hiện những công trình gắn liền với lợi ích được hưởng để huy động nguồn lực của dân. Song song với đó, huyện tập trung chỉ đạo các xã phát triển sản xuất, xây dựng những mô hình có thu nhập cao, có khả năng nhân rộng; đưa phương tiện, máy móc cơ giới vào sản xuất nông nghiệp nhằm giảm chi phí đầu vào, tăng thu nhập cho người dân. Ngoài ra, huyện sẽ đẩy mạnh đào tạo nghề cho lao động nông thôn, tích cực giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội; bố trí lồng ghép các nguồn lực của tỉnh, huyện với các chương trình mục tiêu cho các xã NTM theo kế hoạch, huy động tốt các nguồn lực ngoài ngân sách; khuyến khích, tạo môi trường thông thoáng thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn để tiếp tục thực hiện chương trình xây dựng NTM.

Bằng những giải pháp đồng bộ, cụ thể, sát với thực tiễn của địa phương, hy vọng chương trình xây dựng NTM ở Tam Nông sẽ đạt kế hoạch đề ra, đảm bảo bền vững và có sức lan tỏa rộng rãi để tạo nên diện mạo NTM trên quê hương anh hùng.
Nguồn báo: Phú Thọ Online

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất

Liên kết website