Phú Thọ là tỉnh trung du miền núi phía bắc. Điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng có một số khác biệt lớn so với các vùng lân cận. Tuy nhiên từ khi có Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng NTM đến nay Phú Thọ đã có nhiều khởi sắc. Bộ mặt nông thôn ở nhiều nơi được đổi thay, văn minh và tiến bộ hơn rất nhiều so với trước kia.
Điểm nổi bật nhất mà chúng tôi nhận thấy đó là cơ sở hạ tầng được nâng cấp. Hàng ngàn mô hình chuyển đổi hình thức sản xuất từ tự cấp, tự túc sang sản xuất hàng hóa gắn với thị trường đã được thực hiện. Bộ mặt nông thôn mới đang được hình thành.
Chúng tôi có dịp về huyện Thanh Sơn ít ngày nhưng đã cảm nhận được sự thay đổi vượt bậc về mọi mặt. Các xã trên địa bàn huyện đã triển khai tổng số 36 hạng mục, công trình. Trong đó có triển khai 23 công trình đường giao thông nông thôn, tổng chiều dài 22 km, 3 công trình thủy lợi với tổng chiều dài khoảng 5km, 9 công trình trường học, 1 công trình điện. Với vùng đất này thì con số ấy quả là khá ấn tượng. Qua trao đổi với lãnh đạo, địa phương và Ban chỉ đạo triển khai xây dựng NTM, các anh đều cho rằng: Để chương trình xây dựng NTM đạt hiệu quả thì dân chủ là vấn đề hàng đầu. Từ cấp triển khai đến khi người dân thực hiện cũng cần phải công khai minh bạch. Việc làm dù nhỏ, dù lơn, từ quy hoạch đến xây dựng đường làng, ngõ xóm người dân cũng cần phải được biết, được bàn, như thế hiệu quả sẽ cao hơn. Điểm nổi bật trong phong trào xây dựng NTM đó là tấm lòng nhân đạo, ý thức tự giác của mỗi người dân. Điều đó thể hiện qua việc có nhiều người tình nguyện hiến đất, chặt cây, đóng góp công sức.
Khi về huyện Tân Sơn chúng tôi mới biết 100% các xã đã hoàn thành công tác lập quy hoạch, đề án xây dựng nông thôn mới cấp xã. Chất lượng quy hoạch, đề án đảm bảo theo hướng dẫn của Trung Ương và tỉnh. Tính đến tháng 11/2014 đã có 2 xã đạt từ 10-15 tiêu chí, 14 xã đạt từ 5-9 tiêu chí. Tổng số tiêu chí các xã trên địa bàn huyện đạt 108 tiêu chí. Bình quân tiêu chí của huyện đạt 6,75 tiêu chí/xã. Tính đến năm 2014, địa phương đã triển khai thực hiện tổng số 30 mô hình, trong đó có 11 mô hình trồng , 8 mô hình chăn nuôi, 2 mô hình thủy sản, 2 mô hình cơ giới hóa và 7 mô hình khác như tập huấn kỹ thuật, kinh doanh giống và vật tư nông nghiệp chậm trả... tổng số có trên 760 hộ và tổ chức tham gia, hưởng lợi..
Chúng tôi về xã Kim Phượng và Xuân Sơn thấy những con đường bê tông sáng trắng, chuồng trại chăn nuôi bà con đưa ra xa nơi ở, học sinh được đến lớp đầy đủ, điện lưới Quốc gia sáng trắng… Điều đó trước đây vẫn là sự mơ ước của nhiều người. Ông Lê Văn Nam là một trong số những người cao tuổi ở đây cho biết: “Từ ngày có chương trình Quốc gia về Xây dựng NTM, địa phương chúng tôi đã khởi sắc nhiều lắm. Hệ thống đường nông thôn do nhân dân tự làm, thiết chế văn hóa thôn, bản được giữ vững. Đúng là Nông thôn mới về thì cái gì cũng mới”.
Theo trưởng ban chỉ đạo Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới tỉnh Phú Thọ phát biểu : “Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới được Đảng, Nhà nước, các cấp chính quyền đặc biệt quan tâm và chỉ đạo sát sao, người dân đồng thuận cao trong quá trình triển khai thực hiện. Phú Thọ được Trung ương chọn là tỉnh chỉ đạo điểm thực hiện xây dựng nông thôn mới, đây là định hướng quan trọng và là cơ sở, điều kiện thuận lợi trong quá trình thực hiện chương trình”.
Thực tế cho thấy, 5 năm qua tỉnh Phú Thọ gặp nhiều khó khăn, nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp và nông thôn chưa đáp ứng được nhu cầu của các địa phương. Trong khi nội lực kinh tế khu vực nông thôn còn yếu, thu hút đầu tư của các thành phần kinh tế vào khu vực này chưa cao. Tuy nhiên mục tiêu Xây dựng nông thôn mới là chương trình tổng hợp có phạm vi ảnh hưởng rộng, trong khi đó kinh nghiệm của đội ngũ cán bộ chỉ đạo, quản lý và điều hành chương trình chưa nhiều… Song ngay sau khi có chương trình, cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp đã triển khai nghiêm túc việc quán triệt, phổ biến sâu rộng Nghị quyết, kết quả có 100% chi, đảng bộ.
Thông qua đó mọi người đã nhận thức đầy đủ hơn về vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng của xây dựng nông thôn mới. Chương trình phát triển bò thịt, lợn thịt chất lượng cao, dự án một số cây ăn quả đặc sản được phục hồi và mở rộng như Bưởi Đoan Hùng bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cho người sản xuất… Điều đó cho thấy các chương trình nông nghiệp trọng điểm đã góp phần thực hiện mục tiêu đảm bảo an toàn lương thực, giảm nghèo, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, đời sống cho người nông dân. Rõ nét nhất là ước tính năm 2014 thu nhập đầu người đạt 19,8 triệu đồng/ năm. Dự định đến năm 2015 có 3 huyện và 95 xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới. Muốn kinh tế, chính trị phát triển thì vấn đề giao thông cũng đã được địa phương coi trọng.
Sau 3 năm thực hiện phát triển đường giao thông nông thôn đã trở thành phong trào rộng khắp ở các địa phương, trong điều kiện nguồn lực hạn chế, nhiều địa phương đã có những chính sách hỗ trợ phù hợp nên đã huy động được nhiều sự tham gia của người dân và cộng đồng. Đến nay đã làm mới 37 km đường, nâng cấp cải tạo trên 1.400 km đường gồm đường bê tông nhựa, đá dăm láng nhựa, đường bêtông xi măng, làm mới 32 cây cầu...
Tại một số vùng nông thôn chúng tôi thấy bà con vui mừng và phấn khởi hơn cả là có nguồn nước sạch để phục vụ sinh hoạt. Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, các địa phương đã xây dựng, nâng cấp các công trình nước sạch tập trung, bãi thu gom rác thải, cống rãnh thoát nước thải vệ sinh. Đến nay toàn tỉnh đã đầu tư 18 dự án cấp nước sạch, xây dựng hệ thống thu gom, xử lý rác thải cho 2 xã điểm Sơn Dương và Đồng Luận. Từ nguồn vốn Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới đã triển khai 376 công trình hạ tầng thiết yếu với tổng vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ đến hết năm 2014 là trên 360.000 triệu đồng , trong đó ngân sách Trung ương là 315.000 triệu đồng, ngân sách tỉnh là 50.000triệu đồng để làm 224 công trình giao thông liên xã, liên thôn, ngõ xóm, nội đồng, 45 công trình thủy lợi, công trình điện, chợ, trường học...
Với những kết quả đã đạt được trong mục tiêu Quốc gia về xây dựng NTM, cuộc sống của người dân vùng nông thôn ở Phú Thọ đang dần thay đổi từng ngày.
Nguồn: anhsangvacuocsong.vn