|
Nông dân xã Mỹ Thuận (huyện Tân Sơn) chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa các giống khoai tây, bí đỏ... vào trồng trong vụ đông để tăng giá trị kinh tế.
Ảnh: Phương Thanh |
Vụ chiêm xuân vẫn được coi là vụ sản xuất chính với 1.930ha lúa, trong đó 1.245ha lúa lai các loại, 300ha lúa lai chất lượng cao… Ngô được gieo trồng trên 540ha còn lại là các loại cây trồng khác như khoai lang, lạc, sắn, đậu tương và rau xanh các loại. Để đảm bảo an toàn cho mùa vụ, huyện bố trí sản xuất 100% cấy trà xuân muộn và hỗ trợ 100% giống, phân vô cơ bón lót và tiếp tục nhân rộng mô hình lúa lai, đồng thời tăng cường các tiến bộ kỹ thuật nhằm giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất trên một đơn vị diện tích như phương pháp SRI ứng dụng trên 800ha. Đến nay, toàn huyện đã làm xong trên 1.200ha diện tích để sẵn sàng gieo cấy. Ông Hoàng Văn Huấn - Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Thuận cho biết: Ba năm trở lại đây, hệ thống thủy nông hoàn thiện đã giúp cho địa phương chủ động hơn trong sản xuất rất nhiều, nhất là vào vụ chiêm. Hiện nay, chúng tôi đôn đốc bà con thu hoạch ngô vụ đông sau đó tiến hành làm đất để cấy lúa chiêm với 100% diện tích là cấy trà xuân muộn. Bà Hà Thị Nguyệt - nông dân xóm Chiềng xã Mỹ Thuận cho biết: “Xóm Chiềng ở trên cao, chúng tôi làm ruộng năm nào cũng lo bắt nước, nhưng 2 năm nay không lo bắt nước vì có thủy nông lo hộ rồi, vì thế chúng tôi cày bừa xong là có thể cấy được ngay theo khung thời vụ”.
Cùng với cây lúa lai, lúa chất lượng cao trên địa bàn Tân Sơn còn triển khai một số chương trình khác như phát triển thủy sản, mô hình cây lâm nghiệp. Do được hỗ trợ từ nhiều nguồn vốn khác nhau, nên nông dân nhất là hộ nghèo đã có điều kiện đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chủ động phòng chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi… để sản xuất đạt hiệu quả cao cả về diện tích, năng suất và chất lượng. Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi không chỉ nhằm đảm bảo lương thực tại chỗ mà còn góp phần quan trọng trong quá trình xây dựng nông thôn mới.
Nguồn Báo: Phú Thọ Onlnine