PTO- Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới qua 4
năm triển khai cho thấy những thành quả mang lại đã góp phần thay đổi
hẳn bộ mặt nông thôn. Đời sống kinh tế của nông dân được nâng cao; hệ
thống cơ sở hạ tầng được cải thiện, nâng cấp thuận tiện cho sản xuất;
các mô hình có hiệu quả kinh tế cao được nhân rộng; tình hình an ninh
trật tự được giữ ổn định; trình độ dân trí được nâng lên…
Tuy nhiên, sau
khi xây dựng thành công nông thôn mới, các địa phương không nên bằng
lòng với những thành quả đã đạt được mà cần phải tiếp tục phấn đấu, hoàn
thiện 100% các chỉ tiêu, tiêu chí…
|
Phát triển thủy sản là hướng đi thay đổi cơ cấu,
sản xuất tạo nguồn thu nhập có hiệu quả kinh tế góp phần xây dựng nông
thôn mới ở xã Cao Xá (huyện Lâm Thao). |
Tính đến hết năm 2014, toàn tỉnh đã có
10 xã đạt chuẩn nông thôn mới bao gồm Thụy Vân (thành phố Việt Trì);
Đồng Luận (huyện Thanh Thủy); Đông Thành (huyện Thanh Ba); Thanh Minh
(thị xã Phú Thọ); Tứ Xã, Sơn Dương, Hợp Hải, Cao Xá, Xuân Huy và Thạch
Sơn (huyện Lâm Thao). Đến thăm các xã này, điều dễ nhận thấy nhất là
đường sá gọn gàng, sạch đẹp; đời sống của người dân thay đổi rõ rệt so
với trước; hệ thống kênh mương phục vụ sản xuất nông nghiệp, giao thông
nội đồng được kiên cố hóa khiến sản xuất nông nghiệp thuận lợi hơn trước
nhiều. Ông Vi Văn Hải, ở xã Đông Thành, huyện Thanh Ba phấn khởi khi xã
được đón nhận danh hiệu xã đạt chuẩn nông thôn mới cho biết: Thời gian
đầu, khi UBND xã thông báo về chủ trương xây dựng nông thôn mới, nhiều
người bảo nhau. Đông Thành thì có gì đâu để xây dựng nông thôn mới, toàn
những cái phải đầu tư nhiều tiền. Dân Đông Thành nghèo, chỉ trông vào
mấy sào lúa, lạc, tiền đâu mà đóng góp. Dưới sự tuyên truyền vận động
của chính quyền xã, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, chúng
tôi cũng dần hiểu xây dựng nông thôn mới sẽ mang lại những lợi ích cho
chính người nông dân như chúng tôi nên cả xã vận động nhau cùng làm. Nhà
thì hiến đất, người thì đóng góp ngày công, ai có điều kiện có thể ủng
hộ bằng tiền, nhất là đối với con em xa quê. Trước kia, nhắc đến đi Đông
Thành là nhiều người rất ngại bởi đường xấu, nắng bụi, mưa lầy thụt.
Bây giờ đường sá sạch sẽ, rộng rãi, đi xe máy đến tận ruộng vào ngày mưa
cũng chẳng sợ lấm. Đường sá thuận tiện, sản phẩm làm ra chuyên chở đi
bán cũng hơn.
Những ích lợi to lớn do xây dựng thành công nông thôn mới mang lại đã
thay đổi hẳn bộ mặt của nông thôn. Có thể nói để xây dựng thành công
nông thôn mới là nỗ lực của toàn thể cán bộ và đảng viên, nhân dân địa
phương. Tuy nhiên, đạt chuẩn nông thôn mới cũng không có nghĩa là đã
hoàn thành mục tiêu đề ra. Thực tế gần như toàn bộ các xã trên địa bàn
tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2014 đều mới chỉ cơ bản đạt tỷ lệ
% các chỉ tiêu, tiêu chí theo quy định; tiêu chí đạt 100% khá thấp. Do
đó, tiếp tục xây dựng nông thôn mới sau khi đạt chuẩn vẫn là yêu cầu
cấp thiết được đặt ra. Không khó để nhận ra rằng xây dựng nông thôn mới
sau giai đoạn đạt chuẩn sẽ gặp rất nhiều khó khăn so với trước kia. Điều
đầu tiên là vấn đề nguồn kinh phí. Trước đây, các địa phương đều được
nguồn ngân sách hỗ trợ, thêm nguồn vốn lồng ghép từ các dự án, chương
trình khác nhau nên cũng có được số tiền không nhỏ để đầu tư xây dựng,
nhất là đối với hệ thống cơ sở hạ tầng luôn cần nguồn vốn lớn. Ví dụ như
xã Đông Thành, trong 4 năm xây dựng nông thôn mới thì nguồn vốn ngân
sách của Trung ương và địa phương là khoảng 22 tỷ đồng; nguồn vốn lồng
ghép từ các chương trình, dự án khác khoảng 300 tỷ đồng; xã Cao Xá cũng
được hỗ trợ trên 30 tỷ đồng; xã Thanh Minh cũng được đầu tư khoảng 18 tỷ
đồng từ ngân sách… Sau khi đạt chuẩn, các nguồn hỗ trợ sẽ bị giảm bớt
để đầu tư cho các địa phương khác nên vấn đề huy động nguồn lực tại chỗ
sẽ trở thành then chốt. Muốn vậy, chính quyền các xã càng phải có sự
năng động; có cơ chế tạo điều kiện thuận lợi cho người dân địa phương
phát triển các hình thức kinh tế khác nhau; thu hút đầu tư từ bên ngoài.
Bên cạnh đó cũng không thể bỏ qua việc hỗ trợ từ con em địa phương công
tác xa quê.
|
Xã Phù Ninh (huyện Phù Ninh) thay đổi cơ cấu cây
trồng trên 1 đơn vị diện tích giúp người dân tăng thu nhập, góp phần
xây dựng NTM. |
Khó khăn nữa là việc nhân rộng các mô
hình phát triển kinh tế. Trước đây, để thúc đẩy sản xuất phát triển, đưa
các giống mới vào thực tế nên các mô hình đều có được sự hỗ trợ nhất
định. Điều đó đã khiến cho một số người hình thành nên tư tưởng ỷ lại,
trông chờ vào chế độ hỗ trợ của Nhà nước, không mạnh dạn đầu tư phát
triển trên nền sẵn có. Để giải quyết vấn đề này thì tuyên truyền là giải
pháp không thể thiếu. Ông Nguyễn Đình Nhân ở khu 3, xã Tứ Xã khẳng
định: Lúc bắt tay vào xây dựng nông thôn mới, chúng tôi cứ thấy nó mông
lung, cao siêu lắm. Thế nhưng thông qua sự tuyên truyền, vận động của
chính quyền địa phương thì những chỉ tiêu ấy chính là những quyền lợi
phục vụ cho chính cuộc sống hàng ngày của chúng tôi. Nơi khác làm được
thì chúng tôi cũng làm được. Chỉ cần mọi người đều đoàn kết, chung sức
thì mọi việc sẽ thành công.
Trong quá trình xây dựng nông thôn mới thành công ở các xã đã đạt chuẩn,
không thể không nhắc tới vai trò quan trọng của công tác tuyên truyền.
Với phương thức mưa dầm thấm lâu, thông qua các tổ chức, đoàn thể, các
khu dân cư, các hình thức tuyên truyền đã giúp người dân thay đổi dần
nhận thức, cùng đồng lòng chung sức, đóng góp để hoàn thành mục tiêu đặt
ra. Đối với người nông dân, có sức lay chuyển mạnh mẽ nhất là những
quyền lợi mà họ được thụ hưởng từ các mô hình kinh tế có mang lại giá
trị cao; nước sạch được đưa đến từng hộ; môi trường ngày càng sạch đẹp
hơn; an ninh trật tự ngày càng đảm bảo để họ yên tâm sản xuất, công tác.
Để tạo động lực cho các địa phương tiếp tục phấn đấu hoàn thành 100% các
chỉ tiêu, tiêu chí xây dựng nông thôn mới một cách bền vững thì nên
chăng các cấp, các ngành cần có các hình thức động viên, khen thưởng như
danh hiệu xã nông thôn mới tiên tiến, xã nông thôn mới xuất sắc… như
một số tỉnh đã và đang thực hiện.
Đạt chuẩn nông thôn mới là cột mốc quan trọng đầu tiên để xây dựng nông
thôn ngày càng văn minh, hiện đại. Tiếp tục xây dựng nông thôn mới sau
đạt chuẩn càng gặp nhiều khó khăn nhưng tất cả các xã đã đạt chuẩn trong
thời gian vừa qua của tỉnh đều khẳng định quyết tâm sẽ hoàn thành mục
tiêu đó bởi có điều quan trọng nhất là sự đồng lòng, chung sức, đoàn
kết, sáng tạo của tập thể và chính quyền địa phương.
Nguồn báo: Phú Thọ Online