Khai thác tốt tiềm năng, phấn đấu xây dựng Thanh Thuỷ sớm trở thành huyện nông thôn mới

Từng bước hoàn thiện hạ tầng Khu du lịch Đảo Ngọc Xanh, tạo bước đột phá phát triển du lịch huyện Thanh Thủy và tỉnh Phú Thọ.
Từng bước hoàn thiện hạ tầng Khu du lịch Đảo Ngọc Xanh, tạo bước đột phá phát triển
du lịch huyện Thanh Thủy và tỉnh Phú Thọ.


       Sau 5 năm thực hiện có 18 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu, ba khâu đột phá đạt kết quả quan trọng tạo bước phát triển quan trọng. Cụ thể về kinh tế  tiếp tục phát triển toàn diện, tốc độ tăng trưởng đạt bình quân 8,3%, hình thành một số khu vực sản xuất hàng hóa, dịch vụ phát triển. Nông, lâm nghiệp, thủy sản có chuyển biến tích cực từ lượng sang chất, tác động mạnh mẽ tới chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới. Các lĩnh vực thế mạnh của địa phương như sản xuất lương thực, chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản… đều đạt và vượt mục tiêu. Đáng chú ý xu thế sản xuất hàng hóa, tăng giá trị được quan tâm mở rộng. Đến nay giá trị sản xuất một ha đạt 96,6 triệu đồng/năm, lương thực bình quân đầu người đạt 410 kg/năm. Trong 5 năm toàn huyện đã huy động trên 1.300 tỷ đồng đầu tư chương trình xây dựng nông thôn mới, đến nay có 12 xã đạt 12 tiêu chí trở lên, trong đó có 2 xã được công nhận xã nông thôn mới. Công nghiệp, TTCN đã kết hợp ngành nghề truyền thống, lợi thế địa phương với thu hút đầu tư, phát triển ngành nghề mới, đạt mức tăng bình quân hàng năm gần 20%, góp phần thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế, tăng  thu nhập cho người dân. Trong quá trình phát triển, huyện xác định rõ lợi thế nên rất chú trọng tạo môi trường, cơ chế để thu hút, mở mang các cơ sở dịch vụ, thương mại, du lịch nhằm tạo việc làm, phục vụ hữu hiệu cho phát triển kinh tế, xã hội. Huyện đã tranh thủ tốt chính sách thu hút đầu tư của Trung ương, của tỉnh nhờ đó các cơ sở khách sạn, nhà hàng, điểm du lịch… được xây dựng, từng bước đưa Thanh Thủy từ huyện nghèo dần trở thành điểm thu hút du lịch hấp dẫn trên địa bàn, giải quyết việc làm mới hằng năm cho trên 1.600 lao động, vượt mục tiêu nghị quyết đại hội.

       Cùng với kinh tế, nhiệm kỳ qua Đảng bộ chú trọng quan tâm đầu tư lĩnh vực văn hóa, xã hội, cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, góp phần quan trọng vào sự ổn định và phát triển. Về giáo dục quy mô trường lớp được duy trì, phát triển hợp lý, chất lượng đào tạo ngày một nâng lên thỏa mãn nhu cầu học tập ngày càng cao của cộng đồng. Hết năm 2015 toàn huyện có 75% số trường học đạt chuẩn quốc gia, kết quả phổ cập giáo dục mầm non, tiểu học, THCS đúng tiến độ. Về mạng lưới y tế cơ sở được củng cố, công tác khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe người dân ngày càng tốt hơn. Các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch… được triển khai rộng khắp, góp phần nâng cao đời sống tinh thần, sức khỏe người dân. Thông qua cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” đến nay có 100% khu dân cư có nhà văn hóa, 75% số hộ, 57% số khu được công nhận đạt tiêu chuẩn văn hóa. Đặc biệt các cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ du lịch được đầu tư, nâng cấp đáng kể, đã thu hút lượng khách đến tham quan, nghỉ dưỡng ngày càng đông, tạo ra điểm nhấn quan trọng  góp phần thực hiện khâu đột phá về du lịch trên địa bàn tỉnh. Trong nhiệm kỳ đã huy động gần 3.500 tỷ đồng đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật, qua đó nâng cấp các công trình giao thông, thủy lợi, điện, cơ sở dịch vụ, du lịch… từng bước xây dựng Thanh Thủy thành huyện giàu đẹp, hiện đại.

       Trong quá trình lãnh đạo thực hiện các nhiệm vụ chính trị, công tác xây dựng Đảng được quan tâm chú trọng. Đảng bộ thực hiện nghiêm túc và có kết quả các cuộc vận động mọi chỉ thị, nghị quyết góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng, đảng viên, hệ thống chính quyền các cấp được củng cố đáp ứng yêu cầu tình hình mới. Qua bình xét, đánh giá hàng năm có gần 75% số chi, đảng bộ cơ sở xếp loại trong sạch, vững mạnh; 83% đảng viên xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ vượt mục tiêu nghị quyết đại hội. Tuy vậy do tác động từ ảnh hưởng suy thoái kinh tế nên kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội còn một số hạn chế như: Tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế chậm, quy mô các mô hình sản xuất, dịch vụ  nhỏ, lẻ; chất lượng các hoạt động văn hóa, xã hội chưa đồng bộ. Năng lực lãnh đạo của một bộ phận cán bộ, đảng viên, tổ chức đảng chưa theo kịp yêu cầu phát triển tình hình mới.

       Tiếp tục phát huy lợi thế sớm đưa Thanh Thủy hoàn thành mục tiêu huyện nông thôn mới, điểm đến du lịch hấp dẫn, hiện đại từ nay đến năm 2020 toàn Đảng bộ cần tập trung: Huy động tối đa mọi nguồn lực, tiếp tục thực hiện tốt ba khâu đột phá: Đầu tư kết cấu hạ tầng then chốt, tập trung mạnh khu vực đô thị, đẩy nhanh và vững chắc tiến độ xây dựng nông thôn mới; khai thác tốt tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch, từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện; phát triển nguồn nhân lực thực sự có chất lượng tạo tiền đề để phát triển kinh tế, xã hội bền vững. Các chỉ tiêu huyện cần phấn đấu: Tốc độ tăng kinh tế hàng năm từ 7,5% trở lên, duy trì sản lượng lương thực trên 32 ngàn tấn/năm để đảm bảo mức bình quân đầu người từ 400 kg trở lên; phấn đấu đến năm 2020  mức thu nhập trên đơn vị canh tác nông nghiệp đạt từ 120 triệu đồng/ha trở lên; thu ngân sách hàng năm tăng từ 10% trở lên; thu nhập bình quân đầu người gần 31 triệu đồng; tỷ trọng cơ cấu kinh tế chuyển dịch nông, lâm nghiệp còn 34,9%, công nghiệp - xây dựng chiếm 17,9%, dịch vụ, thương mại đạt 47,2%. Về văn hóa xã hội giảm tỷ lệ tăng dân số tự nhiên còn 1,1%, trẻ dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thấp hơn 12%; có 100% số xã, thị trấn đạt tiêu chí quốc gia về y tế, với 85% số dân tham gia bảo hiểm y tế; tỷ lệ hộ nghèo còn 1,5-2%; mỗi năm tạo việc làm mới cho 1.500-1.700 lao động, trong đó có khoảng 200 lượt người đi xuất khẩu lao động. Toàn huyện có 80% số đường nông thôn được kiên cố hóa, 90% số trường đạt chuẩn quốc gia, nâng số khu đạt tiêu chí văn hóa lên 82%, số hộ 85% để có 11 xã đạt tiêu chí nông thôn mới. Về xây dựng đảng  và hệ thống chính trị, duy trì 85% trở lên số chi, đảng bộ cơ sở hoàn thành tốt nhiệm vụ, trong đó có 45-50% xếp loại TSVM; 80% số đảng viên xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ, hàng năm kết nạp 3-4% đảng viên; 70% chính quyền cơ sở xếp loại vững mạnh, 80% tổ chức chính trị, xã hội đạt vững mạnh trở lên.

       Để đạt mục tiêu trên, về kinh tế, Đảng bộ tập trung lãnh đạo phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp, thủy sản theo hướng hàng hóa, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị; huy động đa dạng nguồn lực xây dựng nông thôn mới. Khai thác tốt tiềm năng nội tại, kết hợp thu hút nguồn lực bên ngoài để phát triển công nghiệp-TTCN tạo ra nhiều sản phẩm, giải quyết việc làm, thu nhập cho người dân. Đẩy mạnh phát triển du lịch, đa dạng các loại hình dịch vụ, thương mại tiếp tục phát triển Thanh Thủy trở thành điểm đến hấp dẫn, hiện đại. Tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt hoạt động đầu tư, xây dựng cơ bản huy động tối đa các nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật, các công trình phục vụ sản xuất, dịch vụ và chương trình xây dựng nông thôn mới sớm đưa Thanh Thủy trở thành huyện có hạ tầng hiện đại, hình thức, quan hệ sản xuất đa dạng thích ứng với xu thế mới. Cùng với phát triển kinh tế, xã hội tập trung nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa, xã hội đáp ứng yêu cầu học tập, chăm sóc sức khỏe, vui chơi giải trí của người dân. Đồng thời làm tốt công tác bảo đảm an ninh trật tự, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh đủ sức lãnh đạo hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Nguồn: baophutho.vn

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất

Liên kết website