Phụ nữ chung sức xây dựng nông thôn mới

Phụ nữ thị trấn Hùng Sơn, huyện Lâm Thao chăm sóc tuyến đường hoa tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp.

Giúp hội viên thoát nghèo

Thực hiện mô hình hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, nhiều hội viên phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn của huyện Đoan Hùng đã được tạo điều kiện tiếp cận vốn vay, khoa học kỹ thuật trong sản xuất, chăn nuôi. Nhờ đó, nhiều hội viên đã thoát nghèo, vươn lên trở thành hộ khá, giàu. 

Đầu năm 2020, Hội phụ nữ huyện đã phối hợp với Quỹ hỗ trợ phụ nữ nghèo Hội LHPN tỉnh tiến hành rà soát, lập danh sách, thẩm định 4 hộ gia đình hội viên phụ nữ xã Tây Cốc, đề nghị Quỹ hỗ trợ phụ nữ nghèo của tỉnh hỗ trợ mô hình “Nuôi thỏ thương phẩm”. Mỗi hộ được hỗ trợ 20 con thỏ giống, 5 chiếc lồng, tập huấn kỹ thuật nuôi và chăm sóc thỏ, trong đó có gia đình chị Chu Thị Tuyết ở khu Hợp Lai. Sau hơn nửa năm chăm sóc, từ 20 con thỏ giống nay đã sinh sản thêm 25 thỏ con. Chị Tuyết cho biết: “Đàn thỏ con này sẽ được bàn giao cho một hộ phụ nữ nghèo khác trong xã chăm sóc. Đây là mô hình hỗ trợ hội viên phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh như gia đình tôi. Tôi hy vọng, cách làm này của Quỹ hỗ trợ phụ nữ nghèo sẽ góp phần giúp những hội viên có hoàn cảnh khó khăn như tôi sớm vươn lên thoát nghèo”. Với một hình thức hỗ trợ khác, Hội phụ nữ xã Ca Đình lại hỗ trợ hội viên Nguyễn Thị Hiền ở khu 1 phát triển kinh tế từ nguồn hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp. Từ số vốn vay 30 triệu đồng, gia đình chị Hiền đã đầu tư mua phân bón chăm sóc 200 gốc bưởi, 1ha chè khúc vân tiên, PH. Nhờ đó, thu nhập mỗi năm đạt trên 100 triệu đồng, đời sống ngày một đi lên. 

Bà Lê Thị Việt Hà - Chủ tịch Hội LHPN huyện Đoan Hùng cho biết: “Để góp sức xây dựng nông thôn mới, các cấp hội đã chủ động đề xuất, đăng ký phần việc tham gia từ nguồn Chương trình mục tiêu Quốc gia gắn với cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”. Hàng năm, Huyện hội đều xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát hoạt động nhận ủy thác cho vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội. Đến nay, tổng dư nợ nguồn vốn cho vay ủy thác đạt trên 117 tỷ đồng do 105 tổ phụ nữ quản lý, giải quyết cho trên 3.560 thành viên vay. Từ đó, góp phần đạt mục tiêu giảm nghèo của huyện đề ra hàng năm”.

Nhờ được tạo điều kiện vay vốn từ Quỹ hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, gia đình chị Nguyễn Thị Hiền ở khu 1, xã Ca Đình (bên phải) trồng chè, bưởi cho thu nhập ổn định.

Phát triển kinh tế, giảm nghèo, tăng thu nhập cho gia đình hội viên phụ nữ, cải thiện điều kiện sống được xem là tiêu chí căn bản trong thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Những năm qua, hoạt động giúp phụ nữ thoát nghèo bền vững được triển khai thực hiện bằng các chỉ tiêu và giải pháp cụ thể. Đầu năm, Hội phụ nữ các xã, phường, thị trấn đều tổ chức rà soát, phân loại hộ nghèo, lập danh sách theo dõi, đăng ký chỉ tiêu giúp đỡ bằng nhiều hình thức như: Giúp vốn, giống, ngày công lao động, kinh nghiệm làm ăn, duy trì các hoạt động giúp nhau thường xuyên trong đời sống sản xuất. Nhiều mô hình thực hiện tiết kiệm hiệu quả như: “Nuôi lợn nhựa” giúp nhau phát triển kinh tế tại 8/13 huyện, thành, thị; “Nuôi lợn nhựa khuyến học, khuyến tài” tại các huyện: Đoan Hùng, Cẩm Khê, Hạ Hòa, Tam Nông, Thanh Thủy... với số tiền trên 162 tỷ đồng. Năm 2020, Hội LHPN tỉnh hỗ trợ ra mắt 2 mô hình hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp là mô hình “Nuôi thỏ thương phẩm” tại xã Tây Cốc, huyện Đoan Hùng, mô hình “Nuôi chim bồ câu Pháp” tại xã Yên Tập, huyện Cẩm Khê. Các mô hình hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế khởi nghiệp mang lại hiệu quả, được các cấp ủy, chính quyền đánh giá cao.

Trong 5 năm (2015-2020) các cấp Hội phụ nữ trong tỉnh đã giúp 7.249 hộ hội viên có chuyển biến, thoát nghèo theo tiêu chí đa chiều. Nhiều hộ vươn lên làm giàu và tiếp tục giúp đỡ nhiều chị em khác trong chi hội thoát nghèo, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh xuống còn 5,57%.

Xây dựng môi trường xanh, sạch, đẹp

Trước nhịp sống ngày càng phát triển, lượng rác thải ra môi trường tăng lên, nhằm góp phần xây dựng nông thôn mới,  đẩy mạnh tuyên truyền, huy động sự tham gia tích cực của các hội viên và cộng đồng dân cư cùng chung tay bảo vệ môi trường, hàng năm, 100% các cơ sở Hội trên địa bàn tỉnh đã tích cực vận động hội viên vệ sinh đường làng, ngõ xóm định kỳ; ra quân tổng vệ sinh môi trường hưởng ứng “Tháng hành động vì môi trường”, “Tuần lễ nước sạch vệ sinh môi trường”, Ngày môi trường thế giới… Trong 2 năm qua, Hội phụ nữ tỉnh đã phối hợp tổ chức trên 830 buổi truyền thông cho trên 200 ngàn lượt hội viên phụ nữ; vận động phụ nữ và nhân dân thu gom 575 tấn rác thải, khơi thông cống rãnh; vệ sinh đường làng, phát quang bụi rậm; vệ sinh hàng chục ngàn công trình, giếng nước, hố nước gây ô nhiễm; thu gom vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật trên đồng ruộng; chăm sóc cây xanh... Từ việc đa dạng các hoạt động bảo vệ môi trường, đã góp phần giảm thiểu ô nhiễm, nâng cao chất lượng môi trường sống. Từ năm 2017 đến nay, Hội phụ nữ các cấp trong tỉnh đã vận động các nguồn lực duy trì, nhân rộng nhiều mô hình “3 sạch” gắn với bảo vệ môi trường; 4.500 “Đoạn đường hoa”, “Đoạn đường phụ nữ tự quản” không có rác thải hình thành và duy trì hoạt động. Điển hình mô hình nhà sạch - vườn xanh, tuyến phố văn minh triển khai hiệu quả tại thị xã Phú Thọ, nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của đông đảo hội viên; mô hình “Thu gom, xử lý rác thải hộ gia đình”, “Hố xử lý rác thải”; “Lò tiêu hủy rác thải”, “Sạch đồng” tại các huyện: Lâm Thao, Thanh Ba, Tân Sơn, Yên Lập... góp phần tích cực trong việc giữ gìn môi trường xanh, sạch, đẹp. Cùng với đó, Tỉnh hội còn phối hợp với Công ty TNHH Tư vấn đầu tư và Thương mại (INTRACO) và Công ty KCM (Hàn Quốc) triển khai chương trình “Phân phối các bếp đun tiết kiệm năng lượng tại tỉnh Phú Thọ, Việt Nam” với 56.000 bếp trị giá 18 tỷ đồng tặng cho hộ nghèo, cận nghèo và các hộ có nhu cầu sử dụng bếp ở 111 xã, thị trấn, góp phần tiết kiệm nhiên liệu, cải thiện ô nhiễm không khí, giảm lượng khí thải carbon ra môi trường.

Từ sự hỗ trợ của tổ chức Hội, chị Chu Thị Tuyết ở khu Hợp Lai, xã Tây Cốc, huyện Đoan Hùng mong sớm thoát nghèo.

Hưởng ứng phong trào chống rác thải nhựa, Hội LHPN tỉnh đã hỗ trợ kinh phí chỉ đạo thành lập mô hình điểm “Nói không với túi nilon và rác thải nhựa dùng một lần” tại xã Trưng Vương (TP.Việt Trì) và phường Hùng Vương (TX.Phú Thọ). Sau khi ra mắt mô hình điểm, đến nay, riêng Hội LHPN thành phố Việt Trì đã nhân rộng ra 10 đơn vị với 760 thành viên tham gia, tặng gần 2.000 chai thủy tinh đựng nước uống cho cán bộ, hội viên. Bên cạnh đó, Tỉnh hội còn chỉ đạo Quỹ hỗ trợ phụ nữ nghèo tỉnh hỗ trợ kinh phí tổ chức hội nghị tuyên truyền thực hiện mô hình “Phụ nữ xách làn mây đi chợ” tại thị trấn Phong Châu (Phù Ninh), thị trấn Đoan Hùng (Đoan Hùng), xã Tề Lễ (Tam Nông). Qua đó, đã nâng cao ý thức, chuyển đổi hành vi của hội viên và người dân trong việc hạn chế sử dụng túi nilon và các sản phẩm nhựa dùng một lần. Đến nay, 100% hội nghị do các cấp Hội phụ nữ tổ chức không sử dụng chai nhựa dùng một lần; 100% cơ quan Hội LHPN các cấp trong tỉnh không dùng nước uống đóng chai dưới 20 lít.

Kết quả của phong trào thi đua, các cuộc vận động của Hội phụ nữ các cấp trong tỉnh đã đóng góp hiệu quả vào thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.

Hồng Nhung





Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất

Liên kết website