Mô hình trồng bưởi Diễn cho hiệu quả kinh tế cao của hộ ông Trần Huy Nho ở xã Gia Thanh, huyện Phù Ninh.
Năm 2016, toàn tỉnh có 40 xã đạt NTM, 45 xã cơ bản đạt NTM từ 15 tiêu chí trở lên. Đây cũng là năm tỉnh ta công nhận được 20 xã NTM, vượt chỉ tiêu 10 xã so với kế hoạch. Tuy nhiên, quá trình triển khai, thực hiện xây dựng NTM còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, bởi đại đa số các xã nông thôn trong tỉnh so với bộ tiêu chí Quốc gia có điểm xuất phát rất thấp, từ cơ sở hạ tầng đến thu nhập và đời sống của nhân dân nên gặp nhiều trở ngại trong vận động để đạt chỉ tiêu khoảng 12% cơ cấu vốn nội lực từ nhân dân. Trong khi đó, phương châm xây dựng NTM được Ủy ban MTTQ các cấp tích cực tuyên truyền vận động phải dựa vào nội lực của cộng đồng dân cư là chính.
Để phong trào xây dựng NTM phát triển sâu rộng và hiệu quả, với trách nhiệm được phân công, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh đã chủ động các chương trình phối hợp tham gia xây dựng NTM với các đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh. Nội dung phối hợp chủ yếu tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt 19 tiêu chí xây dựng NTM. Ông Vũ Quốc Tuấn- Chi cục trưởng Chi cục phát triển nông thôn, Phó Chánh văn phòng điều phối chương trình xây dựng NTM cho biết: Hàng năm trên cơ sở các xã đăng ký xây dựng đạt chuẩn NTM được Ban Chỉ đạo tỉnh phê duyệt, Ủy ban MTTQ tỉnh và các đoàn thể của tỉnh cùng với Văn phòng Điều phối xây dựng NTM tỉnh thống nhất phân công nhiệm vụ cụ thể cho MTTQ các cấp và các đoàn thể phụ trách, triển khai thực hiện 5 nội dung trong cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh” gắn với 19 tiêu chí xây dựng NTM. Nội dung, hình thức tuyên truyền được Ủy ban MTTQ các cấp, các tổ chức thành viên thực hiện phong phú: Tọa đàm, đối thoại trực tiếp với nhân dân để bàn giải pháp cụ thể thực hiện một số tiêu chí về giao thông nông thôn, nhà ở, thu nhập, lao động việc làm, tổ chức sản xuất, xây dựng đời sống văn hóa, bảo vệ môi trường, quốc phòng- an ninh…
Với cách làm: “Việc gì dễ thì làm trước, việc gì khó làm sau, công trình nào, phần việc nào do hộ gia đình, do dân đóng góp thực hiện thì làm trước…”, đồng chí Đinh Thị Thu Thủy- Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Yên Lập cho biết: Huyện thực hiện tiêu chí xây dựng NTM theo phương châm “Chậm nhưng chắc, quyết không chạy theo thành tích”, “trong trước, ngoài sau”, tức là cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên gương mẫu làm trước, vận động người thân, nhân dân làm theo… Nhờ đó, trên địa bàn huyện đã có 17/17 xã, thị trấn có đường cáp quang, gần 100% khu dân cư được phủ sóng điện thoại; 100% các xã, thị trấn có sân tập luyện thể thao; gần 100 nhà văn hóa khu đạt chuẩn NTM... Đời sống vật chất và tinh thần của bà con vùng sâu, vùng xa ngày một đổi thay.
Huyện Thanh Sơn hiện đã có xã Lương Nha đạt NTM, các xã Địch Quả, Cự Thắng cơ bản đạt 15/19 tiêu chí NTM. Tiếp tục thực hiện các tiêu chí trong chương trình xây dựng NTM, nhất là tiêu chí nâng cao thu nhập cho người dân, Ủy ban MTTQ huyện Thanh Sơn đã phối hợp với chính quyền địa phương tích cực tuyên truyền tới nông dân phát huy nội lực triển khai sản xuất gắn với cơ cấu ngành nông nghiệp. Tập trung phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn và bảo vệ môi trường; phát triển kinh tế đồi rừng, cây lương thực; cải tạo vườn tạp trong mỗi hộ dân để trồng các loại cây có chất lượng, cho thu nhập ngay tại vườn nhà; bước đầu quy hoạch hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung, tiến tới xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu cho các sản phẩm đặc sản địa phương như: Gà ri thả vườn, táo, chè xanh, chuối phấn vàng, cá lồng sông Đà. Huyện đã đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nông thôn, đặc biệt là ứng dụng các giống mới, phát triển sản xuất theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng gắn với liên kết theo chuỗi thị trường tiêu thụ sản phẩm nhằm mục tiêu mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực cho người dân.
Ủy ban MTTQ các cấp trong tỉnh cùng chính quyền địa phương đã tích cực vận động sự đóng góp trực tiếp của các tầng lớp nhân dân thực hiện cuộc vận động bằng nhiều cách làm thiết thực như: Hiến đất, ủng hộ tiền, vật tư, ngày công lao động để xây dựng đường giao thông nông thôn, thủy lợi nội đồng; giúp nhau về vốn, cây giống, kỹ thuật nuôi trồng, giới thiệu việc làm… Năm 2016, các tầng lớp nhân dân trong tỉnh đã hiến hàng chục nghìn m2 đất và tài sản trên đất phục vụ cho việc thi công các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ; mở rộng đường liên thôn, liên xã, đường trong khu vực dân cư, đường nội đồng và xây dựng các công trình phúc lợi công cộng. Ngoài ra, các tầng lớp nhân dân trong tỉnh còn đóng góp nhiều tiền của, ngày công để xây dựng nhà văn hóa, mua sắm các thiết chế văn hóa khu dân cư, sân chơi thể thao, các di tích lịch sử văn hóa… góp phần xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, đường làng ngõ phố sạch đẹp, khang trang, diện mạo nông thôn ngày càng đổi mới.
Đồng chí Trần Phù Tiêu - Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh cho biết: Xác định rõ vai trò của MTTQ trong triển khai xây dựng NTM, ngay từ thời gian đầu, MTTQ tỉnh đã có sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất từ cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể; sự phối hợp chặt chẽ và đồng bộ giữa ban chỉ đạo với các ngành, các cấp trong quá trình triển khai thực hiện đảm bảo sự đoàn kết, thống nhất trong cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên. Trong lộ trình từ nay đến năm 2020, MTTQ tỉnh sẽ tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt trong vận động quần chúng nhân dân chung tay xây dựng NTM, tích cực tham mưu cho các cấp ủy Đảng, phối hợp với chính quyền và ban chỉ đạo chương trình xây dựng NTM lựa chọn những nội dung trọng tâm, để thực hiện có hiệu quả các tiêu chí phù hợp với đặc điểm tình hình của mỗi địa phương, góp phần thực hiện thắng lợi chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh.
Nguồn: phuthoportal.