Xây dựng nông thôn mới ở Kiệt Sơn: Tập trung hỗ trợ sản xuất nâng cao đời sống nhân dân
Hỗ trợ phát triển chăn nuôi là một trong những nội dung được chính quyền xã Kiệt Sơn quan tâm nhằm nâng cao đời sống người dân. - Mô hình nuôi vịt đẻ của gia đình chị Đinh Thị Lá cho thu nhập khoảng trên 60 triệu đồng/năm.
Hỗ trợ phát triển chăn nuôi là một trong những nội dung được chính quyền xã Kiệt Sơn quan tâm nhằm nâng cao đời sống người dân.
- Mô hình nuôi vịt đẻ của gia đình chị Đinh Thị Lá cho thu nhập khoảng trên 60 triệu đồng/năm.

Kiệt Sơn là xã miền núi, trong đó đồng bào dân tộc Mường chiếm trên 86%, thu nhập của người dân phụ thuộc chủ yếu vào nông nghiệp và lâm nghiệp. Tuy nhiên, diện tích đất sản xuất nông nghiệp của toàn xã chỉ chiếm chưa đầy 20% tổng diện tích tự nhiên, lợi nhuận từ đồi rừng vài năm trở lại đây đã giảm khá nhiều so với trước kia. Thu nhập bình quân năm 2016 chỉ đạt khoảng 12 triệu đồng/người/năm. Cuối năm 2016, số hộ nghèo theo chuẩn mới của xã vẫn còn khá cao, chiếm tới 45.55% tổng số hộ. Con số đó cũng đã giảm được khá so với tỷ lệ gần 70% thời điểm vừa tách huyện.

Khi chia tách huyện, Tân Sơn là một trong 62 huyện nghèo của cả nước, được ưu tiên hỗ trợ nhiều chính sách phát triển cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất. Huyện đã chỉ đạo các xã trên địa bàn, trong đó có Kiệt Sơn lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình, dự án để khai thác có hiệu quả nhất các chính sách hỗ trợ ấy. Trong 2 năm 2015 và 2016, huyện và xã đã huy động được hơn 13,2 tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng như đập Suối Quéo, cải tạo giao thông nông thôn, xây dựng kênh mương và hỗ trợ các mô hình sản xuất.

Những năm qua, khá nhiều dự án như: Phát triển cây chè chất lượng cao, hỗ trợ mua máy nông nghiệp; hỗ trợ phát triển chăn nuôi gia súc… các mô hình như cấy lúa thâm canh, SRI, trồng khoai tây, bí đao, chăn nuôi gà… đã được triển khai có hiệu quả, giúp cho tập quán sản xuất của bà con, đặc biệt là đồng bào dân tộc ở đây có sự thay đổi theo chiều hướng tích cực. Gia đình anh Hà Thế Tường ở khu Chiềng, một trong những hộ thụ hưởng chính sách được hỗ trợ nuôi bò sinh sản sử dụng bò lai sind trong quá trình chăn nuôi được khuyến nông viên cơ sở hỗ trợ kiến thức về chăm sóc, phòng chống bệnh nên đạt được kết quả tốt so với phương pháp chăn nuôi truyền thống”.

Chương trình hỗ trợ nuôi bò sinh sản được Đảng ủy và UBND xã quan tâm, chỉ đạo chặt chẽ, không bốc thăm chọn hộ như các nơi khác mà lựa chọn các hộ có kinh nghiệm và thật sự yêu thích chăn nuôi. Nhờ thế mà đàn bò được hỗ trợ ở Kiệt Sơn phát triển khá tốt. Tổng đàn gia tăng. Từ đàn bò cái ban đầu, xã tiếp tục hỗ trợ bê con cho các hộ nghèo, giúp bà con có phương tiện sản xuất.

Cùng với chăn nuôi, các mô hình trồng chè chất lượng cao, thâm canh lúa, trồng khoai tây, bí đao, bí ngô… đã mang lại hiệu quả nhất định, làm phong phú cơ cấu cây trồng của địa phương, đặc biệt là trong vụ đông. Trước kia, tập quán của đồng bào nơi đây là không sản xuất vụ đông thì nay đã có sự thay đổi rõ rệt. Cây trồng vụ đông như khoai tây, bí các loại, rau cải, ngô đông, cỏ chăn nuôi… được trồng với diện tích ngày càng tăng.

Tuy nhiên, Kiệt Sơn vẫn còn khá nhiều khó khăn phải khắc phục để tiếp tục nâng cao đời sống cho người dân, trong đó quan trọng nhất là quy hoạch sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa. Dù đã có nhiều  mô hình được triển khai, nhân dân hưởng ứng nhưng do sự cam kết giữa người sản xuất và doanh nghiệp tiêu thụ chưa chặt chẽ nên đôi khi bà con phải chịu thiệt hại như mô hình trồng ớt cao sản, khoai tây, bí đao những năm 2011, 2012. Sau một thời gian thu mua thì doanh nghiệp lấy cớ không tiêu thụ được hàng hoặc chất lượng sản phẩm không đảm bảo yêu cầu, ép giá bà con nông dân khiến cho một số chủ trương phát triển cây, con nhằm đa dạng hóa sản xuất bị thất bại.

Thực tế cho thấy Kiệt Sơn cần có sự hỗ trợ đầy đủ hơn về kinh nghiệm quản lý, ký kết hợp đồng kinh tế; người dân cần được tập huấn về kỹ thuật sản xuất, nhất là các biện pháp sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm…


Nguồn:baophutho.vn

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất

Liên kết website