Sáng ngày 5/5/2021, tại TP.HCM, Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương đã kết hợp với Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc Gia TP.HCM tổ chức Hội thảo “Giải pháp phát triển chuỗi giá trị du lịch nông thôn tại Việt Nam”.
Hội thảo được thực hiện trên cơ sở đề tài cấp Nhà nước thuộc chương trình Khoa học và Công nghệ phục vụ Chương trình xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020: “Giải pháp phát triển chuỗi giá trị du lịch nông thôn gắn với xây dựng Nông thôn mới tại Việt Nam đến năm 2030”.
Toàn cảnh Hội thảo
Trong xu thế phát triển hiện nay, du lịch là một nhu cầu tất yếu đang được đầu tư phát triển ở nhiều quốc gia. Ở Việt Nam, du lịch nông thôn là vấn đề được quan tâm ở nhiều địa phương trên cả nước. Mặt khác, du lịch nông thôn cũng là lĩnh vực được tập trung nghiên cứu trong Chương trình Khoa học và Công nghệ phục vụ Chương trình xây dựng Nông thôn mới.
Hội thảo “Giải pháp phát triển chuỗi giá trị du lịch nông thôn tại Việt Nam” đã đặt ra các vấn đề ở khía cạnh lý thuyết, lẫn thực tiễn nhằm xác định các giá trị có liên quan đến du lịch nông nghiệp, du lịch nông thôn ở Việt Nam và chia sẻ các kinh nghiệm từ các quốc gia trên thế giới. Đồng thời, Hội thảo cũng đã đề xuất các mô hình, giải pháp hướng đến việc phát huy tiềm năng vốn có của nông thôn Việt Nam với nguồn tài nguyên bản địa dồi dào.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Minh Tiến, Cục trưởng - Chánh Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương cho biết trong điều kiện hiện nay, ngành nông nghiệp không chỉ là sản xuất nông nghiệp mà đã chuyển sang kinh tế nông nghiệp. Nếu trước đây, sản xuất nông nghiệp là làm sao để có nhiều sản phẩm chất lượng đến với người tiêu dùng thì hiện nay, kinh tế nông nghiệp không chỉ ngừng ở sản xuất mà còn tạo thêm các giá trị gia tăng cho sản phẩm nông nghiệp. Giá trị gia tăng này chủ yếu nằm ở câu chuyện, truyền thống, văn hóa, đặc sản của vùng miền. Trong kinh tế nông nghiệp, du lịch nông thôn là lĩnh vực đầy tiềm năng và có thể tạo thành chuỗi giá trị hiệu quả.
Ông Nguyễn Minh Tiến, Cục trưởng - Chánh Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương phát biểu tại Hội thảo.
Sau 10 năm triển khai Chương trình xây dựng Nông thôn mới, môi trường, cảnh quan nông thôn đã phần nào thay đổi tích cực, nhưng vấn đề về phát triển hoạt động du lịch ở nông thôn vẫn còn nhiều hạn chế, chủ yếu là tự phát và chưa phát huy được hết tiềm năng, thế mạnh vốn có. Các hạn chế về hành làng pháp lý, về chính sách, sự đa dạng sản phẩm, thiếu nhân lực là những vấn đề trước mắt được đặt ra. "Để thúc đẩy phát triển du lịch nông thôn bền vững, phải thay đổi hoàn toàn cách tiếp cận, hình thành được chuỗi giá trị, xác nhận được vai trò, các tác nhân của toàn bộ chuỗi giá trị”, ông Tiến chia sẻ.
Theo TS. Ngô Thị Thu Trang - Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HCM, một trong các giải pháp quan trọng để phát triển bền vững du lịch nông thôn gắn với xây dựng Nông thôn mới là gắn phát triển chuỗi giá trị du lịch nông thôn với Chương trình Mỗi xã một sản phẩm. “Hiện tại, chúng ta đã có bộ tiêu chí về chương trình Mỗi xã một sản phẩm, nhóm sản phẩm thứ 6 là dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch. Trong đó có 3 khung bậc trong bộ tiêu chí là sức mạnh cộng đồng, độc đáo sản phẩm và chất lượng sản phẩm. Trên bộ tiêu chí này, nếu một điểm du lịch đáp ứng được, đủ thì gần như đảm bảo được phát triển bền vững cho điểm du lịch đó. Chúng ta có thể xem bộ tiêu chí là một công cụ hướng dẫn để thực hiện và phát triển du lịch nông thôn”, TS. Ngô Thị Thu Trang cho biết.
Thảo luận tại Hội thảo
Bên cạnh các tham luận chất lượng từ các nhà khoa học, Hội thảo cũng đã nhận được sự chia sẻ và phản hồi tích cực từ các doanh nghiệp, các nhà quản lý, lãnh đạo ở các địa phương. Từ đó, gợi mở cho các hoạt động phát triển chuỗi giá trị du lịch nông nghiệp hiện nay. Đây cũng là cơ sở cho việc xây dựng Đề án Du lịch nông thôn gắn với xây dựng Nông thôn mới năm 2021 - 2030 tập trung vào phát huy chuỗi giá trị, đảm bảo liên kết giữa các tác nhân và hướng tới hiệu quả lâu dài, bền vững.
NGUYỆT ÁNH (Nguồn: nongthonviet.com.vn)