Dân biết, dân bàn, dân thụ hưởng - phương châm chủ đạo trong xây dựng nông thôn mới ở Tứ Xã
Từ sự hỗ trợ xi măng của Nhà nước và đóng góp của người dân, nhiều tuyến đường GTNT, giao thông nội đồng đã được kiên cố hóa góp phần xây dựng nông thôn mới ở Tứ Xã (huyện Lâm Thao).  Ảnh:  phương thanh
Từ sự hỗ trợ xi măng của Nhà nước và đóng góp của người dân, nhiều tuyến đường GTNT, giao thông nội đồng đã được kiên cố hóa góp phần xây dựng nông thôn mới ở Tứ Xã (huyện Lâm Thao).
Ảnh: Phương Thanh

Dẫn chúng tôi tham quan tuyến đường nội đồng bờ cây Sung – Mả Giang dài hơn 1km mới được đổ bê tông rộng rãi, dày chắc chắn, anh Nguyễn Hữu Thủy – Phó Chủ tịch  UBND xã cho biết: Đây là một trong nhiều công trình tiêu biểu từ phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, Nhà nước hỗ trợ xi măng, nhân dân đóng góp cát, sỏi, ngày công và trực tiếp thi công, giám sát. Chị Bùi Thị Thi – nông dân khu 10 phấn khởi bày tỏ: Chúng tôi chả nghĩ lại có ngày đường được đổ bê tông sạch đẹp thế này, trước đây đường toàn sỏi, đất đi lại vất vả lắm, giờ thì giao thông thuận lợi hơn nhiều rồi. Xã kêu gọi chúng tôi cùng đóng góp với Nhà nước để làm đường, thấy hợp lý thì chúng tôi ủng hộ ngay.

Theo anh Thủy, khi bắt tay vào xây dựng nông thôn mới, ngoài một số tiêu chí đã có sẵn, Tứ Xã cần phải huy động các nguồn lực để đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, trong đó khó khăn nhất là hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng phục vụ cho sản xuất. Với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân thụ hưởng”, xã tuyên truyền, vận động để nhân dân hiểu, biết vấn đề xây dựng đường nội đồng, qua đó phát huy nguồn lực xã viên, các nguồn đầu tư bên ngoài và sự ủng hộ của con em xa quê. Điểm mấu chốt quan trọng là để người dân tự bàn bạc, quyết định, tự tham gia giám sát, thi công công trình, như thế bà con mới tin tưởng và đồng tình. Trong hơn 3 năm, cả xã huy động được hơn 33,4 tỷ đồng để xây dựng các công trình hạ tầng thiết yếu, trong đó nhân dân đóng góp chiếm khoảng 1/3 tổng mức kinh phí, riêng số tiền huy động đầu tư cho giao thông thủy lợi nội đồng đạt gần 16,3 tỷ đồng, chiếm xấp xỉ 50% tổng nguồn lực đầu tư xây dựng nông thôn mới, cơ bản đáp ứng nhu cầu dân sinh và sản xuất của bà con. Hiện nay 100% tuyến đường giao thông liên xã được nhựa hóa; tất cả các tuyến đường trục thôn, xóm đã bê tông hóa; 95,8% đường ngõ, xóm sạch và không lầy lội vào mùa mưa, được đổ bê tông kiên cố; tỷ lệ đường trục chính nội đồng được cứng hóa, xe cơ giới đi lại thuận tiện đạt 90%, trong đó đã bê tông hóa được hơn 30%; các công trình thủy lợi đều hoạt động có hiệu quả, phát huy được trên 80% năng lực thiết kế; tỷ lệ kênh mương do xã quản lý được kiên cố hóa đạt gần 57%. Cùng với các tuyến đường giao thông, thủy lợi nội đồng, hệ thống điện nông thôn, các công trình phúc lợi như chợ, trường học, trụ sở làm việc của xã… cũng được đầu tư xây mới và cải tạo, nâng cấp, làm cho làng quê thực sự khởi sắc.

Ở Tứ Xã, nhiều năm nay cơ cấu kinh tế, cơ cấu ngành nghề đã có sự chuyển dịch mạnh mẽ. Xã có 2 làng nghề được UBND tỉnh công nhận là làng nghề Mộc Việt Tiến và làng chăn nuôi, chế biến rắn; hoạt động tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ thương mại diễn ra nhộn nhịp, thu hút ngày càng đông lao động tham gia giao thương, trao đổi hàng hóa với 93,5% số người trong độ tuổi lao động có việc làm thường xuyên. Trong sản xuất nông nghiệp, Tứ Xã cũng được coi là một trong những địa phương đi đầu của huyện Lâm Thao về trồng cây vụ đông; làm rau an toàn; tích tụ ruộng đất để trồng lúa, trồng rau màu theo hướng hàng hóa. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người ước đạt 28,5 triệu đồng/người/năm. Xã không còn hộ ở nhà tạm, nhà dột nát trong đó 92,6% số hộ đảm bảo 3 phần cứng theo tiêu chuẩn của Bộ xây dựng; tỷ lệ hộ nghèo còn 4,28%. Xã có 77% khu dân cư đạt tiêu chuẩn văn hóa, 4/5 nhà trường đạt trường chuẩn quốc gia; y tế xã được công nhận chuẩn quốc gia giai đoạn 2011 – 2020; tỷ lệ người dân có BHYT đạt gần 76%. Ở đây mỗi HTX đều có tổ thu gom rác thải sinh hoạt, mỗi khu dân cư đều có tổ khơi thông cống rãnh, phát quang dọn cỏ ở đường thu gom về nơi quy định để xử lý, do đó vệ sinh môi trường cơ bản đảm bảo; tỷ lệ hộ dùng nước sạch đạt gần 90%; gần 72% số hộ có các công trình vệ sinh và hệ thống thoát nước thải không gây ô nhiễm.

Mặc dù đã đạt xã nông thôn mới song Tứ Xã vẫn đang tiếp tục huy động các nguồn lực để đầu tư, củng cố, duy trì và phát huy có hiệu quả các tiêu chí đã đạt được, đồng thời hoàn thiện 2 chỉ tiêu tỷ lệ đạt thấp là giao thông, cơ sở vật chất văn hóa. Xã phấn đấu huy động nguồn đầu tư từ ngân sách Nhà nước và huy động đóng góp trong nhân dân để cứng hóa các đường trục chính nội đồng từ 32,85% như hiện nay lên đạt ít nhất 65%, đồng thời xây dựng sân vận động trung tâm xã theo chuẩn tiêu chí nông thôn mới. 

Nguồn Báo: Phú Thọ Online

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất

Liên kết website