Đây chỉ là 1 trong rất nhiều công trình được bổ sung làm mới trong xây dựng NTM của huyện Đoan Hùng - huyện có xuất phát điểm xây dựng NTM thấp. Năm 2011, khi bắt tay vào xây dựng NTM toàn huyện chỉ đạt bình quân 5,6 tiêu chí/xã. Sau gần 10 năm xây dựng NTM, toàn huyện đã huy động tổng nguồn vốn thực hiện đạt 671.889 tỷ đồng. Bên cạnh đó, nhân dân trong huyện còn đóng góp sức người, sức của, hiến đất làm đường để nối dài những tuyến đường bê tông liên thôn, liên xóm, xây dựng các công trình phục vụ sản xuất và dân sinh. Đến hết năm 2019, toàn huyện có thêm 6 xã hoàn thành 19/19 tiêu chí; 7 xã đạt chuẩn NTM; 20 khu dân cư đạt chuẩn NTM.
Không chỉ riêng huyện Đoan Hùng, các địa phương trong tỉnh từ khi bắt tay vào xây dựng NTM cũng đã tập trung chỉ đạo thực hiện những nội dung trọng điểm, linh hoạt để huy động nguồn lực thực hiện chương trình. Nhờ đó, tốc độ đạt tiêu chí của các xã tăng lên rõ rệt. Các xã NTM như khoác lên mình “chiếc áo mới”. Kết cấu hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất được đầu tư theo hướng hiện đại. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn được nâng lên, số hộ nghèo giảm nhanh. Các vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh, tập trung được hình thành và ứng dụng công nghệ cao có hiệu quả. Hoạt động văn nghệ, thể dục - thể thao ngày càng phong phú và được chú trọng, mức hưởng thụ về văn hóa của người dân nông thôn được nâng lên. An ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững; quốc phòng được củng cố và tăng cường. Đến nay thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn ước đạt 30 triệu đồng/năm, tăng 16,3 triệu đồng so với năm 2011; tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm xuống còn 5,77%. Năm 2019, toàn tỉnh có 106 xã đạt chuẩn NTM; có 246 khu dân cư được công nhận đạt chuẩn NTM. Huyện Lâm Thao đạt chuẩn NTM năm 2015; huyện Thanh Thủy có 100% số xã đạt chuẩn NTM; hoàn thiện hồ sơ đề nghị xét, công nhận thị xã Phú Thọ hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.
Tạo đà phát triển bền vững
Xây dựng NTM đã làm thay đổi diện mạo nông thôn của tỉnh, đặc biệt là ở những xã đã “cán đích” khi kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được xây dựng theo hướng đồng bộ. Tuy nhiên, thực tiễn cũng chỉ ra rằng, sau giai đoạn đạt chuẩn NTM, việc duy trì và nâng cao chất lượng tiêu chí là việc làm không hề đơn giản. Một thách thức không nhỏ đặt ra đối với xã chuẩn NTM trong việc duy trì và nâng cao chất lượng tiêu chí chính là nhiều tiêu chí về NTM có khả năng biến động như: Giao thông, thu nhập, hộ nghèo, môi trường…
Xã Bằng Luân đẩy mạnh phát triển cây bưởi đặc sản để nâng cao thu nhập cho người dân
Trước thực tế trên, cấp ủy Đảng, chính quyền nhiều địa phương đã và đang xây dựng kế hoạch duy trì và nâng cao chất lượng tiêu chí NTM một cách cụ thể nhằm đảm bảo sự tăng trưởng và phát triển bền vững.
Ông Kiều Đức Mạnh - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thanh Sơn cho biết: Hiện nay song song với việc hoàn thiện các tiêu chí đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM, huyện cũng chú trọng rà soát, đánh giá mức độ của từng tiêu chí ở các xã đạt chuẩn. Trên cơ sở đó, huyện cân đối nguồn ngân sách hằng năm, hỗ trợ duy trì và nâng cao các tiêu chí ở các xã đã đạt chuẩn NTM. Trong đó, hoàn thiện cơ sở hạ tầng thiết yếu như: Hệ thống đường giao thông nông thôn, các công trình cung cấp điện, nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất. Đồng thời, phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.
Với quan điểm “Xây dựng NTM là quá trình liên tục, lâu dài, có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc”, vì vậy giải pháp đặt ra là các ngành, địa phương cần rà soát và sớm hoàn thành mục tiêu của giai đoạn 2016 - 2020 mà các cấp có thẩm quyền đã phê duyệt; đồng thời xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện giai đoạn sau năm 2020 cụ thể, sát với tình hình thực tế. Đối với các khu, xã và huyện đã đạt chuẩn NTM, tập trung chỉ đạo, xác định nội dung, giải pháp thực hiện, đảm bảo giữ vững và phấn đấu đạt chuẩn NTM nâng cao, kiểu mẫu giai đoạn 2021 - 2025.
Hợp tác xã chè an toàn Văn Miếu (huyện Thanh Sơn) tạo việc làm ổn định cho trên 10 lao động địa phương
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Tú Anh cho biết thêm: Hiện nay, việc xây dựng NTM đang chuyển biến mạnh mẽ từ “lượng” sang “chất”. Do vậy, để giữ vững các tiêu chí đã thực hiện được trong quá trình xây dựng NTM là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu đối với các xã NTM. Hiện nay, tỉnh đang triển khai thống kê, rà soát các tiêu chí NTM đã đạt của từng xã để có những hỗ trợ, giải pháp phù hợp duy trì và phát triển bền vững các tiêu chí, tiến tới xây dựng NTM nâng cao và NTM kiểu mẫu tại các khu, xã, huyện đã đạt chuẩn NTM.
Bên cạnh việc đa dạng hóa hình thức tuyên truyền vận động để người dân hiểu được cái lợi mà mình được hưởng trong chương trình xây dựng NTM thì các địa phương cần tiếp tục thực hiện cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ. Xây dựng các chuỗi hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm cây trồng, vật nuôi chủ lực gắn với chuỗi các chợ đầu mối hoặc trung tâm cung ứng hàng nông sản hiện đại, sàn giao dịch nông sản. Trong đó, chú trọng phát triển các sản phẩm chủ lực, đặc trưng và đặc sản thế mạnh của tỉnh theo Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) gắn với xây dựng thương hiệu, bao bì nhãn mác sản phẩm, truy xuất nguồn gốc, xác định đây là nội dung đột phá, động lực, sức sống của chương trình NTM thời gian tới.
Ngoài việc đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao để nâng cao đời sống tinh thần cho người dân nông thôn thì các lĩnh vực y tế, giáo dục, quốc phòng an ninh và bảo vệ môi trường nông thôn, cải tạo cảnh quan môi trường gắn với phát triển du lịch cộng đồng cũng cần tiếp tục được chú trọng để từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân.
Nguyễn Liên