Diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc
Để đạt được những kết quả đó là nhờ có sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, các cấp, các ngành, các địa phương và sự tham gia hưởng ứng tích cực của các tầng lớp nhân dân: Công tác thông tin tuyên truyền về xây dựng NTM tiếp tục được đẩy mạnh, phong trào thi đua “Chung sức xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020” và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” được triển khai sâu rộng; công tác quản lý, điều hành thực hiện Chương trình được quan tâm thực hiện, bộ máy chỉ đạo và bộ máy giúp việc ban chỉ đạo các cấp được kiện toàn đồng bộ, chuyên sâu, chuyên nghiệp, nên công tác tham mưu ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện Chương trình kịp thời, đầy đủ; công tác kiểm tra, giám sát thực hiện Chương trình được thực hiện thường xuyên, kịp thời phát hiện, xử lý những vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện; công tác thi đua, khen thưởng được quan tâm, thực hiện kịp thời; đã huy động và phát huy tốt nguồn vốn đầu tư, đặc biệt là huy động các nguồn lực của doanh nghiệp, con em xa quê thành đạt và đóng góp của người dân để thực hiện Chương trình; công tác phát triển sản xuất được đẩy mạnh, gắn xây dựng nông thôn mới với tái cơ cấu ngành nông nghiệp được quan tâm,...
Do vậy, đến hết năm 2019, toàn tỉnh đã có 106 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 25 xã so với năm 2018, có 246 khu dân cư đạt chuẩn khu dân cư nông thôn mới, tăng 133 khu so với năm 2018, bình quân tiêu chí đạt 15,2 tiêu chí (so với kế hoạch đề ra: Số xã được công nhận nông thôn mới vượt 15 xã, bình quân tiêu chí vượt 0,7 tiêu chí), đến nay toàn tỉnh không còn xã dưới 7 tiêu chí; có huyện Lâm Thao đạt chuẩn nông thôn mới năm 2015, 3 địa phương là thành phố Việt Trì, thị xã Phú Thọ và huyện Thanh Thủy có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới (thị xã Phú Thọ đã hoàn thiện hồ sơ trình công nhận hoàn thành nhiệm vụ vụ xây dựng nông thôn mới); kinh tế vùng nông thôn tiếp tục phát triển, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt trên 30 triệu đồng/người/năm; an ninh chính trị ổn định, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, dân chủ ở cơ sở được phát huy; cơ cấu kinh tế, lao động tiếp tục có sự chuyển dịch tích cực; đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện, bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc,...
Mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC tại xã Hương Nộn – huyện Tam Nông
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả nổi bật vẫn còn có mặt hạn chế như: công tác quản lý, điều hành ở một số địa phương thiếu quyết liệt; công tác tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới chưa thực sự có chiều sâu, nên vai trò chủ thể của người dân chưa được phát huy hết, chưa chuyển thành ý thức tự giác của mỗi người dân, ở một số xã đã đạt chuẩn NTM việc tuyên truyền về nông thôn mới có dấu hiệu trùng xuống; phát triển sản xuất nâng cao thu nhập cho người dân được quan tâm thực hiện, tuy nhiên hiệu quả chưa cao; chưa xây dựng được nhiều chuỗi sản xuất quy mô lớn theo hướng hàng hóa bền vững; công tác vệ sinh môi trường nông thôn hiệu quả thực hiện còn hạn chế, rác thải, nước thải ở một số địa phương chưa được thu gom, xử lý triệt để theo quy định gây ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường và đời sống người dân nông thôn.
Năm 2020 là năm cuối thực hiện Nghị quyết Đại hội đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII và là năm cuối thực hiện Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020, phát huy những kết quả đã đạt được, toàn tỉnh phấn đấu có thêm ít nhất 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới, bình quân tiêu chí toàn tỉnh đạt 15,5 tiêu chí/xã, huyện Thanh Thủy đạt chuẩn nông thôn mới, thành phố Việt Trì hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (lũy kế có 4 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới), phấn đấu có 300 khu dân cư nông thôn mới và không có xã đạt dưới 8 tiêu chí; đối với các xã chưa đạt chuẩn, tiếp tục nâng dần các tiêu chí đạt chuẩn trong năm, phấn đấu mỗi xã tăng bình quân 1 tiêu chí; đối với những xã đã đạt chuẩn nông thôn mới, tiếp tục thực hiện nâng chất các tiêu chí để tiến tới xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; xây dựng các khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu. Để thực hiện thắng lợi kế hoạch đề ra, các cấp, các ngành cần tập trung triển khai thực hiện một số giải pháp sau:
Một là, kiện toàn bộ máy tổ chức thực hiện Chương trình đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở, đảm bảo hoạt động có hiệu lực, hiệu quả. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trong thực hiện Chương trình, để kịp thời nắm bắt được thực trạng triển khai tại các địa phương, bên cạnh đó kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện. Chú trọng công tác sơ kết, tổng kết đánh giá kết quả triển khai chương trình. Trên cơ sở đó rút kinh nghiệm trong quá trình triển khai thực hiện.
Hai là, đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền trong xây dựng nông thôn mới, đặc biệt cần tuyên truyền theo chiều sâu, để tạo chuyển biến thực sự về ý thức của mỗi người dân trong xây dựng nông thôn mới.
Ba là, chỉ đạo thực hiện toàn diện 11 nội dung của Chương trình, trong đó xác định trọng tâm, trọng điểm để chỉ đạo triển khai thực hiện. Trong đó ưu tiên nguồn lực để tập trung đầu tư xây dựng hệ thống giao thông nông thôn, hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng phục vụ sản xuất, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất về điện, trường học, trạm y tế; hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, chỉ đạo xây dựng các mô hình sản xuất liên kết theo chuỗi quy mô liên huyện, liên xã; thực hiện tốt chính sách hợp tác, liên kết tiêu thụ sản phẩm trên địa bản tỉnh và chính sách thu hút, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn theo Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐND ngày 16/7/2019 của Hội đồng nhân dân tỉnh về chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh; đẩy mạnh xây dựng cảnh quan môi trường nông thôn để thực sự sáng – xanh – sạch – đẹp,...
Bốn là, tăng cường thực hiện hiệu quả các giải pháp huy động nguồn lực thực hiện Chương trình: Thực hiện lồng ghép, thống nhất cơ chế đầu tư, hỗ trợ trên cùng địa bàn theo cơ chế của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; có chính sách hỗ trợ từ ngân sách tỉnh cho các đơn vị cấp huyện phấn đấu đạt chuẩn NTM. Huy động tối đa nguồn lực của địa phương (tỉnh, huyện, xã) để tổ chức triển khai Chương trình, trong đó tiếp tục triển khai chính sách thưởng công trình phúc lợi cho xã đạt chuẩn xây dựng nông thôn mới; vận động nhân dân tự nguyện tham gia đóng góp kinh phí, ngày công lao động, hiến đất,… để tập trung phát triển hệ thống hạ tầng cơ bản (giao thông, thủy lợi, nước sạch, môi trường, công trình văn hóa,…) ở nông thôn.
Năm là, phát huy vai trò của nhân dân trong giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn nông thôn. Triển khai các giải pháp mạnh để kiềm chế và xử lý triệt để tội phạm liên quan đến ma tuý, truyền đạo trái phép; đẩy nhanh tiến độ triển khai chủ trương đưa lực lượng công an chính quy về làm công an xã, nhất là ở những khu vực trọng yếu, các điểm nóng, phức tạp; đồng thời, nhân rộng và phát huy hiệu quả các mô hình tự quản đảm bảo giữ vững an ninh, trật tự xã hội nông thôn.
Đặc biệt, đối với các xã vừa thực hiện sáp nhập, cần khẩn trương kiện toàn toàn bộ máy chỉ đạo, quản lý thực hiện Chương trình, để chỉ đạo rà soát, đánh giá hiện trạng nông thôn mới, xây dựng kế hoạch xây dựng nông thôn mới cho những năm tiếp theo./.
Nguyễn Nam Cường – Phó Chánh Văn phòng điều phối NTM tỉnh