Trang trại lợn của gia đình chị Nguyễn Thị Hoa được đầu tư hiện đại với quy mô 1.200 con/lứa
Trong khi nhiều hộ chăn nuôi nhỏ đang phải đau đầu với bài toán thua lỗ, thì trang trại nuôi lợn theo hướng công nghiệp của gia đình chị Nguyễn Thị Hoa, ở khu Đa Nghệ, xã Thắng Sơn vẫn cho doanh thu hàng tỷ đồng mỗi năm. Sau khi tham quan học hỏi kinh nghiệm và nắm bắt được nhu cầu của thị trường, năm 2012, gia đình chị Hoa đã mua lại 2 ha đất trồng cây lâm nghiệp kém hiệu quả chuyển sang đầu tư xây dựng trang trại nuôi lợn thương phẩm theo đúng quy trình, tiêu chuẩn kỹ thuật của trại nuôi công nghiệp với quy mô khoảng 1.200 đến 1.500 con một lứa có hệ thống xử lý chất thải. Để đảm bảo được giá thành cũng như đầu ra ổn định, gia đình chị đã ký kết hợp đồng với công ty cổ phần thức ăn chăn nuôi theo mô hình “chuỗi sản xuất”. Phía công ty đầu tư toàn bộ 100% giống lợn ngoại đạt tiêu chuẩn, thức ăn, thuốc thú y và tuân theo một quy trình kỹ thuật nghiêm ngặt. Vì vậy gia đình chị đã giảm được tối đa những rủi ro trong chăn nuôi và cho doanh thu hàng tỷ đồng mỗi năm với phương châm cung cấp cho thị trường các sản phẩm từ thịt an toàn. Chị chia sẻ: Khi tham gia liên kết với công ty thì gia đình chị hoàn toàn yên tâm về thị trường không lo giá lợn lên xuống như các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Thu nhập từ mỗi lứa lợn xuất cho công ty gia đình chị cũng lãi vài trăm triệu đồng.
Cũng như chị Hoa, trang trại chăn nuôi lợn thương phẩm và lợn nái của ông Đỗ Gia Bân cũng là mô hình chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ông chia sẻ: “Đầu tư chăn nuôi theo chuỗi như thế này với quy mô khoảng 500 con trở lên rất hiệu quả. Nếu kết hợp nuôi lợn thương phẩm và lợn giống thì người chăn nuôi chúng tôi có thể chủ động hoàn toàn về nguồn giống và giảm được chi phí vì giá lợn giống ngoại rất đắt”.
Hiện toàn xã Thắng Sơn đã có 7 trại lợn đã và đang đi vào hoạt động, những trang trại này đều được thiết kế nuôi từ 1000 con trở lên và được xây dựng cách xa trung tâm, khu dân cư và có hệ thống xử lý chất thải bằng hầm bioga để bảo vệ môi trường.
Nhận thấy hiệu quả từ mô hình chăn nuôi theo chuỗi, xã Thắng Sơn đã khuyến khích các hộ dân chuyển đổi diện tích đất trồng cây lâm nghiệp kém hiệu quả sang phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại có xử lý chất thải để dần hình thành vùng phát triển sản xuất chăn nuôi tập trung. Ông Đinh Quang Trọng – Phó Chủ tịch UBND xã Thắng Sơn cho biết: Địa phương đã xác định là xã thuần nông, chủ yếu người dân sống bằng nghề nông nghiệp nên cấp ủy, chính quyền địa phương quyết tâm “lấy nông làm gốc”, vì vậy, chúng tôi khuyến khích bà con nhân nhân chuyển đổi từ việc trồng cây công nghiệp kém hiệu quả sang kinh tế trang trại. Hiện nay đã có 4 trang trại đi vào hoạt động và 3 trang trại đang trong quá trình hoàn thiện, chúng tôi đề nghị các trang trại xử lý chất thải bằng bioga để đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường.
Mô hình phát triển chăn nuôi theo chuỗi gắn với bảo vệ môi trường ở Thanh Sơn đã mở ra hướng chăn nuôi mới, giúp người dân giảm thiểu được rủi ro trong chăn nuôi, giải quyết được vấn đề ô nhiễm môi trường và phần nào đã giải được bài toán đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp của mình. Hy vọng rằng với sự thành công bước đầu của các mô hình trên người chăn nuôi trên địa bàn xã Thắng Sơn sẽ có bước tiến mới và giải pháp mới để đưa nền nông nghiệp của địa phương phát triển một cách bền vững.
Nguồn: Phuthoportal.