Thanh Ba tập trung thực hiện xây dựng nông thôn mới
Từ nguồn vốn chương trình xây dựng nông thôn mới, huyện Thanh Ba đã tập trung thực hiện các dự án sản xuất, nâng cao hiệu quả của các HTX mang lại hiệu quả kinh tế cao. - Mô hình trang trại tổng hợp tại xã Khải Xuân cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.
Từ nguồn vốn chương trình xây dựng nông thôn mới, huyện Thanh Ba đã tập trung thực hiện các dự án sản xuất, nâng cao hiệu quả của các HTX mang lại hiệu quả kinh tế cao.
- Mô hình trang trại tổng hợp tại xã Khải Xuân cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.

Giai đoạn 2011 - 2015, trong điều kiện nguồn lực còn hạn chế nhưng huyện Thanh Ba đã tích cực tranh thủ các nguồn lực đầu tư hỗ trợ xây dựng hạ tầng nông thôn, đồng thời có chính sách hỗ trợ phù hợp nên đã huy động được sự tham gia tích cực của cộng đồng. Về xây dựng cơ sở hạ tầng, tổng vốn hỗ trợ trực tiếp từ chương trình xây dựng NTM và các dự án, chương trình đầu tư lồng ghép lên tới hơn 1.256 tỷ đồng. Nhờ đó 310 công trình gồm: Đường giao thông, thủy lợi, chợ, cơ sở vật chất trường học, văn hóa, điện nông thôn, trung tâm văn hóa thể thao xã… trên địa bàn huyện đã được đầu tư xây dựng. Đối với các dự án sản xuất, nâng cao hiệu quả của các HTX, với trên 22,4 tỷ đồng được hỗ trợ trực tiếp từ nguồn vốn chương trình xây dựng NTM (gồm vốn Ngân sách Nhà nước và vốn đối ứng của người dân), huyện đã triển khai xây dựng được 184 mô hình về: Tập huấn chuyển giao KHKT, khuyến nông với 97 lớp cho 11.000 lượt người tham gia; hỗ trợ giống cây trồng 612ha, trên 6.000 con giống gia súc, gia cầm; hỗ trợ phát triển cơ giới hóa cho hàng nghìn máy làm đất, máy phun thuốc trừ sâu, máy gặt, máy bơm nước các loại… tổng số có khoảng 5.600 hộ, nhóm hộ, HTX tham gia hưởng lợi. Bên cạnh đó, các chương trình triển khai trên địa bàn như Chương trình 135, hỗ trợ xây dựng nhà ở cho người có công, hỗ trợ xây dựng nhà ở cho người nghèo, nước sạch VSMT với tổng nguồn lực huy động trên 160 tỷ đồng.

Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Phương Hạnh- Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Công tác thông tin tuyên truyền về chương trình xây dựng NTM được triển khai thường xuyên, liên tục, do vậy nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân có nhiều chuyển biến đáng kể, người dân chủ động tham gia vào các nội dung của chương trình thông qua những việc làm cụ thể: Bàn bạc, trao đổi, thống nhất phương án quy hoạch chi tiết NTM cấp xã, trực tiếp theo dõi, quản lý giám sát đầu tư các công trình trên địa bàn; chủ động chỉnh trang nhà, cổng, sân vườn, đường vào ngõ xóm, khơi thông cống rãnh, vệ sinh môi trường nơi ở, đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất, hiến đất, góp công, góp của để xây dựng các công trình… Sau hơn 4 năm, trong tổng số 26 xã trên địa bàn huyện có 12 xã đạt 7- 9 tiêu chí, 8 xã đạt 10- 14 tiêu chí, 2 xã đạt 15- 16 tiêu chí, 3 xã đạt 17 tiêu chí, 1 xã (xã Đông Thành) đạt 19 tiêu chí. Toàn huyện tăng thêm 158 tiêu chí, bình quân tăng 6 tiêu chí/xã/giai đoạn. 67 tiêu chí gần đạt trên các lĩnh vực như: Cơ sở vật chất văn hóa, tỷ lệ hộ nghèo, nhà ở dân cư… Từ nay đến cuối năm 2015, huyện tập trung chỉ đạo các xã Lương Lỗ, Đỗ Xuyên, Chí Tiên đạt chuẩn xây dựng NTM.

Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” tiếp tục được triển khai tích cực, đến nay có 82,5% gia đình đạt tiêu chuẩn văn hóa, 95,7% khu dân cư văn hóa, 100% khu dân cư có nhà văn hóa. Trung tâm Văn hóa, thể thao và du lịch huyện được thành lập, bước đầu hoạt động có hiệu quả. Thiết chế văn hóa, thể dục thể thao, Đài truyền thanh từ huyện đến cơ sở từng bước được nâng cấp theo tiêu chí NTM, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, thể thao của cán bộ và nhân dân trên địa bàn huyện. Tập trung xây dựng trường chuẩn quốc gia và thực hiện Quy hoạch phát triển giáo dục và đào tạo giai đoạn 2011 - 2020, UBND huyện đã đầu tư xây dựng cơ sở vật chất theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, nâng cao chất lượng, thực hiện các mục tiêu phổ cập giáo dục gắn với mục tiêu xây dựng NTM. Toàn huyện đã có 29 trường đạt chuẩn quốc gia, 454 phòng lớp học đạt kiên cố với kinh phí đầu tư hàng trăm tỷ đồng. Chất lượng toàn diện cuộc sống người dân ngày càng được nâng cao. Tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt trên 90%. Bình quân mỗi năm tỷ lệ hộ nghèo giảm 3,6%. Hàng nghìn ngôi nhà cho hộ nghèo và hộ gia đình chính sách được xây dựng mới. Thông qua các chương trình dự án đã giải quyết việc làm cho trên 1.800 người, xuất khẩu trên 300 lao động, đào tạo nghề cho hàng chục nghìn lao động trên địa bàn mỗi năm…

Giai đoạn 2015-2020, huyện chỉ đạo các xã còn lại tiếp tục phấn đấu tăng thêm từ 2-4 tiêu chí/năm theo thứ tự ưu tiên. Duy trì và giữ vững các tiêu chí đã đạt. Phấn đấu có 100% cán bộ chủ chốt cấp xã, 70% cán bộ tham gia xây dựng NTM cấp xã được bồi dưỡng, tập huấn kiến thức chuyên sâu về xây dựng NTM. 70-78% cán bộ tham gia xây dựng NTM cấp thôn được tập huấn, bồi dưỡng kiến thức cơ bản về xây dựng NTM. Đẩy mạnh phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa; đặc biệt quan tâm về sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tăng thu nhập, phát triển giáo dục, y tế, vệ sinh môi trường và xây dựng hạ tầng nông thôn. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Thanh Ba lần thứ XXV, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã đề ra mục tiêu: Phấn đấu có 16 xã trở lên cơ bản đạt chuẩn NTM; 95,5% dân cư nông thôn được dùng nước sạch, nước hợp vệ sinh; 70% các khu dân cư tập trung được thu gom, xử lý rác thải; 100% xã, thị trấn đạt chuẩn Quốc gia về y tế… Dự kiến, tổng huy động nguồn lực giai đoạn 2016 - 2020 cần 1.820 tỷ đồng, gồm các nguồn vốn: Ngân sách Nhà nước trực tiếp cho chương trình xây dựng NTM; Ngân sách Nhà nước đầu tư lồng ghép từ các chương trình, dự án; tín dụng; từ cộng đồng dân cư; từ các tổ chức, doanh nghiệp và nguồn lực khác.


Nguồn: baophutho.vn

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất

Liên kết website