Xây dựng nông thôn mới đem lại hiệu quả thiết thực ở Thanh Sơn
trồng-táo.jpg
Mô hình trồng táo tại xã Lương Nha đem lại thu nhập cao cho người dân (Ảnh: Huyền Trang)
Thực tế cho thấy chương trình xây dựng NTM thực sự đã đem luồng sinh khí mới đến mọi miền quê ở Thanh Sơn. Với tổng huy động nguồn lực thực hiện trên 56 tỷ đồng (năm 2017) cho xây dựng NTM, đến nay các xã trên địa bàn huyện bình quân đạt 11,3 tiêu chí/xã, tăng 1,4 tiêu chí/xã so với năm 2016. Tỷ lệ km đường trục xã, liên xã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa đạt 63,7%; hệ thống thủy lợi trên địa bàn các xã đã cơ bản phục vụ tốt cho nhu cầu sản xuất và dân sinh. Nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp đã hình thành liên kết giữa người dân với thị trường, đem lại thu nhập cao hơn, tiến tới hình thành vùng sản xuất hàng hóa, điển hình như: Mô hình trồng cây bưởi diễn, trồng cam tại xã Văn Miếu; mô hình trồng táo tại xã Lương Nha; mô hình sản xuất nấm tại các xã Võ Miếu, Tinh Nhuệ; mô hình trồng cây dược liệu tại các xã Tất Thắng, xã Thục Luyện; mô hình nuôi cá đặc sản trên hồ tại các xã Cự Thắng, Cự Đồng, Yên Sơn, Lương Nha... Năm 2017, tổng giá trị tăng thêm ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt 698,7 tỷ đồng, tăng 4,5%, góp phần phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân; giá trị tăng thêm bình quân đầu người đạt 21 triệu đồng/năm. Các chính sách an sinh xã hội được đảm bảo, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều còn 13,42%.Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, nhiều tuyến đường giao thông nông thôn đã được duy tu, sửa chữa. Riêngnăm 2017, toàn huyện đã huy động trên 5.460 ngày công tập trung vào việc tu sửa, phát dọn đường giao thông, hệ thống kênh mương và vệ sinh môi trường nông thôn góp phần thay đổi diện mạo nông thôn mới. Việc chuyển đổi cây trồng, vật nuôi được nhân dân hưởng ứng tích cực nên cho năng suất cao, chất lượng tốt; chính sách đền ơn đáp nghĩa, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với xây dựng NTM ngày càng đi vào chiều sâu.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện chương trình xây dựng NTM còn một số hạn chế như: Công tác thực hiện theo quy hoạch còn nhiều bất cập; việc tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp còn gặp nhiều khó khăn; một số mô hình tích cực chưa được nhân rộng; việc hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM còn chậm so với mục tiêu và yêu cầu, đặc biệt là các chỉ tiêu về cơ sở hạ tầng cần nhiều nguồn lực để xây dựng như: Giao thông, thủy lợi, cơ sở vật chất văn hóa, chợ, môi trường,...
Để hoàn thành chương trình xây dựng NTM, thời gian tới, huyện Thanh Sơntập trung đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để tăng năng suất, tăng sản lượng và sức cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp; tập trung phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu trực tiếp phục vụ sản xuất và đời sống của người dân; phát triển sản xuất, giải quyết việc làm tăng thu nhập cho người dân gắn với chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Bên cạnh đó, quan tâm giải quyết dứt điểm các vấn đề bức xúc về môi trường nông thôn trong quá trình phát triển sản xuất và công nghiệp hóa; đồng thời hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất văn hóa, thể thao thiết thực với người dân ở các thôn, tạo điều kiện để phát triển các hoạt động văn hóa, thể thao trên địa bàn nông thôn. Tổ chức tập huấn giáo dục cộng đồng để nâng cao nhận thức cho nhân dân nhất là các khu vực khó khăn, vùng sâu, vùng xa để hiểu đầy đủ hơn về nội dung, phương pháp, cách làm NTM, các mô hình tốt để học tập. Phấn đấu đến hết năm 2018, huyện hoàn thiện hồ sơ công nhận thêm 1 xã đạt chuẩn NTM, nâng tổng số xã đạt chuẩn NTM của huyện lên 3 xã; các xã còn lại tăng từ 1 tiêu chí trở lên; bình quân các xã đạt 12 tiêu chí/xã. Đặc biệt, triển khai thực hiện tiêu chí khu dân cư NTM, phấn đấu toàn huyện có 12 khu đạt chuẩn NTM…

Nguồn: phuthoportal.

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất

Liên kết website